Bài đăng phổ biến

Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

TẢN MẠN CHỦ NHẬT : NỖI NIỀM...

Tản mạn Chủ Nhật: Nỗi niềm cỏ cây
                                            Phạm Toàn

1. Có một thời nước ta bị bắt buộc phải hưởng một nền giáo dục mang tên là “bảo hộ”, một nền giáo dục chưa phát triển rộng khắp, nhưng rất nhiều sản phẩm của nó đã có mặt khắp nơi ngay sau Cách mạng tháng Tám 1945. Có người đã cho con số 70 phần trăm sĩ quan Bộ Tổng Tham mưu hồi năm 1945 là Hướng đạo sinh. Tiểu đội mà tôi được làm một đội viên ít tuổi nhất từ đêm 19 tháng 12 năm 1946 chỉ bao gồm toàn những sinh viên, học sinh (tôi không muốn kể tên vì không muốn làm phiền những đồng đội cũ trong đó có mấy người nổi tiếng năm nay đã sát sạt tuổi 90).
Tôi dám cam đoan là những bạn “cựu binh” cao niên ấy ai ai cũng nhớ được đoạn văn bắt buộc phải học bằng nguyên bản như sau trong nền giáo dục bảo hộ – xin dịch ra hầu bạn đọc:
"Con người cao đẹp, mà nó cao đẹp thật, ấy là vì con người tự biết mình thân phận yếu hèn. Cái cây đâu có biết nó yếu hèn. Tự nhận thấy mình yếu hèn quả thực là điều tội nghiệp; nhưng tự nhận thấy mình yếu hèn cũng là điều cao đẹp vậy.
Tư duy làm nên sự cao đẹp của con người.
Con người chỉ là một cây sậy, một thân phận yếu đuổi nhất trong thiên nhiên; thế nhưng đó lại là một cây sậy lúc nào cũng đang tư duy. Chẳng cần tất cả đổ xô lại mới đè bẹp nổi cây sậy ấy: một làn hơi, một giọt nước cũng đủ giết chết nó rồi. Nhưng ngay cả khi tất cả đổ xô vào nghiền nát nó, thì con người vẫn cứ cao đẹp hơn tất cả những gì đổ xô lại giết nó, vì con người biết nó đang chết, trong khi cả lũ lĩ có ưu thế hơn con người mà vẫn chẳng hề biết mình có ưu thế gì.
Vậy nên, toàn bộ nhân phẩm của ta là ở trong cái tư duy. Cái ta cần tự nâng cao là tư duy của mình, chứ không phải là mở rộng không gian và kéo dài thời gian, là những điều chẳng bao giờ ta biết cách sao cho đủ đầy. Vậy nên chúng ta hãy chăm lo tư duy cho hoàn thiện: đó là nguyên lý của đạo đức”.
 (Blaise Pascal, Pensées (1660), các đoạn trích 347-348, nhà xb Gallimard, tủ sách Bibliothèque de la Pléiade, 1976, trg. 1156-1157).
 
2. Là một trong vô số người sùng bái “chủ nghĩa văn hóa”, tôi thường nghĩ, giá như nhà trường thời nay có cách gì mang được sự suy nghĩ về cái thân phận người vừa cao cả vừa yếu hèn đến với từng học trò, thì cuộc sống chắc là sẽ khác.
Trước hết và trên hết và xuyên suốt cuộc đời từng con người, cái “cây sậy tư duy” ấy sẽ sống trung thực, và trung thực một cách tự nhiên, trung thực tự nhiên như mình đang thở. Khi con người đã sống trung thực một cách hồn nhiên, khi ấy nó sẽ thực hiện được điều ao ước của kẻ quân tử bần tiện bất năng di, phú quý bất năng dâm, uy vũ bất năng khuất. Điều quan trọng, có lẽ là khi ấy con người cây sậy tư duy kia sẽ không đi kiếm tìm phú quý bằng mọi giá, không cần đi đêm, không cần chạy chọt, không cần nịnh bợ, không cần vun vén riêng, không cần làm giả hồ sơ, không cần mua bán thông tin, không cần chạy thuế, không cần bè cánh đấu đá, nói cho gọn, không cần sống lưu manh, chỉ cần sống thanh thản.
Vì sao chỉ mấy lời văn mà đủ cho con người thèm khát sống trung thực? Vì những lời văn như của Pascal là để học trò tập ngẫm nghĩ chứ không để học trò học thuộc và thi lấy điểm. Vì trung tâm điểm của điều cần ngẫm nghĩ là một thân phậm kép mang tính người: nó cao cả và nó yếu hèn. Đã xuất hiện một nền giáo dục thay thế cho nền giáo dục dành cho những cây sậy tư duy của Pascal. Nền giáo dục này tự coi là “cách mạng” chỉ nhăm nhe nghiêng về phía con người là vĩ đại, con người “nghiêng đồng đổ nước ra sông”, con người “vắt đất ra nước, thay Trời làm mưa”, con người “đào núi và lấp biển”… Cuộc chiến tranh kéo quá dài lại như một định mệnh đổ ụp lên đầu sự nghiệp giáo dục. Cuộc chiến tranh ý thức lại còn kéo dài hơn thế nữa. Người Nga phải mất ba bốn chục năm sau ngày 8 thắng 5 năm 1945 mới có cuốn sách rụt rè nói về “đạn của Nga hay đạn của Đức thì cũng để lại vết sẹo”… và đã bị đánh cho tơi bời. Cuốn sách tuyệt vời “Được sống và kể lại” của Trần Luân Tín nghe đâu chỉ được in một nghìn bản. Thế thì lấy đâu ra đất sống cho sự tinh tế khả dĩ suy tư có phân biệt được về con người vĩ đại hòa trong con người cây sậy?
Đoạn văn của Pascal nói về sự cao cả của con người, và sự cao cả ấy nằm trong khả năng tư duy của con người. Tư duy là một năng lực bẩm sinh con người ai ai cũng có, nhưng tư duy cũng lại là điều phải học mới có. Phải học để có cái tư duy khoa học, vượt khỏi cái tư duy tiền khoa học bẩm sinh có từ khi con người biết nhặt nhạnh rồi hái lượm rồi sắn bắt mà ăn, cho tới khi biết để dành và một ngày nào đó chợt thấy hạt nảy mầm thành cây và con vật săn bắt về chưa ăn hết bỗng đẻ ra đàn con vật nhỏ. Phải học thì mới rút ngắn được thời gian phát triển tự nhiên kéo dài cả triệu năm, để biến một em bé ngay từ lớp Một cũng bắt đầu rũ bỏ cái đầu óc hái lượm để có cái đầu óc một nhà nông học – thực hiện một bước nhảy xa một trời một vực trong một thời gian tự trở thành con người hiện đại thông qua một nền giáo dục lấy hoạt động tự học và tự giáo dục của con em làm nền tảng.
3. Điều kỳ lạ và tưởng như khó giải thích, ấy là hiện tượng vô số con người vẫn (có vẻ như?) thực bụng chấp nhận một nền giáo dục què quặt, một nền giáo dục chỉ đáng vứt đi!
Nghĩ đi nghĩ lại mãi, chỉ còn thấy một cách lý giải như thế này: những sản phẩm của một nền giáo dục mang nhãn hiệu mới đã hất cẳng xong những sản phẩm khù khờ của nền giáo dục bảo hộ cũng không kém khù khờ, và các nhân tố mới ấy đang chính thức phát huy tác dụng.
Nhưng thực chất họ là những con người ra sao? Ngay từ đầu năm 1973, nhà báo Pháp Jacques Ducornoy đã viết trên tờ Le Monde phụ trương ngoại giao, và nói về chính những “nhân tố mới” đầy kiêu căng tự mãn ấy, tôi vẫn còn thuộc lòng câu ông viết …(tuy nhiên) kiêu căng tự mãn đâu có khỏa lấp nổi tình trạng không có năng lực (… la suffisance ne saurait pallier l’incompétence”).
Lớp trẻ thời nay không được học hành tử tế nên một mặt vẫn còn bị lòe bịp vì những giá trị giả mạo của lớp người kiêu căng tự mãn đó (hãy nhớ lại những phát ngôn của những con người “không cây sậy” nhưng đều có học vị tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, đều là nhà nọ nhà kia, những tên Thành, tên Ca, tên Thoại, tên Hiền … hoặc tên Hào …) và một mặt khác thì…
Một mặt khác, họ đang phải sống dưới hai áp lực: không đi theo lớp người kiêu căng tự mãn nọ thì không có công ăn việc làm, và chống lại thì họ đã có đủ cách trừng trị (xin nhớ lại chuyện nữ nhân vật chống Truing Quốc xâm lược có cái tên thật đẹp Bùi Hằng – và gần đây là vụ hai nhà báo bị đánh đòn thù của bọn lưu manh một sớm tháng tư đen ngòm ở Văn Giang).
Có thế thôi!

12-5-2012
Nguồn:BVN
            Được đăng bởi Đặng Văn Sinh vào lúc 08:32

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét