Nhân Khánh, Thông tín viên RFA
Ở một nước có đa số cư dân liên quan đến nông thôn thì vấn đề đất đai là quan trọng, ngoài giá trị là một tài sản, đất đai còn là môi trường lao động của người nông dân.
Một khu đất nông nghiệp chuyển thành đất ở. Photo courtesy of nhadat.vn
Trong mấy năm qua, tình trạng khiếu kiện thậm chí dẫn đến biểu tình về những vấn đề liên quan đến đất đã trở nên phổ biến trong cả nước. Đâu là nguyên nhân thực tế dẫn đến các sự việc này, thông tín viên Nhân Khánh có bài tìm hiểu sau.
Lấy đất của dân chia nhau
Các vụ việc tố cáo, khiếu nại liên quan đến đền bù, giải tỏa đất đai xảy ra khắp cả ba miền Bắc Trung Nam. Mọi việc diễn ra không thể đổ lỗi cho cơ chế, vì phải thấy rằng cơ chế cũng do chính con người tạo ra nhằm mục đích cuối cùng là phục vụ lại cho lợi ích của đa số quần chúng trong xã hội.
Gần đây, qua loạt bài “Chuyện "động trời" ở tỉnh Kiên Giang: Dân mất đất kêu than, “quan” biến thành địa chủ!” của phóng viên Mạc Hồng Kỳ trên báo Người Cao Tuổi đã minh chứng một phần thực tế này. Nhiều người nông dân ở xã Bình Giang huyện Hòn Đất bị lấy toàn bộ đất canh tác mà không được bồi thường, thậm chí có người còn cho hay, do thấy thu hồi đất trái luật nên ông không chịu giao đất thì bị công an xã bắt trói, nhốt vô hầm tối, hay có người còn bị chích roi điện. Những sự việc tương tự cũng diễn ra ở những khu vực khác như ở huyện Kiên Lương, huyện Giang Thành, con số hộ nông dân bị lấy đất lên đến con số hàng trăm.
Rốt cuộc những miếng đất bị thu hồi không có bồi thường này được chia cho các quan chức trong toàn tỉnh Kiên Giang. Chẳng ai có thể trả lời được cho câu hỏi về số phận những người nông dân này và gia đình của họ sẽ trôi dạt về đâu nếu mất đất canh tác. Để có cái nhìn khách quan hơn về sự việc, phóng viên đài Á Châu Tự do đã liên hệ với người tỉnh Kiên Giang, được người địa phương tại huyện Hòn Đất cho biết như sau:
"Cái đó là của Đài Loan, hồi xưa Nhà nước cho người ta mướn. Đất đó thực sự là của dân. Sau khi Đài Loan làm ăn không được giải thể, coi như là cắt hợp đồng, nhà nước lấy cái đất này lại, thay vì trả cho dân, hổng trả mà chia chác với nhau, rồi bán tùm lum hết trơn. Thành ra nó nhiều trường hợp lắm".
Tại Kiên Giang đã hình thành một đại phong trào cấp đất cho cán bộ, chỉ riêng số đất cấp cho các cán bộ cấp tỉnh đã lên đến hàng ngàn ha. Nếu tính xuống cả cấp cán bộ xã và thân nhân của họ thì con số cả chục ngàn ha là có trong thực tế. Dĩ nhiên các cán bộ này không thể vừa đảm đương công việc cơ quan Nhà nước vừa đi làm ruộng được, việc mua bán xảy ra là tất yếu, đồng thời hình thức cho thuê đất thu tô cũng được thực hiện. Tình hình này nếu không được xem xét đúng mức, có lẽ bối cảnh đại địa chủ và tá điền đang manh nha hình thành tại nông thôn miền Tây Nam bộ.
Gần đây cơ quan Thanh tra Chính phủ cho biết, khiếu nại liên quan đến đất đai, đền bù, giải tỏa chiếm tới gần 80% tổng số vụ khiếu nại phát sinh. Nhiều vụ việc bị tồn đọng, kéo dài vì trong thực tế có quá nhiều quan điểm khác nhau trong cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề ở các cơ quan hữu trách.
Đất đó thực sự là của dân. Sau khi Đài Loan làm ăn không được, giải thể, nhà nước lấy cái đất này lại, thay vì trả cho dân, hổng trả mà chia chác với nhau - Người dân huyện Hòn Đất
Liệu chính sách tam nông ở Việt Nam có thể thành công hay không một khi người nông dân không có đất để làm nông nghiệp và phải bỏ nông thôn để lên thành thị làm thuê trái nghề. Hiện nay, không riêng gì thành phố, cuộc sống người nông dân ở nông thôn bị phân hóa mãnh liệt về thu nhập và tài sản. Bên cạnh những phú ông bỗng chốc giàu lên với những cánh đồng cò bay thẳng cánh là những nông dân không có một cục đất chọi chim.
Khi được hỏi về việc tỉnh lấy đất ở xã Bình Giang, huyện Hòn Đất giao cho Công ty Kiên Tài Đài Loan mà không hề có quyết định thu hồi và bồi hoàn thiệt hại, sau khi công ty này giải thể thì sự việc này đã được xử lý như thế nào và đã giải quyết đến đâu, ông Phùng Quốc Bình, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang kiêm Chánh Thanh tra Sở, người phụ trách giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai cho đài Á Châu Tự do biết như sau:
"Cái việc đó thì bây giờ theo quy định, cơ quan nào có thẩm quyền thụ lý thì người gởi đơn đến đó để xem coi là người ta sẽ trả lời cho việc đó đã xử lý tới đâu rồi. Còn như mà hỏi chung chung như vậy thì đâu có biết vụ việc cụ thể nào mà trả lời được".
Không ai giải quyết
Cũng câu hỏi trên, phóng viên đài Á Châu Tự do đặt ra với ông Vũ Ngọc Phước, Phó Chánh Thanh tra thứ nhất Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang thì được biết:
Người dân biểu tình đòi đất là hình ảnh thường thấy ở VN hiện nay. Photo courtesy of vietnamexodus
"Tôi cũng không rõ nữa tại vì tôi cũng mới về đây, có gì tôi hỏi lãnh đạo, có gì anh có thể gặp trực tiếp lãnh đạo. Đất đai thì hỏi Phòng Tiếp dân Ủy ban tỉnh hoặc Thanh tra Sở Tài nguyên, nhưng mà cái vụ việc này thì là lính mới nên cũng không rành được cái vụ việc này".
Và khi yêu cầu thêm một lần nữa, nếu không hỏi được sự việc liên quan khu đất 300 ha ở xã Bình Giang, huyện Hòn Đất ở cơ quan này thì có thể liên hệ tìm hiểu đến cơ quan nào, bởi quá trình xử lý đã kéo dài đến 15 năm rồi, ông Vũ Ngọc Phước cho đài Á Châu Tự do biết:
"Thì có gì anh liên hệ với Lãnh đạo Thanh tra rồi có thể liên hệ với Phòng Tiếp dân Ủy ban tỉnh. Cái đó ở đây tôi không biết chính xác và cụ thể thì làm sao trả lời cho anh được… thì cái cơ quan tham mưu thụ lý đó. Mà không biết trước đây là ai tham mưu thụ lý giải quyết vụ đó thì anh có thể trực tiếp gặp cơ quan thụ lý giải quyết cái đó. Hồi trước đến giờ ai làm thì mình hỏi ở đó. Anh có thể trực tiếp lên huyện Hòn Đất, rồi anh hỏi".
15 năm trời trôi qua, bao chuyện vật đổi sao dời, các nhân vật có liên quan trực tiếp đến sự việc này, kẻ về hưu người lên trung ương, vì không đương nhiệm nên khó có thể yêu cầu họ giải quyết. Một câu trả lời thỏa đáng cho người dân Kiên Giang về khoảnh đất trao nhầm địa chỉ cộng lại lớn gấp 6 lần thành phố Hà Đông vẫn còn bỏ ngỏ. Nghiêm trọng hơn, cũng theo phóng viên Mạc Hồng Kỳ tường thuật, những người từng tiếp xúc với phóng viên đều được công an mời lên làm việc, thậm chí có người được căn dặn sau này có liên hệ với nhà báo thì phải báo cho công an biết. Trong số người được mời trao đổi với công an có cả ông Hoàng Văn Hưng, một nhân vật từng được lên chương trình Người Đương thời của VTV về chống tham nhũng năm 2007.
Thì có gì anh liên hệ với Lãnh đạo Thanh tra rồi có thể liên hệ với Phòng Tiếp dân Ủy ban tỉnh. Cái đó ở đây tôi không biết chính xác và cụ thể thì làm sao trả lời cho anh được… Ô. Vũ Ngọc Phước
Bên cạnh các lý lẽ chính trị riêng để thiết chế quyền sở hữu đất đai của mình, quyền lợi của người dân cần được nhìn nhận cách thỏa đáng hơn, vì đó là đạo lý ở đời đối với những công dân lương thiện trong một quốc gia.
Suy ra, phát biểu của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Khóa XI quả là quan trọng. Sinh mệnh của đảng Cộng sản và sự tồn vong của chế độ rất liên quan đến việc chỉnh đốn đảng; thiết thực hơn, trước khi tiến hành trên khắp cả nước thì cần thực hiện việc chỉnh đốn này đầu tiên ở những địa phương như tỉnh Kiên Giang trong vấn đề đất đai.
N. K.
Nguồn: rfa.org
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 07:03
Nhãn: nông dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét