Trả thù hèn hạ
Những người quyết liệt chống tham nhũng là dân thường, lại được vinh danh là cái gai nhức nhối trong mắt của những kẻ bị tố cáo, bị làm khó dễ. Họ không đánh gục được người tố cáo bằng sự mua chuộc, bằng quyền lực của mình thì họ dùng bàn tay kẻ khác để trả thù một cách hèn hạ.
Mới đây nhất, anh Trần Văn Giáp – một trong 18 người được ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng tỉnh Nghệ An vinh danh và khen thưởng – đã bị một nhóm côn đồ tấn công, nổ súng truy sát. Người em trai của anh nghe tiếng súng chạy ra bảo vệ anh cũng bị chúng chém đứt một ngón tay, bản thân anh Giáp bị đánh bầm dập mặt mũi, may mà chạy thoát.
Xa hơn một chút, vào tháng 1/2011, ông Bùi Công Khôi ở Chí Linh, Hải Dương bị giết chết tại nhà, kẻ thủ ác còn cắt đi một tai ông, nhằm gửi đi một thông điệp tàn bạo với những người cùng hội, cùng thuyền với ông. Ông Khôi có trình độ pháp luật, được bầu làm tổ trưởng của 7 người đấu tranh phản đối việc lấp hồ nước ngọt – nguồn sống của nhân dân – và tố cáo các hành vi sai phạm về quản lý đất đai tại địa phương.
Nổi tiếng bị các hành vi đê hèn nhất đe dọa phải kể đến người đàn bà Yên Phụ, bà Nguyễn Thị Hòa được Chính phủ Việt Nam vinh danh trong 88 công dân ưu tú, đi đầu trong việc chống tham nhũng. Nhà bà bị bọn chúng ném phân, đặt chất nổ…, dùng đủ các thủ đoạn khác nhau để đe dọa. Bà từ chối 2 tỷ đồng do một doanh nghiệp dấu mặt “tặng” để mua sự im lặng của bà. Bà tuyên bố thẳng thừng : “Chỉ cần 2 mét đất” là xong.
Cái bà mong muốn là để lại cho con cháu những điều tốt đẹp, bà quan niệm “làm một công dân tốt còn hơn là một đảng viên tồi”. Bà không từ bỏ con đường đấu tranh dù có phải trả bằng mạng sống của mình.
Các vụ việc nói trên, tiếc thay, cho đến bây giờ chưa tìm ra một thủ phạm nào. Bất lực do nghiệp vụ yếu kém hay vì lực lượng quá mỏng ? Nếu đúng vậy thì đừng khuyên người ta yên tâm “chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ”, hay người ta biết rõ những người đứng sau những thủ phạm kia mới là thủ phạm đích thực, bắt và xử lý bọn đâm thuê chém mướn cò con này chẳng bõ phải xuống tay ?. Có lẽ vì thế chăng mà số phận của những người chống tham nhũng luôn luôn trong tình trạng “Trứng để đầu đẳng” ?.
Tác giả : Nhị Ngọc
Nguồn : Trang Văn hóa - Xã hội, Báo Pháp Luật Việt Nam
Số 158 (4.584), Thứ Ba, ngày 7-6-2011.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét