Tống văn Công
Bài phát biểu của Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh ở Trung Quốc, tuy đã được các báo trong nước biên tập bỏ bớt nhiều câu phản cảm, nhưng vẫn gây phản ứng xấu trong dư luận nhân dân Việt Nam vốn rất nhạy cảm đối với chủ quyền quốc gia.
Hồi Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 2, nhiều người phẫn uất đòi Đảng, nhà nước ta vứt bỏ “16 chữ vàng” và quan hệ “4 tốt”. Lúc ấy, tôi có cho rằng không nên, vì “họ đưa ra ‘16 chữ vàng’ dù là để lừa bịp, nhưng ta nên nắm lấy để đòi hỏi hai bên thực hiện, cùng tôn trọng chủ quyền, bình đẳng hợp đồng kinh tế, trao đổi văn hóa…”.
Khi Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn sang Trung Quốc mang về bản Thông báo quá nhiều thiên lệch, nhiều người hỏi tôi: “Thấy chưa? Giữ “16 chữ vàng” lợi hay hại”? Tôi vẫn kiên trì cho rằng: “Lợi”! Nay lại thêm bài của Tướng Vịnh bị phản ứng. Dù vậy, tôi vẫn kiên trì quan điểm của mình, do đó mạn phép ông Trung tướng, biên tập lại bài phát biểu của ông, mong sẽ làm vừa ý quốc dân đồng bào! Sau đây là bài đã biên tập:
“Lịch sử quan hệ giữa hai nước và hai quân đội Việt Nam - Trung Quốc đã có nhiều trang rất tốt đẹp. Từ tháng 3 năm 1949, dù cuộc kháng chiến chống Pháp đang gay go, quyết liệt, nhưng đáp ứng yêu cầu giúp đỡ của Trung Quốc, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã cử quân sang giúp bạn xây dựng, phát triển lực lượng biên khu Việt Quế, Quế Lâm, Điền Quế… chuẩn bị đón đại quân Nam Hạ*. Sau khi giải phóng lục địa, từ 1950, Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc giúp đỡ hữu hiệu đối với Việt Nam kháng chiến.
Thật đáng tiếc, lịch sử quan hệ hai nước, hai quân đội chúng ta lại có những trang đen xen vào những trang vàng. Đó là cuộc chiến 1974 xâm chiếm Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam (lúc ấy do Chính quyền Sài Gòn quản lý); cuộc tấn công ồ ạt vào 6 tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam năm 1979 để lại sự tàn phá rất khủng khiếp; rồi cuộc tập kích lên đảo Gạc Ma, thuộc Trường Sa khiến 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam bị giết chết mà không hề bắn trả!
Lãnh đạo Việt Nam đã chủ động tìm mọi cách khôi phục lại quan hệ hữu hảo “vừa là đồng chí,vừa là anh em”. Sau đó lãnh đạo Trung Quốc đưa ra nội dung “16 chữ vàng” và “4 tốt” được Đảng và nhà nước Việt Nam chân thành đón nhận và vận động nhân dân thực hiện. Thật vô cùng đáng tiếc, phải chi không xảy ra những vụ Bình Mình 2, Viking 2, không có những vụ bắn, bắt ngư dân Việt Nam đòi tiền chuộc… thì nhân dân Việt Nam chắc chắn đã bỏ qua quá khứ không vui, sẽ không phải bỏ cả vui chơi những sáng Chủ nhật yên bình, để kéo nhau đi biểu tình, kéo theo hằng ngàn cảnh sát cũng vất vả ngăn chặn, làm cho tình hữu nghị Việt-Trung bị tổn thương và làm cho “ý Đảng, lòng dân” Việt Nam bị so le bởi sự nhận định bạn hay thù đối với Trung Quốc! Nếu không có những chuyện như thế tái đi, tái lại thì chắc chắn nhân dân Việt Nam sẽ nhất trí với Đảng để nói rằng “NẾU CẦN SỰ ỦNG HỘ, ĐỒNG CẢM, HỢP TÁC VÀ PHÁT TRIỂN THÌ CÒN AI HƠN MỘT NƯỚC LÁNG GIỀNG TRUNG QUỐC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA”!
Trong cuộc gặp của Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn của chúng tôi sang Trung Quốc hai bên đã cùng thông qua bản Thông báo: “Tăng cường định hướng đúng đắn dư luận, tránh lời nói và việc làm tổn hại đến tình hữu nghị và lòng tin của nhân dân hai nước”.
Phía Việt Nam đã hết sức tích cực thực hiện điều ấy. Các cuộc biểu tình ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đều bị trấn áp, đã để lại nhiều hình ảnh bị nhân dân trong nước và thế giới lên án là phản dân chủ. Nhà nước Việt Nam cố gắng im lặng trước việc làm sai trái của phía Trung Quốc như việc tổ chức khảo sát vùng biển từ Hoàng Sa đến Trường Sa suốt một tháng rưỡi. Chỉ đến khi Tân Hoa xã công bố việc khảo sát ấy thì người phát ngôn Việt Nam ở thế chẳng đặng đừng, đã phải lên tiếng phê phán rất nhẹ nhàng chuyện đã rồi!
Những vụ việc như thế chẳng những gây công phẫn trong nhân dân Việt Nam mà còn làm cho niềm tin của nhân dân đối với Đảng, nhà nước Việt Nam giảm sút. Báo chí Việt Nam cũng triệt để tuân thủ Thông báo, đưa nhiều tin tức về sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ hai nước. Trái lại, báo chí Trung Quốc không ngừng có bài viết gây hằn thù giữa hai dân tộc, hai Đảng, nhà nước như bài 10 lý do để đánh Việt Nam mà câu cuối của bài này là “Hãy giết chết bọn giặc Việt để làm vật tế cờ cho trận chiến Nam Sa”. Trên China News có bài về 6 cuộc chiến tranh trong 50 năm tới. Trong đó, dự định cuộc Chiến tranh thứ hai: Thu hồi các đảo tại biển Đông (Giai đoạn 2025-2030). Những ngày tháng 8 vừa qua, vẫn liên tiếp xảy ra các vụ bắt giữ tàu và người của ngư dân Việt Nam, đòi tiền chuộc.
Thử hỏi chúng tôi làm thế nào để có thể THỰC HIỆN CHỦ TRƯƠNG KIÊN QUYẾT XỬ LÝ VẤN ĐỀ TỤ TẬP ĐÔNG NGƯỜI Ở VIỆT NAM VỚI TINH THẦN KHÔNG ĐỂ SƯ VIỆC TÁI DIỄN?
Các đồng chí Trung Quốc cho rằng, vấn đề giữa hai nước thì nên đàm phán song phương với nhau, không nên quốc tế hóa.Chúng tôi nghĩ như vậy cũng rất tốt, nhưng cốt yếu nhất là hai bên phải lắng nghe nhau.
Vấn đề chủ quyền Hoàng Sa chỉ liên quan hai nước chúng ta. Nhưng hiện nay các đồng chí lại cho rằng “Hoàng Sa là của Trung Quốc, không thể bàn cãi”. Nếu vậy thì làm sao để có đàm phán song phương đây? Và càng để lâu thì vấn đề này như vết thương khó lành trong quan hệ hai nước. Nếu chúng ta giải quyết êm đẹp vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông thì nhân dân Việt Nam sẽ hối thúc nhà nước của mình mau chóng ký kết hiệp ước liên minh với Trung Quốc, long trọng cùng nhau cam kết rằng “ĐÃ CÓ MỘT THỰC TẾ LÀ TRUNG QUỐC KHÔNG LẤY ĐẤT, LẤY BIỂN CỦA VIỆT NAM VÀ VIỆT NAM CŨNG KHÔNG BAO GIỜ NHƯỢNG BỘ (XIN BỎ BỚT BA TỪ “VÔ NGUYÊN TẮC”, VÌ DỄ GÂY HIỂU LẦM LÀ CŨNG CÓ SỰ NHƯỢNG BỘ ĐÚNG NGUYÊN TẮC!) VỀ CHỦ QUYỀN VÀ VIỆT NAM KHÔNG BAO GIỜ DỰA VÀO BẤT CỨ NƯỚC NÀO ĐỂ CHỐNG TRUNG QUỐC”.
Có lẽ với nội dung phát biểu như bài đã biên tập trên đây thì ông Tướng Vịnh không cần có thêm đoạn văn mù mờ này:
“Chúng ta cần làm cho nhân dân hai nước hiểu rõ, giữa Việt Nam và Trung Quốc còn tồn tại vấn đề, nhưng hai Đảng, hai nhà nước đã cam kết xử lý bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế, với giải pháp hai bên có thể chấp nhận được”.
Đoạn này hình như ông Vịnh nói chỉ để cho báo chí Việt Nam đăng lên nhằm trấn an người Việt đang quá bức xúc, chứ chẳng có ý nghĩa gì đối với phía Trung Quốc. Người nghe tinh ý sẽ thấy nó là lời hứa hão, không nêu được nội dung cụ thể cái “giải pháp hai bên có thể chấp nhận được” là những gì!
Trước đây, Đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội và nay là tướng ba sao Mã Hiểu Thiên đều lặp lại câu có ý đe dọa ngầm: “Hòa bình hai bên đều có lợi. Đối đầu hai bên đều thiệt hại”.
Rất tiếc, phía ta chưa ai có câu nào ứng đáp nghe cho thỏa lòng dân! Họ sẽ còn nói những câu tương tự, mong ông Vịnh suy nghĩ để ứng đáp trong lần tới!
Ngày 1-9-2011
T.V.C.
(*) Tháng 3-1949, Đảng cộng sản Trung Quốc cử Trang Điền sang gặp Trung ương ta đề nghị cử quân đội sang giúp xây dựng biên khu chuẩn bị đón đại quân. Quân ta chia hai cánh, kéo sang Thủy Khẩu – Bằng Tường và Phòng Thành, tiêu diệt nhiều tiểu đoàn và 1 trung đoàn Quốc Dân Đảng. Trung tướng Nguyễn Ân của Việt Nam chỉ huy cánh quân vào Thủy Khẩu…
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 07:25
Nhãn: quan chức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét