Bài đăng phổ biến

Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

AI CHỈ THỊ CÔNG AN ĐÁNH ĐẬP NHÂN DÂN


Ai chỉ thị công an đánh đập nhân dân?
 Công an CSVN đối xử với nhân dân càng ngày càng hung hăng, côn đồ
                                                                                                                    Paulus Lê Sơn
Sau khi xem được video quay lại sự việc một người thanh niên bị một nhóm người có mặc sắc phục cảnh sát cơ động đánh đập tập thể. Một người bạn cảm thấy xót xa trước cảnh này đã bật lên một câu hỏi “liệu có chỉ thị nào cho việc này?”. Chỉ thị cho công an đánh người thoải mái từ cấp bộ, hay cấp sở, hay mỗi phòng có một luật riêng từ ngành công an Việt Nam, chỉ thị có hay không?. Nếu có thì quả thật là một luật giết người được hợp pháp hóa trong tay công an, còn nếu không thì tại sao công an đánh người lại xảy ra mọi lúc mọi nơi?.
Nếu như trên toàn cõi đất nước Việt Nam, người dân ghi lại được tất cả các vụ việc liên quan giữa công an và nhân dân thì có lẽ mỗi ngày có không dưới một vụ công an trực tiếp tấn công người dân. Khi và chỉ khi những con số được phơi bày trước dư luận thì lãnh đạo cao cấp trong ngành mới lên tiếng, những công an đánh dân mới gọi là “điều tra, xem xét và kỷ luận nếu có”.

Chúng ta thấy nhũng vụ công an tấn công nhân dân ở các cấp độ khác nhau và dùng các hung khí khác nhau, tràn lan khắp mọi tỉnh thành trong cả nước. Nạn nhân của bạo lực do công an gây nên chính là người dân, có người đã gục xuống do súng đạn, có người thì chết do tra tấn, có người lại bị thương tích trầm trọng khi được công an “thương tình”. Công an đã bảo vệ cho nhân dân như thế sao?
Sự việc cảnh sát cơ động đánh dân tại Vinh vào khoảng hơn 00h ngày 21/10/2010 ghi lại qua video, một lần nữa cho chúng thấy sự hung hăng, côn đồ của những người được gọi là “công an nhân dân”. Có lẽ những lời phân trần của người dân không được nhóm cảnh sát cơ động này lắng nghe, mà chỉ được đáp trả lại bằng sức mạnh vũ lực sở trường của công an. Họ cũng không căn cứ theo luật mà áp dụng. Vậy khi được đào tạo qua các trường học viện cảnh sát, trung cấp cảnh sát…công an được đào tạo những gì?
Người công an được nhà nước trả tiền lương hàng tháng, tiền đó là từ thuế từ cái kẹo cháu bé ăn, từ lít xăng anh xe thồ đổ, từ bát chè xanh bên cổng làng, từ thu nhập cao hợp pháp, nói chung là từ đóng góp của mọi người dân. Công an có nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho dân, bảo vệ tính mạng và tài sản của dân mỗi khi có sự tấn công từ phía ngoài. Vậy nhưng mấy ai được hưởng cái quyền mà chính mình đã bỏ tiền đóng thuế nuôi công an? Công an đã làm gì cho tổ quốc hôm nay, cho người dân Việt Nam khi an ninh xã hội đang rối như canh hẹ, sự an toàn của người dân khi đi ra đường là con số không!
Sao không thấy công an chu toàn bổn phận với dân, mà chỉ thấy những gì tệ hại đang xảy ra trên thực tế, chả có cái xứ nào mà công an đánh đập, đàn áp, khủng bố đối với tập thể lớn hay cá nhân mỗi người dân khi họ lên tiếng đòi lại quyền lợi, công lý cho mình như Việt Nam lúc này cả.
Có quá nhiều tai tiếng công an Việt Nam đã để lại, sẽ có nhưng bao biện là việc công an đánh dân nước nào trên thế giới cũng có thể xảy ra, hơn nữa người dân như thế nào đó thì công an mới đánh chứ?. Vâng, những lời bao biện vừa nêu ra ở trên có thể vẫn xảy ra, việc công an cảnh sát nước này hay nước kia trên thế giới đánh dân có thể có. Nhưng tôi thấy là rất ít, hiếm, nếu so sánh tỉ lệ với công an Việt Nam đánh dân thì có hàng trăm vụ thì ở một nước nào đó trên thế giới mới có một vụ.
Nếu một nước trên thế giới công an “xử dân” thì viên công an đó được pháp luật phục vụ cho nhân dân xử lại rất công bằng, sòng phẳng.
Hơn nữa, công an Việt Nam quá ư thấm nhuần cái gọi là “đạo đức Hồ Chí Minh”, thế nào là đối với nhân dân phải kính trọng lễ phép? thế nào là vì nhân dân phục vụ?. Công an Việt Nam học được gì từ mái trường đào tạo?
Nếu không có chỉ thị cho công an đánh dân bằng văn bản thì ắt phải có chỉ thị bằng lời nói, hay ở trong trường học các học viên được học cách đánh dân?
Như trong Một cuốn sách dùng trong nội bộ ngành công an Trung Quốc đã bị rò rỉ ra ngoài: sách hướng dẫn các “chiến sĩ công an” phải làm như thế nào để có thể xử lý các phần tử gây rối một cách hiệu quả nhất. Sách mang tựa đề “Thực hành Quản lý Trị an Đô thị”, sách có ghi: “Phải để ý, chớ để lại vết máu trên mặt, chớ gây vết thương trên cơ thể đương sự và tại địa điểm hành động, đừng để ai nhìn thấy”. Được ấn hành cho lực lượng bảo vệ trị an với tính chất “Mật – Không phổ biến”,  tài liệu này không rõ tại sao một số phần của sách bị phát tán trên mạng Internet, khiến chính quyền Trung Quốc đang phải mở cuộc điều tra, theo tờ Telegraph.
Khi ở ngoài đường, thanh thiên bạch nhật như vậy mà công an còn đánh người một cách công khai. Thử hỏi, tất cả nạn nhân khi vào trong trụ sở, trại giam của công an, họ phải nhận những gì. Nhiều nạn nhân sau khi “được gặp gỡ công an” đã chết được phanh phui cho dư luận được biết là một minh chứng.
Lại cũng theo trong sách dạy cách đánh người ở bên Trung Quốc có đoạn: “Khi hỏi cung những kẻ khả nghi, phải làm sao để chúng không có một giây ngừng nghỉ”, sách hướng dẫn, cuốn cẩm nang này cũng khích lệ công an Trung Quốc, khi hành động, đừng bao giờ phải nghĩ đến chuyện những vết thương hoặc hậu quả gây ra có thể lớn thế nào, điều căn bản là phải “biểu thị sự cứng rắn của Nhà nước”. Đó là sách của Trung Quốc dành cho công an Trung Quốc.
Công an Việt Nam liệu có sách và cách hành động “giống” như “người anh lớn” và là  “đồng chí” Trung Quốc không?
Những vụ việc công an đánh dân xảy ra liên tục trên khắp đất nước Việt Nam đang là một vấn nạn vô cùng to lớn mà nhân dân Việt Nam phải gánh chịu. Không có chỉ thị thì làm sao công an lại đánh dân một cách rất thoải mái? Nếu không có chỉ thị bằng văn bản trong ngành công an mà sao khắp mọi tỉnh thành nơi đâu cũng có công an đánh dân, có lẽ là chỉ thị truyền khẩu chăng? hay ngành công an được quyền đánh dân, giết dân mà không bị pháp luật phân xử một cách nghiêm minh?
Hãy xem những viên công an đánh dân trong trường hợp bị người dân phát hiện, dư luận lên tiếng đã phải trả lời trước pháp luật, công lý như thế nào?.
                                                                     Hà Nội 21/10/2010 
                                                                     Paulus Lê Sơn 
                                                     Nguồn: paulusleson.wordpress.com
            ---------------------------------------------
            Tin thêm : Báo Pháp Luật Việt Nam, số 146 (4.572), Thứ Năm, ngày 26-5-2011
                        Trang Pháp Luật & Đời sống (trang 9).
                        Mục « Điều tra cùng bạn đọc », có bài : Nghi án tại Nghệ An
                        Hỏi cung bằng cách đánh... thủng màng nhĩ dân.
                        Xin mời các bạn xem thêm


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét