Bài đăng phổ biến

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

GIỮ VỮNG VÀ PHÁT TRIỂN QUYỀN MỞ MIỆNG

                                                                                
                                               Giữ vững và phát triển quyền mở miệng
                                                                   Bùi Minh Quốc
Công cuộc đổi mới khởi sự bằng một chủ trương đúng đắn có tính nền móng, làm nức lòng người: NHÌN THẲNG VÀO SỰ THẬT, NÓI ĐÚNG NÓI RÕ SỰ THẬT.
Ai phải nhìn thẳng vào sự thật, nói sự thật và chỉ nói sự thật?
Tất cả mọi người, từ những người có quyền và trách nhiệm cao nhất đến những người thấp cổ bé miệng nhất.
Nghĩa là tất cả mọi người phải “mở miệng” – như cách gọi thật giản dị, rành mạch và dứt khoát của Chủ tịch Hồ Chí Minh - mở miệng nói sự thật.
Mở miệng là nhu cầu tự thân tự nhiên như nhu cầu ăn uống hít thở, do đó hiển nhiên là một quyền, hơn nữa là một quyền thiêng liêng, của tất cả mọi người, của mỗi con người, từ em bé 6 tuổi mới biết đọc biết viết (xin mời đọc bài của nhà báo kỳ cựu Hoàng Hưng trên BVN về một em bé sáu tuổi hỏi mẹ chuyện giặc bành trướng Trung Quốc xâm hại vùng biển nước ta), đến lão thành cách mạng 96 tuổi Nguyễn Trọng Vĩnh với lời tuyên bố lay động mọi trái tim yêu dân yêu nước yêu tự do: “Còn hơi thở còn lên tiếng!”. Không những thế, đó còn là một nghĩa vụ, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định, cũng rất rành mạch và dứt khoát: “Đối với MỌI VẤN ĐỀ, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người”. Xin nhấn mạnh mấy chữ “mọi vấn đề”, nghĩa là ngoài các qui định thật cụ thể thật rõ ràng của luật pháp thì không một ai, không một cơ quan, một tổ chức nào được phép đặt ra vùng cấm (hiện nay biến tướng và được che giấu dưới hai chữ “nhạy cảm”) trong việc tự do bày tỏ ý kiến.

Mặc dù chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định dứt khoát từ hơn 60 năm trước như thế, mặc dù đã có chủ trương của đại hội Đảng lần thứ VI từ 25 năm trước như thế, nhưng mở miệng nói sự thật là cả một cuộc chiến đấu, trước hết trong nội bộ Đảng (bài này chủ yếu đề cập đến nỗ lực mở miệng của các đảng viên, bộ phận khó mở miệng nhất) vô cùng gian nan trầy trật và không ít hiểm nguy ngay cả đối với các cán bộ cao cấp. Bởi vì trong cơ quan quyền lực, bên cạnh những người đề ra chủ trương mở miệng nói sự thật lại luôn ẩn náu những phần tử sợ sự thật; những phần tử này dần dà đã kết thành thế lực, đây là cái thế lực thẻ - đỏ - tim - đen nhân danh cách mạng dùng xương máu nhân dân và đảng viên để đúc thành ngai ghế vua quan cách mạng, và tất yếu nó phải lấy việc bưng bít sự thật để giữ ngai giữ ghế, nó huy động tất cả công cụ quyền lực và tiền bạc mà nó đang nắm để bưng bít sự thật, ngăn chặn và bóp méo thông tin, bịt mồm bẻ bút những người nói sự thật.
Nhưng những người chiến sĩ cách mạng vì dân vì nước cũng kiên quyết mở miệng nói sự thật cho bằng được. Như chiến sĩ cách mạng Kim Ngọc, từ giữa những năm sáu mươi thế kỷ trước, không sợ bị mất chức, thậm chí có thể mất Đảng, mất mạng, kiên quyết mở miệng nói (và làm) ngắn gọn: “ Khoán !”. Đây là nói và làm theo mệnh lệnh không phải từ trên áp xuống mà bật lên từ một thực tế bức bối – cuộc sống khốn cùng của người nông dân xã viên sắp chết đói ngay trên đồng ruộng vốn là của họ nhưng đã bị biến thành thứ tài sản tập thể cha chung không ai khóc - là mệnh lệnh đầy sức mạnh của một sự thật sắc nhọn đã chọc thủng cái tấm màn dối trá khổng lồ bao trùm toàn xã hội được dệt bằng những sợi xích giáo điều phản khoa học thâm căn cố đế trói buộc tư duy của cả một đảng luôn tự xác định là đảng khoa học và cách mạng. Noi gương Kim Ngọc, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Đoàn Duy Thành (sau là Phó Thủ tướng) đã can đảm không thực hiện chỉ thị Z30, một chỉ thị đầy tội lỗi, phi lý phi pháp ra lệnh tịch thu tài sản của những người có nhà từ hai tầng trở lên, dù cho chỉ thị đã được triển khai thực hiện ở Hà Nội và báo Nhân dân có cả loạt bài phê phán những nơi chưa chịu thực hiện. Cùng mối tương tri tương đắc với Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Nguyễn Văn An (sau là Chủ tịch Quốc hội) cũng không thực hiện chỉ thị Z30. Tại hội nghị BCH Trung ương Đảng giữa năm 1983, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Đoàn Duy Thành đã khẳng khái lên tiếng phản đối chỉ thị Z30, trên cơ sở phân tích có lý có tình, căn cứ vào mục tiêu không thể tranh cãi của cách mạng là phải đem lại hạnh phúc cho dân. Chỉ thị Z30 đã phải bãi bỏ, tránh cho Đảng dấn sâu vào một sai lầm khốc hại và tránh cho dân một tai họa khủng khiếp như thời Cải cách ruộng đất và Cải tạo công thương nghiệp tư doanh. Sau này, khi trả lời phỏng vấn trên báo Pháp luật TP HCM, cựu Phó Thủ tướng Đoàn Duy Thành cho rằng: nếu chỉ thị Z30 không bị bãi bỏ mà đem thực hiện trên tất cả các tỉnh thành như ở Hà Nội đã làm thì chắc sẽ khó có đổi mới. Tôi (Bùi Minh Quốc) thì cho rằng không những khó có đổi mới mà còn khó tránh một thảm họa mới: đảng viên, trước hết là những cán bộ cao cấp trung kiên vì dân vì nước sẽ là nạn nhân của một cuộc “đồng chí” ăn thịt đồng chí, nhân dân sẽ là nạn nhân của một dạng diệt chủng mới, Đảng sẽ lâm vào một cuộc tự sát về chính trị và văn hóa còn trầm trọng hơn thời Cải cách ruộng đất, nước CHXHCN Việt Nam sẽ chẳng khác gì CHDCND Triều Tiên! Ngẫm lại thời ấy, vào năm 1983, khi hàng chục vạn bộ đội ta, một lực lượng lao động hùng hậu đang rất cần cho đất nước đã kiệt quệ sau 30 năm chiến tranh lại bị sa lầy ở Campuchia, biên giới phía Bắc thì vẫn luôn nóng bỏng, kẻ địch bành trướng đang ráo riết chuẩn bị thêm những đợt tấn công lớn (nhưng thông tin chính thức đến nay vẫn bị bưng bít), mới thấy hết tính chất đặc biệt nguy hiểm và thâm hiểm của chỉ thị Z30. Mà lại là chỉ thị miệng, không có tác giả (thực ra là có, đương nhiên là có, nhưng núp trong bóng tối, và cái cấu trúc của cỗ máy quyền lực không có cơ chế hãm bên trong và hệ thống giám sát từ bên ngoài với tình trạng công tác cán bộ nằm trong tay một người hoặc một nhóm người vận hành khép kín luôn lẩn tránh nguyên tắc công khai khiến cho những người chiến sĩ cách mạng dám mở miệng nói sự thật không thể truy kích đến cùng để làm rõ bản lai diện mục cái thế lực thẻ - đỏ - tim - đen sợ sự thật mang tên Z30 ấy, và nó vẫn tiếp tục từ trong bóng tối ra sức tác oai tác quái). Tương tự như Kim Ngọc, Đoàn Duy Thành, Nguyễn Văn An, ở TP HCM, Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt (sau là Thủ tướng) cùng các đồng chí chiến sĩ cách mạng chí cốt với quyết tâm sẵn sàng bị mất chức, sẵn sàng cơm đùm cơm nắm đi thăm nuôi nhau nếu có ai bị ở tù, đã dũng cảm dám nghĩ dám nói dám làm, dứt bung những rào cản giáo điều để thực hiện đổi mới, tạo cơ sở thực tiễn cho đường lối đổi mới chính thức được đại hội Đảng lần thứ VI thông qua. Viết đến đây, tôi xin được dừng lại một phút để thắp nén tâm hương tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng Kim Ngọc, Võ Văn Kiệt với niềm tri ân sâu sắc. Đồng thời tôi cũng thắp lên nén tâm hương tưởng niệm và tri ân một con người thấp cổ bé miệng từ một làng quê nghèo bên bờ sông Chu – Thanh Hoá, một đêm kia đã dám mở miệng nói sự thật. Đó là nhà báo (huyện) Phùng Gia Lộc, tác giả bài bút ký nổi tiếng “Cái đêm hôm ấy …đêm gì?”, đăng trên báo Văn nghệ số ra ngày 23 tháng 1 năm 1988. Phùng Gia Lộc không phải là nhà văn chuyên nghiệp, nhưng cái tình cảnh bị truy bức hãi hùng của người nông dân xã viên quê anh và chính gia đình anh dưới ách cả một tập thể cường hào thẻ đỏ chẳng khác gì tình cảnh “Bước đường cùng” của người nông dân trong tiểu thuyết Nguyễn Công Hoan trước Cách mạng Tháng Tám 1945 đã buộc anh phải cầm lấy bút. Từ những dòng chữ trần trụi sự thật của anh bật lên tia chớp xé toang cái bóng đêm trung cổ bấy lâu trùm phủ đời sống nông thôn Việt Nam khiến cả xã hội giật mình. Trước hết là những người lãnh đạo phải giật mình sau mười mấy năm say sưa với đại thắng, miệng chỉ quen cao giọng những “vĩ đại”, những “vô địch” với “muôn năm”, tai chỉ quen nghe những lời xưng tụng bốc thơm hết cỡ như “hiện thực của ta là vô cùng tốt đẹp, chỉ cần sao chép nguyên xi cũng đủ để có tác phẩm lớn” (!) mà đích thân người viết bài này đã nghe Ủy viên Bộ chính trị Trưởng Ban tuyên giáo trung ương Tố Hữu phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị các nhà văn đảng viên (Hà Nội, tháng 6.1979, do Bí thư đảng đoàn Hội nhà văn Nguyên Ngọc chủ trì). Phùng Gia Lộc chỉ đơn giản ghi lại trung thực cái sự thật đời sống “vô cùng không tốt đẹp” mà bản thân anh và gia đình anh là một phần trong đó, chắc cũng không nhằm làm nên tác phẩm lớn, nhưng sự mở miệng của anh rõ ràng là vô cùng có ích. Tưởng niệm và tri ân Phùng Gia Lộc, tôi cũng đồng thời tưởng niệm và tri ân nhà thơ quá cố Bế Kiến Quốc – Biên tập viên báo Văn nghệ, người đã cưu mang Phùng Gia Lộc khi anh phải trốn khỏi Thanh Hoá để tránh sự hãm hại của cái thế lực Z30 hét ra lửa ở tỉnh nhà. Cũng cần phải thấy rằng, sự mở miệng của Phùng Gia Lộc khó có thể bật lên được nếu không có một bà đỡ mát tay là nhà văn Nguyên Ngọc – Tổng biên tập báo Văn nghệ. Dựa vào chỉ thị 15 của Ban Bí thư về đổi mới công tác báo chí và tiếp đó là nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về văn hoá văn nghệ, tận dụng tối đa quyền hạn và trách nhiệm của một Tổng biên tập mà các chỉ thị nghị quyết ấy mở ra, đồng thời với tinh thần tích cực chủ động cao nhất, Nguyên Ngọc mau chóng đưa báo Văn nghệ trở thành một trong mấy tờ báo đi đầu trên mặt trận mở miệng (gọi chung là thông tin) nói sự thật. Bạn đọc xếp hàng từ sớm để chờ mua báo Văn nghệ. Rồi Lao động, Tuổi trẻ… Rồi Phụ nữ TP HCM, Sông Hương, Cửa Việt… hàng chục tờ báo, tạp chí nối tiếp nhau giành được sự quan tâm nồng nhiệt của bạn đọc ngày càng rộng rãi theo đà tăng lên của hàm lượng sự thật/thông tin. Sức mạnh của sự thật của thông tin đã khiến ông quan đầu tỉnh xứ Thanh mất ghế. Nhân dân khấp khởi hy vọng: mắt Đảng vẫn còn dám nhìn sự thật, tai Đảng vẫn còn biết lắng nghe tiếng kêu của dân, tim Đảng vẫn đập cùng một nhịp với tim dân, đời vẫn còn công lý. Niềm tin vào đổi mới được nhen thêm. Nhưng ít ai biết vẫn có một thế lực Z30 núp trong bóng tối luôn nhân danh “sự lãnh đạo của Đảng” để giữ ngai giữ ghế vua quan cách mạng bằng những đòn phép kiểu Cải cách ruộng đất và Cách mạng văn hoá Tàu, tất nhiên được Việt Nam hóa bằng những thủ thuật ngụy trang rất xảo quyệt. Ban chấp hành Hội nhà văn (họp giữa tháng 9.1988) ra nghị quyết phê phán báo Văn nghệ “lệch lạc nghiêm trọng”. Tổng biên tập Nguyên Ngọc bị “thôi” chức (cách chức trá hình dưới dạng chuyển sang nhiệm vụ phụ trách hậu cần cho đại hội của Hội sắp họp). Điều đáng buồn là tại Hội nghị Ban chấp hành Hội Nhà văn, cơ quan lãnh đạo của một tổ chức thoát thai từ Văn hóa Cứu Quốc gồm toàn những chiến sĩ – nghệ sĩ, những người tự coi và được coi là đại diện cho lương tri của dân tộc, lại không có một chiến sĩ nào dám đứng lên phát biểu chủ kiến riêng của mình như Đoàn Duy Thành tại Hội nghị Trung ương, như Đốt-xtôi-ép-xki đại văn hào Nga đã viết từ hàng trăm năm trước: “Bước một bước mới, nói lên một lời mới do chính mình nghĩ ra”. Không, không một ai dám như thế, mặc dù họ đã đọc Đôtx, đã thừa biết tư duy độc lập, tự do ngôn luận là chuyện sinh tử của người trí thức, họ đều tâm đắc những lời này của F. Mit-tơ-răng (Tổng thống Pháp): “Im lặng nuôi dưỡng tội ác”, của M. Bun-ga-cốp (nhà văn Nga thời xô-viết): “Không có một nhà văn nào lại có thể im lặng được. Nếu y im lặng thì có nghĩa đó không phải là nhà văn chân chính. Còn nếu một nhà văn chân chính mà im lặng thì y sẽ chết”. Tiện thể kể thêm, đây là lần thứ hai Nguyên Ngọc bị mất chức. Lần đầu là sau Hội nghị nhà văn đảng viên (tháng 6/1979) đã kể trên. Tại hội nghị quan trọng đó, với cương vị Bí thư đảng đoàn, Nguyên Ngọc đọc báo cáo đề dẫn nêu lên những ý tưởng đổi mới được đánh giá là rất mạnh bạo để hội nghị thảo luận (xin mời đọc “Mấy kỷ niệm làng văn bị trói” của Bùi Minh Quốc trên mạng internet). Quả nhiên “Đề dẫn” lập tức tạo ra trong hội nghị một không khí hồ hởi chưa từng có, được thảo luận một cách dân chủ và thoải mái, sôi nổi. Nhưng ngày thứ ba của hội nghị, Ủy viên Bộ chính trị Trưởng Ban tuyên giáo trung ương Tố Hữu đến phát biểu, đập tơi bời những luận điểm cơ bản của “Đề dẫn” mà hội nghị qua thảo luận đã tán thành. Bao nhiêu hồ hởi ngày hôm trước lập tức xẹp xuống, thay vào đó là một không khí hoang mang, ngơ ngác, lo sợ. Nhưng, thật đáng khâm phục, giữa bầu khí nặng nề ấy, khi phát biểu bế mạc, Bí thư đảng đoàn Nguyên Ngọc vẫn rất kiên quyết và cũng rất mềm mỏng mở miệng nói sự thật bằng kết luận:“Qua thảo luận, hội nghị đã cơ bản nhất trí với “Đề dẫn”, đồng thời chúng ta cần nghiêm túc nghiên cứu ý kiến đồng chí Tố Hữu”. Nguyên Ngọc đã tỏ rõ bản lĩnh tư duy độc lập, sáng tạo của người trí thức chân chính, và khí phách của người chiến sĩ chiến đấu cho Tự do. Với tư cách Bí thư đảng đoàn, anh một lần nữa nhắc nhở các đồng chí của mình trong Hội một điều cốt tử mà người ta dễ quên khi có chức có quyền: Tự do là giá trị cao quý nhất, chức vụ mà Đảng giao cho ta không phải là cái ghế để hưởng đặc quyền đặc lợi mà là vị trí chiến đấu của người chiến sĩ cách mạng chiến đấu cho Tự do. Tôi cho rằng, kể từ sau ngày 30.4.1975, trên phạm vi cả nước, chỉ bằng mấy tiếng ngắn gọn chắc nịch “Hội nghị đã cơ bản nhất trí với Đề dẫn”, Bí thư đảng đoàn Nguyên Ngọc là người đầu tiên công khai ôm khối bộc phá “Đề dẫn” xông lên mở cửa đột phá cho mặt trận mở miệng/thông tin. Nghe vang lên câu thơ quyết liệt rực lửa Tự do của Thu Bồn: “Hỡi những người nô lệ đừng quên/Tôi là bộc phá viên!”. Sau Hội nghị nhà văn đảng viên, Nguyên Ngọc bị kiểm điểm (thực chất là bị đấu tố, truy bức), hứng chịu những làn đạn công kích khét lẹt mùi Z30. Trên mặt báo, xuất hiện loạt bài đánh Nguyên Ngọc, và đánh Hoàng Ngọc Hiến, tác giả của luận điểm nổi tiếng có tính phát hiện về “chủ nghĩa hiện thực phải đạo” như một đặc điểm, một chỗ yếu trầm trọng của văn học Việt Nam hiện đại đăng trên Văn nghệ được/bị coi là do sự chỉ đạo của Bí thư đảng đoàn Nguyên Ngọc. Ác hại và bi đát thay, trong số những loạt đạn ngôn từ khét lẹt mùi Z30 lại có cả hỏa lực của các xạ thủ bậc thầy, các tên tuổi tầm cỡ, mới đó vừa cùng ngồi trong đảng đoàn nhiệt liệt tán đồng và thông qua bản “Đề dẫn” do Nguyên Ngọc soạn thảo. Ở lần mất chức thứ hai của Nguyên Ngọc thì tình hình có khác, giữa khí thế đổi mới đang mạnh, các tên tuổi tầm cỡ kia không dám xuất đầu lộ diện trên mặt báo, chỉ dùng mấy bức thư gửi Ban bí thư và Ban chấp hành Hội (đồng thời truyền tay trong hội viên) để đả kích Nguyên Ngọc và gián tiếp miệt thị Trưởng Ban văn hóa văn nghệ trung ương Trần Độ, người có công chuẩn bị cho Bộ Chính trị ra Nghị quyết 05, một nghị quyết làm nức lòng giới văn nghệ lúc bấy giờ mà chính các tác giả mấy bức thư kia từng hồ hởi tán dương. Trong khi đó nhiều tờ báo, nhất là Tuổi trẻ, rộ lên những tin bài bênh vực báo Văn nghệ và Tổng biên tập Nguyên Ngọc. Tạp chí Lang Biang số 3 của Hội Văn nghệ Lâm Đồng do Bùi Minh Quốc Chủ tịch Hội làm Tổng biên tập ra tháng 6.1988 đăng “Đề dẫn” của Nguyên Ngọc (đây là ấn phẩm đầu tiên và duy nhất công bố “Đề dẫn”). Thượng tuần tháng 11.1988, Hội Văn nghệ Lâm Đồng thực hiện một chuyến đi dọc miền Trung và Tây Nguyên ký chung kiến nghị với một số hội bạn gửi Trung ương yêu cầu thể chế hóa Nghị quyết 05 để sớm thực hiện, đồng thời cùng một số cán bộ chủ chốt của các hội bạn và nhiều anh chị em viết văn viết báo và các công dân hưởng ứng đổi mới ký chung một bản tuyên bố yêu cầu đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đánh giá cao đóng góp tích cực của tuần báo Văn nghệ và Tổng biên tập Nguyên Ngọc, nghiêm khắc phê phán những biểu hiện đổi mới chập chờn, những hành động cản trở đổi mới, phản đối nghị quyết của Ban chấp hành Hội nhà văn về báo Văn nghệ, yêu cầu cách chức một số người trong Ban tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin. Bản tuyên bố được tham gia ký bởi nhiều người ở các địa phương dọc đường mà đoàn Văn nghệ Lâm Đồng đi qua, ra đến Hà Nội tổng cộng có 118 chữ ký. Tháng 12.1988, báo Nhân dân đăng bài của Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Trần Trọng Tân có đoạn phê phán điều gọi là “hoạt động bè phái của một số người trong Hội Văn nghệ Lâm Đồng”. Năm 1995, tại Đại hội lần thứ 5 Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Xuân Cang Trưởng Ban kiểm tra của Hội công bố báo cáo kiểm tra có phần đánh giá hoạt động của hai nhà văn Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự trong chuyến đi của đoàn Văn nghệ Lâm Đồng là “bình thường, bổ ích và phù hợp với quá trình dân chủ hóa, không có biểu hiện bè phái”. Cũng trong khuôn khổ Đại hội lần thứ 5 Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng bí thư Đỗ Mười mời gặp nhà thơ Bùi Minh Quốc, người chịu trách nhiệm về hoạt động trong chuyến đi của đoàn Văn nghệ Lâm Đồng, trực tiếp nghe báo cáo vụ việc và hứa sẽ giao cho Ban tổ chức Trung ương, Ủy ban kiểm tra Trung ương nắm lại nội dung vụ việc và sẽ có văn bản kết luận (cùng dự nghe còn có các Ủy viên Bộ Chính trị Đào Duy Tùng và Nguyễn Đức Bình). Nhưng cho đến nay vẫn chưa có một văn bản kết luận nào của Trung ương về vụ này. Điều đó càng cho thấy những người lãnh đạo ở cấp cao nhất đã mặc nhiên thừa nhận nội dung tuyên bố 118 chữ ký là đúng đắn và nhạy bén, báo động rất sớm về những hành động kiểu Z30 cố ý thủ tiêu quyền mở miệng nói sự thật của trí thức văn nghệ sĩ và của toàn dân.Tiếp theo việc Nguyên Ngọc bị “thôi” chức là Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự (Hội Văn nghệ Lâm Đồng) bị khai trừ, cách chức. Rồi Xuân Cang (TBT báo Lao động), rồi Kim Hạnh (TBT báo Tuổi trẻ), Tô Nhuận Vỹ (TBT tạp chí Sông Hương), Hoàng Phủ Ngọc Tường (TBT tạp chí Cửa Việt), Thế Thanh (TBT báo Phụ nữ TP HCM) phải rời khỏi chức vụ một cách êm nhẹ, gọi lịch sự là chuyển công tác theo sự phân công của tổ chức.
Tất cả những biện pháp về tổ chức phi lý, bất công, độc đoán nêu trên đều nhằm thủ tiêu chủ trương mở miệng nói sự thật, đẩy văn nghệ sĩ trí thức và hoạt động báo chí xuất bản chui trở lại vào vòng trói buộc mà mới đó vừa được hô “cởi trói”. Số lượng báo chí ngày càng tăng nhưng hàm lượng sự thật/thông tin trên mặt báo ngày càng sa sút, nhất là thông tin về sự hoành hành của giặc bành trướng và giặc nội xâm – hai hiểm họa lớn đang hàng ngày đè nặng lên vận mệnh Tổ Quốc và đời sống nhân dân. Nhà thơ (tự do) Nguyễn Viện dồn dập nêu câu hỏi (trên mạng internet):
1. Quốc hội Việt Nam người Tàu hay người Việt?
2. Chính phủ Việt Nam người Tàu hay người Việt?
3. Báo chí và Truyền hình Việt Nam quan tâm đến cái gì nhất:
A- Bóng đá?
B- Sexy show Hoàng Thùy Linh, Yến Vi?
C- Tàu chiếm Hoàng Sa & Trường Sa?
4. Bao nhiêu người có câu trả lời giống bạn?
Báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng lại không phải là tờ báo thể hiện được vai trò tiền phong gương mẫu trong nhiệm vụ nhìn thẳng vào sự thật, mở miệng/thông tin nói sự thật, chống bành trướng, chống nội xâm, thực hành dân chủ. Tổng biên tập Báo điện tử ĐCSVN Đào Duy Quát đưa tin (vô tình hay cố ý?) có lợi cho thế lực bành trướng, phương hại đến việc khẳng định chủ quyền biển đảo của quốc gia nhưng chỉ bị cảnh cáo trong khi đáng lẽ phải khai trừ cách chức ngay lập tức, một kiểu xử lý rất hữu khuynh nếu không nói là biểu hiện của thái độ chư hầu. Mà rõ là một kiểu tự bày tỏ tư cách chư hầu rồi chứ còn gì nữa, khi mà vào dịp kỷ niệm 30 năm giúp nước bạn Campuchia thoát nạn diệt chủng (7.1.1979 – 7.1.2009), chiến thắng giặc bành trướng xâm lược các tỉnh biên giới phía bắc (17.2.1979 – 17.2.2009), báo chí im tịt không một dòng tưởng niệm các liệt sĩ. Không thể lấy việc cần phải mềm dẻo giữ tình giao hảo giữa hai quốc gia để biện minh cho một thái độ vô cảm bạc bẽo đối với xương máu của chiến sĩ và đồng bào trong quá khứ như thế.Toàn Đảng toàn dân không thể không mở miệng nêu lên câu hỏi hệ trọng bức thiết hàng đầu này với Tổng bí thư - Bí thư quân ủy trung ương: bộ đội ta lấy đâu ra tinh thần để chiến đấu khi họ chứng kiến cái cảnh đảng viên cán bộ trong giới cầm quyền hiện nay sống một đời sống phè phưỡn hoàn toàn cách biệt với dân, trụ sở cấp ủy càng to tát nghênh ngang thì lòng yêu nước và ý thức về chủ quyền quốc gia càng teo tóp, nhạt nhẽo mơ hồ đến mức có Chi ủy viên coi Hoàng Sa là bãi hoang chim ỉa mà cấp trên cũng ngậm miệng lờ tịt, không ai nhắc gì đến bao anh hùng liệt sĩ mà dòng máu vẫn đang nóng bỏng dưới chân mỗi người đang sống hôm nay, đang cuộn chảy phẫn nộ trong những cánh rừng bị bán đi, trên những vùng dự án tại các địa bàn chiến lược hiểm yếu liên tiếp mọc lên các khu cư trú khép kín của lao động phổ thông Trung Quốc? Thiếu gì cách đưa tin bài để vừa thể hiện được tấm lòng của những người đang sống hôm nay đối với các anh hùng liệt sĩ và các gia đình thương binh liệt sĩ mà vẫn giữ được sự mềm dẻo thích đáng trong đối ngoại. Cần nghiêm khắc để thấy rõ, chính thái độ thờ ơ bạc bẽo của người cầm quyền đối với sự hy sinh của bao anh hùng liệt sĩ trên mặt trận chống bành trướng đã làm suy yếu nghiêm trọng nội lực dân tộc và chỉ càng kích thích thế lực bành trướng Bắc Kinh hung hăng lấn tới. Quyền chủ động của các Tổng biên tập hầu như bị bóp siết dúm dó đến thảm hại, 700 tờ báo nhưng coi như chỉ có một Tổng biên tập là Trưởng Ban tuyên giáo trung ương, xu hướng lá cải, sexy hóa, playboy hóa báo chí đang có chiều lấn át. Nhà văn (Hội viên Hội Nhà văn VN) Thùy Linh kêu lên: (báo chí) sexy tất cả trừ lòng yêu nước! Nhà thơ (Hội viên Hội Nhà văn VN) Trần Mạnh Hảo kêu lên: “Tôi yêu nước mà tôi bị bắt !”. Từ Hội nghị nhà văn đảng viên (tháng 6.1979) với“Đề dẫn” của Bí thư đảng đoàn Nguyên Ngọc đến Đại hội lần thứ 8 Hội nhà văn Việt Nam (tháng 8.2010) với báo cáo chính trị của bí thư đảng đoàn chủ tịch Hội Hữu Thỉnh là một tình trạng tuột dốc thê thảm về tư cách kẻ sĩ – trí thức tư duy độc lập, về tư cách yêu nước của Hội đến nỗi đại hội không thể ra được một bản tuyên bố về trách nhiệm của nhà văn trước tình hình đất nước bị giặc bành trướng ngang ngược xâm hại và giặc nội xâm ngang nhiên cướp lột, hệt như hình ảnh trong câu thơ của chiến sĩ – thi sĩ Thanh Thảo tiên tri từ 2008: “Cứ tự mình dán băng keo vào miệng/ Yêu tổ Quốc chỉ còn nghe ú ớ”. Trong lịch sử dân tộc, có bao giờ trí thức văn nghệ sĩ tự bộc lộ trước nhân dân cả nước và thế giới một tư thế đáng xấu hổ như thế chưa? (Nhà báo Sáu Nghệ bình phẩm: “nói đáng xấu hổ vẫn còn là lịch sự!”). Chỉ thị của Ban Bí thư ghi rõ “Đại hội là một sinh hoạt chính trị quan trọng…”, như vậy cái tư cách chính trị của Hội Nhà văn thể hiện ở Đại hội 8 là chính trị gì? Nó tuyệt nhiên không phải là cái chính trị kế tục truyền thống yêu nước vì dân của Văn hóa Cứu Quốc, khiến toàn thể đảng viên và nhân dân chỉ có thể hiểu rằng Bí thư đảng đoàn Hữu Thỉnh đã tiến hành đại hội theo một sự chỉ đạo ngầm kiểu Z30 chứ không phải theo chỉ thị của Ban bí thư? Hay chính Ban bí thư, Bộ Chính trị cũng chưa thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của thế lực thẻ - đỏ - tim - đen Z30? Hay cái tố chất Z30 tồn tại ngay trong con người mỗi ủy viên Bộ chính trị, mà chất Z30 với chất Lê Chiêu Thống thì vốn tuy hai mà một? Tôi vẫn cố để không nghĩ rằng các Ủy viên Bộ chính trị không còn là người yêu nước nữa nhưng những sự thật sờ sờ đó buộc tôi phải nghĩ rằng ở cái trung tâm thâu tóm mọi quyền lực của đất nước này, cái vị trí “vua tập thể” này – như cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã gọi tên một cách xác đáng – lẽ sống không có gì quý hơn Độc lập Tự do đang lùi dần nhường chỗ cho lẽ sống không có gì quý hơn chiếc ghế quan to, dòng máu thắm yêu nước vì dân đang từng ngày từng giờ bị tiêu biến trước sức lấn lướt hung hãn của dòng máu đen yêu ghế đè dân. Mà không chỉ đè dân. Đè nén ngay cả các lão đồng chí tiền bối. Vụ bịt miệng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhằm cố dập tắt tiếng nói phản đối phá hội trường Ba Đình là sự kiện điển hình. Bức thư của Đại tướng gửi Bộ Chính trị không những không được trả lời, mà khi Tổng biên tập báo Đại đoàn kết đăng lên thì bị cách chức. Đây quả là một cử chỉ thách thức quyền mở miệng của Đại tướng, của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Tôi cho rằng đây là hành vi của thế lực Z30 chứ không thể nào là của Bộ Chính trị một Đảng đã chủ trương nhìn thẳng vào sự thật, dân biết dân bàn, tăng cường thông tin nhiều chiều, đối thoại, lắng nghe, tôn trọng các ý kiến khác biệt. Tôi tin rằng không thể nào 100% Ủy viên Bộ Chính trị (khóa 10) đều nhất trí với chủ trương quá đỗi thất nhân tâm (và cũng là sự dại dột tự hủy hoại uy tín chính trị) này. Tôi rất muốn biết, trong Bộ Chính trị khóa 10, những ai đã bỏ phiếu thuận, những ai bỏ phiếu chống, những ai bỏ phiếu trắng khi biểu quyết chủ trương phá bỏ một di tích gắn với bao sự kiện lịch sử quan trọng trong hoạt động của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh như vậy? Ai đã chủ xướng, và những ai đã bỏ phiếu thuận? Tôi rất muốn biết. Và tôi chắc rằng tất cả những ai đã dâng hiến đời minh cho lẽ sống KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP TỰ DO và tất cả lớp con em đang tiếp bước họ cũng đều rất muốn biết. Đổ bao nhiêu xương máu vì Độc lập Tự do để rồi phải chịu thảm cảnh đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng bị mất quyền mở miệng nói sự thật thì không thể nào chấp nhận được. Cũng như mọi người đều thấy không hề có một chủ trương nào cho phép cấm đoán, cản trở các cuộc biểu tình của nhân dân lên tiếng bày tỏ lòng yêu nước, phản đối hành động ngang ngược của thế lực bành trướng Bắc kinh đối với chủ quyền biển đảo nước ta, việc làm ăn sinh sống của ngư dân ta, vậy mọi người phải được biết ai đã ra lệnh cho lực lượng công an bắt giữ, “mời làm việc” những người yêu nước tham gia biểu tình tại Hà Nội, TP HCM những ngày vừa qua? Tôi rất hoan nghênh ý kiến của Ủy viên Bộ Chính trị (khóa 10, 11) Phạm Quang Nghị phát biểu cách đây chưa lâu về việc phải đảm bảo thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ, toàn diện những gì đã xảy ra. Vậy các bức thư, kiến nghị, tuyên cáo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các lão thành cách mạng, các tướng lĩnh cùng hàng trăm nhân sĩ trí thức và hàng ngàn công dân lên tiếng về quốc sự phải được thông tin rộng rãi trên báo đài, đưa về tận thôn cùng xóm vắng, đưa vào nội dung sinh họat của từng chi bộ, từng tổ nông hội, từng tổ công đoàn, từng chi đoàn TNCS HCM, chi hội học sinh, sinh viên thảo luận thật kỹ xem bao nhiêu người tán thành, bao nhiêu người chưa tán thành, bao nhiêu người còn phân vân, bao nhiêu người phản đối. Như thế mới là thực hiện chủ trương của Đảng tăng cường thông tin nhiều chiều, đối thoại, lắng nghe. Cần mau chóng biến chủ trương này thành nếp bình thường, thường xuyên của tổ chức đảng và các hội đoàn, đưa tổ chức đảng và các hội đoàn thoát khỏi tình trạng sinh hoạt hời hợt, hình thức, vô hồn mà cuộc Đại hội lần thứ 8 của Hội nhà văn VN với chi phí rất tốn kém tôi vừa kể trên là một bài học phản diện điển hình. Phải luôn nhớ rằng tổ chức đảng và các hội đoàn được gây dựng bồi đắp bằng xương máu mồ hôi và tài sản của bao thế hệ đảng viên và quần chúng trong quá khứ, nay ta cam chịu ngồi nhìn sự thao túng của chủ nghĩa Z30 (= ăn cướp) kết hợp với chủ nghĩa mackeno khiến các tổ chức này thoái hóa thành một thứ bình phong bệ đỡ cho ngai ghế của một thiểu số chức sắc nhân danh cách mạng để làm vua quan cách mạng, là một tội lớn đối với Đảng, với dân và với chính bản thân mình.Thông tin nhiều chiều, đối thoại, lắng nghe lẫn nhau, bình đẳng trao đổi thảo luận một cách ôn hòa trầm tĩnh, tiếp nhận nhau và làm phong phú lẫn nhau giữa người lãnh đạo với nhân dân, đấy là một trong những việc bắt buộc phải gấp rút làm để khôi phục quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân đã bị hủy hoại gần như sạch trơn. Tôi hoan nghênh Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị gần đây đã bước đầu thực hiện được phần nào công việc ấy tại Đại hội Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Hà Nội (LHHVHNTHN). Dù đang bận họp Hội nghị Trung ương 2, “Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã dành hẳn cả một buổi sáng để lắng nghe ý kiến tham luận của các văn nghệ sĩ Thủ đô và ông có cuộc trao đổi khá cởi mở với các đại biểu về đề tài bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc(trích tường thuật của nhà báo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Ủy viên BCH Hội nhà văn Hà Nội). Trong các ý kiến của văn nghệ sĩ, đặc biệt đáng chú ý là bài tham luận “Văn học nghệ thuật của lòng yêu nước” của nhà văn Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội, Phó chủ tịch LHHVHNTHN (trích): “… những ngày này Biển Đông đang làm nổi sóng yêu nước của những người dân Việt Nam, yêu sách phi lý về đường lưỡi bò chín đoạn trên biển và những hành động trắng trợn, ngang ngược phía Trung Quốc đối với các tàu bè và ngư dân Việt Nam đang hoạt động, làm ăn trong vùng biển thuộc chủ quyền của mình đã khiến toàn thể dân ta bất bình, phẫn nộ và kiên quyết đấu tranh, phản đối. Và chúng ta đang đấu tranh bằng con đường hòa bình, bằng ngoại giao nhân dân và nhà nước. Trong cuộc đấu tranh này, cần đến sức mạnh của văn học nghệ thuật và quả thực vũ khí văn nghệ đã và đang tác dụng mạnh mẽ. Có đi tuần hành cùng nhân dân, mới thấy lời thơ, tiếng hát có tác dụng đến thế nào trong sự biểu lộ tình cảm yêu nước cùng nhau đoàn kết quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của non sông tổ quốc”.(…)“Mỗi chúng ta, là công dân, là người cầm bút, cầm cọ, cầm đàn, đừng để cuộc sống thanh bình đầy đủ tiện nghi vật chất trên đất liền, ở các thành phố, ở giữa thủ đô, che khuất tầm nhìn về hướng biển, về những người lính, người dân đang ngày đêm vật lộn với sóng nước, chống đỡ với những mưu toan thâm độc của kẻ láng giềng nước lớn hung hãn, đang lấy thân mình che cho tổ quốc khỏi cơn cuồng phong xâm lược có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Chúng ta, các văn nghệ sĩ thủ đô, hãy có thêm những sáng tác mới cho/vì người dân người lính nơi hải đảo, giữa trùng khơi. Đó là cách chúng ta biểu lộ lòng yêu nước của mình. Đó là cách chúng ta thể hiện sự phản đối âm mưu của kẻ xấu. Đó là cách chúng ta xứng đáng với danh hiệu “Hà Nội – thành phố vì hòa bình”.
Tôi đề nghị đại hội chúng ta ngay bây giờ hãy có một hình thức cụ thể bày tỏ tấm lòng của các văn nghệ sĩ thủ đô Hà Nội đối với đồng bào và chiến sĩ ở Hoàng Sa - Trường Sa, hai quần đảo thiêng liêng thuộc chủ quyền Việt Nam”.
Chủ tịch Phạm Xuân Nguyên đã nói tiếng nói của lòng mình, lòng dân, cái tiếng nói mà nhân dân đã hết sức thất vọng, sau bao trông đợi lại không được nghe cất lên từ Chủ tịch Hữu Thỉnh tại diễn đàn Đại hội 8 của Hội Nhà văn Việt Nam. Cám ơn Chủ tịch Phạm Xuân Nguyên, anh đã nhen lại cho tôi chút niềm tin và hy vọng vào phẩm chất người đảng viên tiền phong gương mẫu, vào bản lĩnh kẻ sĩ – trí thức tư duy độc lập, vào khí phách người chiến sĩ cách mạng chiến đấu cho Tự do. Phẩm chất ấy, bản lĩnh ấy, khí phách ấy, sau bao năm bị xúc phạm, bị vùi dập, bị hình sự hóa, đã lại bật dậy, trên đường phố Sài Gòn, trước mặt Đại sứ quán Trung Quốc, trên quảng trường Nhà hát Lớn, trên diễn đàn Đại hội Văn nghệ Thủ đô. Phạm Xuân Nguyên không phải Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, một danh xưng mà khá nhiều người cầm bút còn đang ham muốn, thậm chí nghe đâu có người phải cố tìm cách “chạy” để kiếm một tấm thẻ. Ấy vậy mà anh lại được đồng nghiệp tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội, một hội có khá đông Hội viên Hội nhà văn VN. Ngày nay, hiếm có một cán bộ đương chức nào dám xông xáo trên mặt trận mở miệng nói sự thật về nguy cơ mất nước như thế, một hành động tự đặt mình vào nguy cơ mất chức trong khi tình trạng phổ biến là người ta lo mất ghế hơn lo mất nước. Phải chăng, giữa thời buổi nhiễu loạn rối bời mọi giá trị, đã bắt đầu một quá trình các giá trị đích thực cứ tự thân trở về đúng chỗ, bất chấp mọi ác ý, mọi mưu toan đen tối? Phải chăng đang hiện rõ dần cái mà Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh gọi là “thực tiễn tự tìm đường”, nhà văn Nguyên Ngọc gọi là “cuộc sống vẫn lừng lững đi tới”? Tôi thì nghĩ, cái “thực tiễn tự tìm đường” ấy, cái “cuộc sống vẫn lừng lững đi tới” ấy, luôn hoài thai và lớn dậy từ những cái tự xác quyết, tự lựa chọn ở từng con người. Và từng con người, với nhu cầu bức thiết bên trong, tự mở miệng nói sự thật. Kim Ngọc: “Nếu tôi sợ, các đồng chí sợ, tất cả chúng ta đều sợ, thì để dân chết đói à?”. Nguyên Ngọc: “Hội nghị chúng ta đã cơ bản nhất trí với “Đề dẫn”!”. Đoàn Duy Thành: “Chúng ta làm cách mạng để đem lại hạnh phúc cho dân, tại sao lại vô cớ tịch thu nhà của dân?”. Phạm Xuân Nguyên: “Tôi nguyện làm cái tai của chính quyền để nghe tiếng nói của dân, làm cái miệng của dân để nói tiếng nói của dân với chính quyền”. Từ diễn đàn Đại hội, qua giọng đọc đầy xúc cảm của Phạm Xuân Nguyên, vang lên tiếng thơ của Tô Thùy Yên thi sĩ - sĩ quan VNCH (viết hai tháng sau sự kiện Hoàng Sa 1974) về những người lính Việt Nam đồn trú ở Trường Sa khẳng định sự có mặt của Việt Nam tại đảo này: “Trường Sa! Trường Sa! Đảo chếnh choáng! / Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề / Lính thú mươi người lạ sóng nước / Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi”, và tiếng thơ của thi sĩ - chiến sĩ VNDCCH Trần Mạnh Hảo ca ngợi “Người anh hùng họ Ngụy” hy sinh ở Hoàng Sa năm ấy: “Người yêu nước không thể nào là ngụy / Người chết vì nước như anh không thể nào là ngụy / Nhưng anh: là Ngụy Văn Thà / Anh - hạm trưởng chiến hạm Nhật Tảo / Lao thẳng vào tàu giặc cướp / Tên anh còn mãi với Hoàng Sa / Biển vật mình thét đại bác / Giặc bủa vây chiến dịch biển người / Lửa dựng trời dìm tàu giặc / Máu anh cùng đồng đội ngời ngời / Ôm chặt tàu / Ôm chặt đảo / Anh hóa thành Tổ Quốc giữa trùng khơi”.
Và điều đặc biệt đáng ghi nhận: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã trân trọng lắng nghe. Anh có xúc động? Tôi tin rằng, một cách tự nhiên, người đã từng lăn lộn ở chiến trường giữa lòng dân như anh thì không thể không xúc động. Có người Việt Nam nào lại không xúc động trước tấm gương hy sinh lẫm liệt của người anh hùng Ngụy Văn Thà cùng đồng đội trong trận chiến chống giặc bành trướng Trung Quốc, bảo vệ Hoàng Sa thiêng liêng! Tôi tin rằng, giờ phút ấy tại đại hội, dòng máu thắm yêu nước vì dân không thể không dậy lên thôi thúc Phạm Quang Nghị tự bứt phá nốt trong anh những rào cản hoen rỉ của một thứ thiên kiến chính trị ý thức hệ giai cấp hẹp hòi, giục anh bước hẳn ra đứng giữa nhân dân trên một nền chính trị quảng đại vững bền: chính trị Tổ Quốc trên hết, quyền dân trên hết. Nhưng khi trở về ngồi họp Thành ủy, họp Bộ Chính trị, liệu anh có nhắc gì đến các chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh trên biển đảo Hoàng Sa? Anh sẽ nói gì khi nhân dân nêu lên đề nghị này: Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội hãy sớm xúc tiến một cuộc gặp gỡ thơ nhạc Việt gồm các tác giả trong nước và hải ngoại về chủ đề biên cương, biển đảo, tổ chức theo phương thức tự cân bằng thu chi, không cần xin một đồng của nhà nước; những người tham dự tự túc ăn ở đi lại, người dư dả sẽ giúp người thiếu thốn (tôi chắc các ca sĩ có thu nhập cao sẽ sẵn sàng trợ giúp các nhạc sĩ thi sĩ nghèo), sẽ bán những tấm vé đặc biệt cho các nhà hằng tâm hằng sản nhiệt thành hưởng ứng cuộc ĐẠI ĐOÀN VIÊN THƠ NHẠC VIỆT BẢO VỆ BIÊN CƯƠNG BIỂN ĐẢO.
Bài tường thuật Đại hội Văn nghệ Thủ đô của nhà báo Nguyễn Việt Chiến lập tức loan nhanh trên internet lại không được đăng trên các báo chính thức kể cả các báo của Thủ đô, mặc dù Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị có quan điểm về thông tin đúng đắn, thấu triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền mở miệng/ thông tin, như Hiến pháp đã qui định. Đây có thể là trường hợp lực bất tòng tâm, chắc rằng Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị và anh chị em Tổng biên tập yêu nước ở nhiều đài báo cũng rất muốn loan tải nhưng sự thao túng có hệ thống của thế lực Z30 sợ sự thật trên lãnh vực cực kỳ sinh tử này còn rất ngoan cố.
Xin cùng nhau đọc lại những dòng sau đây của nhà thơ cộng sản Louis Aragon viết về khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 – năm ra đời của Đảng CSVN:
Không thể bịt miệng một dân tộc
Không thể khuất phục một dân tộc
Bằng lưỡi kiếm đao phủ
Sau 81 năm, lại vẫn một sự ngoan cố mù quáng, mê muội của bạo quyền. Giữa thời đại internet mà lại duy trì quyền lực phi nghĩa bằng bưng bít và ngăn chặn thông tin thì khác gì lấy rổ múc nước.
Hãy cùng toàn thế giới nhìn gương mặt ngẩng cao hiên ngang của Cù Huy Hà Vũ, con trai của nhà thơ cách mạng Huy Cận – Bộ trưởng trong chính phủ Hồ Chí Minh, và nghe vang lên lời tuyên bố dõng dạc của anh giữa phiên tòa phát-xít đỏ: “Lịch sử sẽ phá án cho tôi !”.
Hãy cùng toàn thế giới nhìn giọt nước mắt của người sĩ quan an ninh Việt Nam yêu nước bất đắc dĩ phải cầm dùi cui đứng đối diện với những người Việt Nam yêu nước đang hô to: “Hoàng Sa Trường Sa của Việt Nam!”.
Đừng ngoan cố lao theo ảo vọng đem tiền thuế mồ hôi xương máu của dân mua chuộc một thiểu số sĩ quan an ninh là có thể sai khiến họ sử dụng nổi một lực lượng con em nhân dân lấy dùi cui còng sắt bịt miệng nhân dân.
Dù còn ngoan cố đến đâu, tự bưng tai bịt mắt đến đâu cũng không thể không thấy một trào lưu mở miệng ngày càng mạnh, ngày càng lớn, ngày càng rộng, với tinh thần tích cực chủ động ngày càng cao, với những phương thức ngày càng phong phú linh hoạt sáng tạo, trong xu thế tiến tới, tiến bước nào chắc bước nấy, ngay từ trong lòng tổ chức Đảng (kể cả cấp ủy) và các hội đoàn quần chúng hòa quyện mật thiết với sinh hoạt xã hội dân sự mà nhân dân đang tự hình thành và tự phát triển.
Đà Lạt 15.07.2011
B.M.Q.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét