Tập Cận Bình: vị "Thái tử" giấu mình?
Tác giả: Mỹ Hòa (tổng hợp)
Bài đã được xuất bản.: 20/10/2010 07:00 GMT+7
"Người đàn ông này là người thế nào?" - đó hẳn là câu hỏi rất nhiều người đặt ra khi ông Tập Cận Bình được bầu làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc hôm 18/10.
Không dấu vết và không tỳ vết?
Ngồi vào chiếc ghế đó, Tập Cận Bình gần như chắc chắn sẽ trở thành người kế nhiệm Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vào năm 2012. Trong bối cảnh vị thế quốc tế của Trung Quốc đang gia tăng hơn bao giờ hết, càng nhiều người băn khoăn về bậc "đế vương" tương lai này.
Mới đây, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản để bước lên vị trí cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới. Với vị thế như vậy, các động thái của Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng đến nội bộ đất nước mà còn ảnh hưởng lớn đến quốc tế.
Tuy nhiên, nước này đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề trong và ngoài nước. Ở trong nước đó là sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc, những bất bình về tình trạng giá cả tăng cao, nạn thất nghiệp, tham nhũng... Bên cạnh đó, mặc dù có nền kinh tế phát triển rất nhanh nhưng Trung Quốc cũng nhận được không ít lời phàn nàn từ các nhà đầu tư nước ngoài về môi trường kinh doanh thiếu bình đẳng và còn nhiều rào cản.
Về mặt đối ngoại, hiện Trung Quốc đang căng thẳng với các cường quốc hàng đầu thế giới (Mỹ, Nhật Bản...) về các vấn đề liên quan đến tỷ giá đồng nhân dân tệ, việc ủng hộ Bắc Hàn, tranh cãi xung quanh vấn đề biển Hoa Đông...
Vì vậy, không khó hiểu khi cả thế giới đều đổ dồn con mắt vào vị "Thái tử" mới. Tuy nhiên, giống như những bậc vương tôn trong lịch sử Trung Hoa, xung quanh "người Trung Quốc trầm lặng này" vẫn che phủ một tấm màn có phần bí ẩn.
Năm 2007, tại Đại hội 17 đảng Cộng sản Trung Quốc, ông bất ngờ lên chức Phó Chủ tịch nước sau khi mới làm bí thư Thượng Hải hồi 2006. Trước đó, hầu như chưa mấy ai biết đến danh tiếng của ông.
Nhưng ngay cả giờ đây, khi người đàn ông đứng trong danh sách 100 nhân vật ảnh hưởng nhất của Tạp chí Time đang sải bước tới đỉnh cao quyền lực, chúng ta vẫn không biết gì nhiều về ông. Câu hỏi mà hầu hết mọi người đặt ra là: người đàn ông này là người thế nào?
Những gì mà thế giới biết đến ông có vẻ khá ít ỏi: một chính trị gia của hành động thực tế, "nói ít làm nhiều", tư tưởng cởi mở nhưng rất thận trọng.
Con đường tiến tới quyền lực của ông rất tuần tự, không scandal, "không tì vết". Giống như những nhà lãnh đạo Trung Quốc khác cùng thế hệ, ông Tập có hơn một thập niên làm việc ở các cương vị lãnh đạo đảng ở địa phương. Từ những vị trí lãnh đạo các địa phương khác nhau, ông đã tiến tới vị trí quyền lực Trung ương.
Mọi bước đi của ông đều cho thấy một sự vững chắc, tuần tự, và ở mọi cương vị ông đều đạt được những thành quả đáng ghi nhận. Ngay cả cuộc sống riêng tư của ông cũng khiến nhiều người ngưỡng mộ: tình yêu lãng mạn và cưới một người phụ nữ - một ca sĩ đẹp và nổi tiếng.
Dường như ông đã khôn khéo tránh né được mọi bước sai lầm có thể cản trở sự thăng tiến của ông, mặc dù ông đã phải đảm trách nhiều nhiệm vụ tế nhị.
Cựu thủ tướng Singapore, Lý Quang Diệu, từng nói ông cảm thấy ông Tập "là một người thận trọng đã từng nếm trải rất nhiều gian nan, khổ cực".
Ông Lý cũng bình luận: "Tôi xếp ông ấy vào mẫu người như Nelson Mandela. Một người đàn ông với sự tiết chế cảm xúc đến kinh ngạc, một con người không bao giờ để nỗi đau khổ và bất hạnh của mình tác động đến các quyết định đưa ra".
"Ấn tượng chung về Tập Cận Bình là, ông là một người rất thận trọng", Cao Trí Khai, một nhà bình luận chính trị tại Bắc Kinh nói. "Trước công chúng, ông ấy rất thận trọng, cẩn thận. Ông ấy không phải là người dễ thể hiện cảm xúc, ít nhất là trước công chúng".
"Chúng ta hầu như không biết gì về ông Tập. Có thể ông ấy quá thừa khôn ngoan chính trị để hiểu rằng đừng nên lộ diện quá nhiều nếu muốn đạt tới quyền lực" - David Zweig, giám đốc Trung tâm Quan hệ đối ngoại của Trung Quốc tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông nhận xét.
Phó chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình |
Không những vậy, mọi người cũng hầu như khó nắm bắt được quan điểm, tư tưởng của Tập Cận Bình.
Quan điểm chung của Tập Cận Bình về người làm "quan" là: "Mỗi cán bộ chính quyền cần phải luôn luôn ghi nhớ: quyền lực của chính quyền nhân dân bắt nguồn từ nhân dân, phải đại biểu cho lợi ích của nhân dân, phải vì nhân dân mưu lợi ích".
Ông định nghĩa "quan đức": "Cái gọi là quan đức cũng là đạo đức cầm quyền, là sự phản ánh tổng hợp đức hạnh của người làm quan cầm quyền, bao gồm sự tu dưỡng hàng ngày về các mặt tư tưởng chính trị, đạo đức tác phong..."
Tuy nhiên, theo giới phân tích, có rất ít thông tin để biết rõ quan điểm chính trị của ông Tập Cận Bình, chỉ biết ông dường như là người ủng hộ thị trường, nhưng khá thận trọng về cải tổ chính trị, ông chia sẻ mối quan tâm với việc duy trì sự lãnh đạo của Đảng cộng sản và việc cần thiết duy trì ổn định xã hội.
"Ông ấy không tuyên bố gì nhiều về chương trình nghị sự của mình. Chúng ta chưa thấy các dự định chính sách của ông Cận Bình", Victor Shih, giáo sư chính trị học Trung Quốc tại Đại học Northwestern, bình luận.
Những nhận định trên cũng đúng khi xem xét quan điểm của ông Tập đối với vấn đề quan hệ quốc tế. Câu hỏi lớn mà nhiều người đặt ra hiện nay là liệu người đàn ông cẩn trọng này sẽ tiến hành những chính sách và thay đổi nào trong đối ngoại. Dường như có rất ít manh mối cho chúng ta câu trả lời.
Sau khi nhậm chức phó chủ tịch, ông Cận Bình đã tiến hành chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến các nước có mối quan hệ thân thiết và mang tính chiến lược với Trung Quốc là CHDCND Triều Tiên, Mông Cổ, Ả-rập Xê-út, Qatar và Hạ Môn vào tháng 6/2008.
Tháng 2 năm 2009, Tập Cận Bình thực hiện chuyến công du sang Mexico, Jamaica, Colombia, Venezuela, và Brazil nhằm tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Khi đang ở thăm Mexico, ông đã có một phát biểu gây sốc khi trực tiếp buộc tội những người "nước ngoài" đang cố gắng can thiệp vào công việc nội bộ Trung Quốc - một chủ đề luôn rất nhạy cảm trong giới chính trị. Bằng tiếng Trung, ông bình luận: "Có một số người nước ngoài buồn tẻ, với cái bụng căng tròn, những người chẳng có gì hay ho hơn là chỉ ngón tay vào chúng tôi [Trung Quốc]. Thứ nhất, Trung Quốc không xuất khẩu Cách mạng; thứ 2 Trung Quốc cũng không xuất khẩu đói nghèo; và thứ 3, Trung Quốc không đến để gây ra những cơn nhức đầu, có gì phải nói thêm hay không?".
Bình luận này của ông tạo nên một làn sóng tranh luận mạnh mẽ. Và cũng từ "dấu vết" nhỏ bé của một lần thể hiện chính kiến từ chính trị gia thận trọng này, một số người nhận định, nếu trở thành "tân vương", hẳn ông cũng sẽ cứng rắn trong các vấn đề quan hệ quốc tế không kém gì người tiền nhiệm.
Nền tảng "Con ông cháu cha"
Nếu được chọn làm chủ tịch vào năm 2012, Tập Cận Bình sẽ trở thành lãnh đạo tối cao đầu tiên có nền tảng "Thái tử đảng" (con cháu các lão thành cách mạng) trong lịch sử nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC).
Trong bài diễn văn tại Hội nghị Trung ương, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã nhấn mạnh lại các "thành quả" của cải cách từ thời Đặng Tiểu Bình và đề cao vai trò của công tác "xây dựng đảng".
Cả trong hai điểm đó, ông Tập Cận Bình đều có thể tự hào nhắc đến truyền thống gia đình.
Cha ông, cựu Ủy viên Quốc vụ viện Tập Trọng Huân, quê Thiểm Tây, từng làm bí thư Quảng Đông và đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng đặc khu kinh tế Thâm Quyến khi cố lãnh tụ Đặng mở ra hướng phát triển vùng duyên hải Trung Quốc.
Không chỉ có thế, là một công thần của chế độ, ông Tập Trọng Huân còn là một trong số ít những người sống sót sau cuộc Vạn lý Trường Chinh cùng Mao Trạch Đông, sự kiện mà chế độ ở Trung Quốc dựng thành huyền thoại cho Quân Giải phóng.
Với người cha như vậy, ông Tập Cận Bình có nguồn gốc xuất thân "lý tưởng" để tạo dựng vị trí quyền lực - một thành viên của "Thái tử đảng".
Tuy nhiên trong giai đoạn Cách mạng Văn hóa, cha ông bị thanh trừng do đó ông đã từng phải sống ở vùng nông thôn trong một thời gian và nếm trải không ít vất vả, "vị đắng".
Khi Đặng Tiểu Bình nắm quyền và mở cửa một số trường đại học, ông Tập Cận Bình theo học ngành kỹ thuật tại đại học Thanh Hoa, sau đó lấy bằng tiến sĩ. Ông từng phục vụ trong quân đội, nhưng chỉ một thời gian ngắn. Với nền tảng chính trị và giáo dục, ông là người đúng như cách gọi của Trung Quốc là "vừa hồng vừa chuyên".
Cũng trong những năm 1980, khi Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền đã gạt bỏ tầng lớp Thái tử đảng. Tuy nhiên rất nhiều thành viên của "Thái tử đảng", trong đó có Tập Cận Bình, nuôi tham vọng chính trị. Họ đã từ bỏ cơ hội để làm giàu và chấp nhận vị trí thấp trong nhiều tổ chức đảng và chính quyền địa phương và tích lũy rất nhiều kinh nghiệm quản lý.
Sau khi Giang Trạch Dân lên nắm quyền năm 1989, các thành viên Thái tử đang bắt đầu xuất hiện trên sân khấu chính trị của Trung Quốc. Hiện nay, các thành viên đó chiếm vị trí quan trọng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự và các tổ chức xã hội. Họ có thể được xem như là "gia đình hoàng gia" của Đảng Cộng sản Trung Quốc và các thành viên của họ được coi là trung thành với chế độ mà thế hệ cha chú của họ đã sáng lập. Thái tử đảng cũng được hỗ trợ mạnh mẽ từ các lão thành cách mạng, hầu hết là người từng giữ chức vụ trong Đảng và chính phủ Trung Quốc.
Phu nhân ông Tập Cận Bình là bà Bành Lệ Viện - danh ca nổi tiếng Trung Quốc. |
Những bước tiến vững chắc trên nấc thang quyền lực
Con đường "quan lộ" của Tập Cận Bình bắt đầu từ khá sớm và vững chắc. Ông được bổ nhiệm làm Phó Thị trưởng Hạ Môn từ năm 32 tuổi, 40 tuổi là Bí thư Thành ủy Phúc Châu, 47 tuổi làm Tỉnh trưởng Phúc Kiến, 49 tuổi làm Bí thư tỉnh Chiết Giang, 54 tuổi làm Bí thư Thượng Hải và hiện là Phó Chủ tịch nước kiêm Trưởng Tiểu ban phụ trách công tác Hongkong - Macau.
Ông Tập đã đảm nhận những vị trí trong chính quyền và đảng tại bốn tỉnh: Thiểm Tây, Hà Bắc, Phúc Kiến và Chiết Giang. Thời kỳ ở Phúc Kiến từ năm 2000, Tập đã thực thi nhiều biện pháp thu hút giới đầu tư Đài Loan và theo đuổi chính sách phát triển kinh tế thị trường.
Ở Chiết Giang, Tập Cận Bình là một quan chức đi đầu trong chiến dịch chống tham nhũng, nhờ đó, ông đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông quốc gia cũng như của những vị lãnh đạo Trung Quốc hàng đầu hiện nay. Năm 1999, ông là Phó tỉnh trưởng Phúc Kiến và được bổ nhiệm chức vụ tỉnh trưởng một năm sau đó.
Năm 2002, ông trở thành Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Chiết Giang - một trong những tỉnh giàu nhất Trung Quốc, một trung tâm của sự thành công trong quá trình phát triển kinh tế đại lục, với tốc độ tăng trưởng đạt 14% trong suốt hơn 20 năm qua.
Tháng 3/2007, Tập Cận Bình được bổ nhiệm chính thức làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải. Ông đã nỗ lực thay đổi hình ảnh của trung tâm tài chính Trung Quốc này.
Vào thời điểm trước lúc tới Thượng Hải tháng 3/2007, ông Tập cam kết trở thành "một học sinh tốt, một công chức tốt và một lãnh đạo tốt", đồng thời thúc giục các quan chức địa phương nghiêm khắc với bản thân. Ông còn kêu gọi người Thượng Hải cởi mở hơn, tăng cường hợp tác và chia sẻ thành tựu với những khu vực khác trong nước, thay vì chỉ tập trung vào phát triển thành phố của họ.
Sau bảy tháng đảm nhận công việc ở trung tâm tài chính của đại lục, Tập Cận Bình đã thành công. Ông không chỉ duy trì sự ổn định ở Thượng Hải mà còn thay đổi hình ảnh mới cho thành phố. Thượng Hải giờ đây trở nên cởi mở, hòa hợp và năng động hơn.
Năm 2007, tại Đại hội 17 đảng Cộng sản Trung Quốc, ông bất ngờ lên chức Phó Chủ tịch nước. Tập Cận Bình được coi là một nhân vật nổi bật trong hàng ngũ lãnh đạo mới ở Trung Quốc với nhiều đối thoại mở liên quan đến cải tổ kinh tế thị trường và thậm chí là cải tổ chính trị.
Theo giới phân tích, Tập Cận Bình được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải một phần là do những kinh nghiệm của ông trong lĩnh vực cải cách kinh tế. Giáo sư Hà Hồ Thương thuộc Trường Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh đánh giá: "Đây là một động thái tốt. Nó hứa hẹn đem lại sự ổn định cho Thượng Hải''.
Còn Dương Kiến Văn, Phó Giám đốc Học viện Kinh tế Quốc gia tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội Thượng Hải thì nhận xét. "Tập Cận Bình có cảm nhận chiến lược rất tốt, đặt khu vực trong cả một tổng thể và có những quan hệ chắc chắn, tất cả đều có lợi cho Thượng Hải trong giai đoạn phát triển".
Tập Cận Bình Sinh năm 1953 tại Phú Bình tỉnh Thiểm Tây, tham gia Tổ chức Đảng vào tháng 1 năm 1974, tham gia công tác vào tháng 1 năm 1969, tốt nghiệp chuyên ngành lý luận chủ nghĩa Mác và giáo dục tư tưởng chính trị Học viên Nhân văn Xã hội Trường Đại học Thanh Hoa, với học lực nghiên cứu sinh tại chức, tiến sĩ Luật học . Nay là phó chủ tịch nước và phó chủ tịch Quân ủy TW Từ năm 1969-1975: là thanh niên trí thức, Bí Thư chi bộ Đảng Đại đội Lương Gia Hà Công xã Văn An Dịch huyện Diên Xuyên tỉnh Thiểm Tây Từ năm 1975-1979: theo học chuyên ngành tổng hợp hữu cơ cơ bản Khoa hóa chất Trường Đại học Thanh Hoa Từ năm 1979-1982: thư ký Văn phòng Quốc vụ viện và Văn phòng Quân ủy Trung Ương (quân nhân tại ngũ) Từ năm 1982-1983: Phó Bí thư Huyện ủy Chính Định tỉnh Hà Bắc Từ năm 1983-1985: Bí Thư Huyện ủy Chính Định tỉnh Hà Bắc Từ năm 1985-1988: Ủy viên thường vụ Thành ủy, Phó Thị trưởng thành phố Hạ Môn tỉnh Phúc Kiến Từ năm 1988-1990: Bí thư Địa ủy Địa khu Ninh Đức tỉnh Phúc Kiến Từ năm 1990-1993: Bí thư Thành Ủy Phúc Châu, Chủ nhiệm Ủy ban thường vụ Hội đồng Nhân dân thành phố Phúc Châu tỉnh Phúc Kiến Từ năm 1993-1995: Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Phúc Kiến, Bí Thư Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Hội đồng Nhân dân thành phố Phúc Châu Từ năm 1995-1996: Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phúc Kiến, Bí thư Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban thường vụ Hội đồng Nhân dân thành phố Phúc Châu Từ năm 1996-1999: Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phúc Kiến Từ năm 1999-2000: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Quyền Tỉnh trưởng tỉnh Phúc Kiến Từ năm 2000-2002: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng tỉnh Phúc Kiến Từ năm 2002-2003: Bí Thư tỉnh ủy, Quyền tỉnh trưởng tỉnh Chiết Giang Từ năm 2003-2007: Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ nhiệm ủy ban Thường vụ Hội đồng Nhân dân tỉnh Chiết Giang Năm 2007-: Bí thư Thành ủy thành phố Thượng Hải (đến tháng 10-2007 thôi giữ chức Bí thư Thành ủy Thượng Hả) Năm 2007-: Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đảng. Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa 15, Ủy viên Trung ương Đảng các khoá 16 và 17; Ủy viên, Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa 17. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét