Văn hóa ứng xử :
“QUYỀN” CỦA CÔNG AN Ở THÀNH PHỐ VÌ HÒA BÌNH ?
10h đêm 18/9/2011, Tổ công tác đặc biệt chốt tại Dịch Vọng (Hà Nội) phát hiện một người đi xe máy SH không biển số, không đội mũ bảo hiểm nên giữ lại để kiểm tra hành chính. Người này tự xưng là cảnh sát hình sự và tỏ thái độ bất hợp tác, anh ta còn đe : “Gặp đúng đối tượng rồi đấy!”, lập tức một người trong Tổ công tác độp lại : “Công an mà là đối tượng à ? ”. Ô hô, chẳng là từ trước đến nay từ “đối tượng” chỉ quen dùng cho những kẻ tình nghi phạm tội mà rơi vào “tầm ngắm” của công an, ví dụ như “vận động đối tượng ra đầu thú” chẳng hạn.
Chưa hết, người tự xưng là cảnh sát hình sự này còn nhờ đến sự trợ giúp là gọi điện thoại cho người thân. Chẳng mấy chốc, người thân đi ô tô tới cản trở Tổ công tác. Một thanh niên đi cùng tỏ rõ sự hung hăng, anh này văng ra một câu rất tục rồi lấy tay che máy ảnh của phóng viên, đồng thời tung cước đã văng máy quay của một phóng viên khác. Tiếng hò hét bắt bớ ầm ĩ, còn nghe câu cuối cùng của người thanh niên chói tai trước khi màn hình phụt tắt : “Công an đánh người này!”. Trớ trêu thay, cái người kêu làng vu cho công an đánh người ấy, theo xác minh ban đầu cũng là người trong lực lượng công an !
Vụ việc sẽ còn tiếp tục được làm rõ, nhưng những ai chứng kiến cái cảnh vừa xảy ra cũng ngán ngẩm thay cho những người tự xưng là công an. Chẳng lẽ công an có một luật hành xử riêng ư ? Chẳng hạn có thể đỗ xe ở bất kỳ đâu, đi trái đường, không đội mũ bảo hiểm và không chịu bất cứ một sự kiểm tra nào ? Như thế phải chăng đã là công an thì được quyền tự cho mình đứng ngoài và đứng trên pháp luật ?
Mới đây xảy ra vụ đấu gậy hết sức phản cảm giữa một sĩ quan cảnh sát cơ động và Cảnh sát Giao thông tại TP.HCM, giờ lại có chuyện này xảy ra giữa Thủ đô - Thành phố vì hòa bình ! Nhân dân nghĩ gì trước cảnh này và các thanh niên choai choai mới lớn, xin chớ học tập và làm theo !.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét