Liêm sỉ
Liêm sỉ là đức tính của người trong sạch và biết tránh những điều làm cho mình phải xấu hổ. Do nhiều người biết liêm sỉ mà xã hội trật tự, gia đình nền nếp, đạo lý được giữ gìn, việc tốt nhiều hơn việc xấu. Liêm tức là trong sạch, Sỉ- thanh danh, biết xấu hổ, nếu không liêm thì cái gì cũng lấy, không sỉ thì cái gì cũng làm, loại người này bị coi là bọn vô liêm sỉ.
Ngày nay, người đời không coi trọng liêm sỉ cho lắm. Điển hình là nạn tham nhũng tràn lan, muốn làm bất cứ điều gì cũng phải “chạy”, động đến công việc có liên quan đến công quyền là phải “bôi trơn” bộ máy, cán bộ nhà nước mà vòi tiền một cách thản nhiên, còn dân chúng thì không ít người cho rằng việc nó cần phải thế. Họ chỉ cốt được việc, dù phải chi tiền và nguy hiểm nhất là không có nhiều người cho việc hối lộ là xấu. Ai đó bị bắt, bị xử vì chuyện này thì chẳng qua là chẳng may hoặc bị gài bẫy mà thôi.
Không trọng liêm sỉ nên tệ ăn chặn tiền cứu trợ tràn lan, hầu như địa phương nào cũng có. Ăn chặn của người nghèo, của bà con bị thiên tai chưa đủ, thầy giáo ăn chặn tiền của học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cô giáo xà xẻo tiền cứu trợ trẻ em, chủ tịch xã ăn cắp sổ hộ nghèo, tẩy xóa rồi điền tên mình vào đấy… Những hiện tượng này là biểu hiện của sự suy vi đạo lý, rất đáng báo động.
Nạn mãi lộ ngày càng gia tăng ở mỗi “ba-ri-e pháp luật”. “Làm luật” để các phương tiện giao thông vi phạm pháp luật không bị xử lý, “làm luật” để hàng buôn lậu qua cửa khẩu, “làm luật” để gỗ ra khỏi rừng, “làm luật” để kẻ phạm tội lọt lưới pháp luật. Ngay cái từ “làm luật” mà dân gian dùng đã là một sự sỉ nhục với sự thực thi pháp luật chính thống. Mới đây lại sinh ra liên tục cái chuyện vô liêm sỉ là công an đánh phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật ; tệ hơn, cán bộ điều tra tống tình vợ người đang bị điều tra. Với những cách ứng xử trên, đạo lý nào có thể dung được ?
Liêm sỉ ở đâu khi đồng loại gặp hoạn nạn lại trở thành cơ hội để kiếm chác. Người ta xúm lại nạn nhân gặp họa trên đường để móc túi và để cướp giật. Trẻ em và phụ nữ cơ nhỡ, không nơi nương tựa trở thành con mồi béo bở để bán vào nhà chứa và nơi bóc lột sức lao động. Bộ phận nhân dân nghèo khó, ít hiểu biết trở thành đối tượng để lừa đảo xuất khẩu lao động, chiếm đoạt sổ đỏ, bẫy người cơ khổ vào các món nợ ngân hàng.
Các hiện tượng trên đều có những dẫn chứng đầy tính thuyết phục từ thực tế đời sống hôm nay và dứt khoát đó không phải hiện tượng hy hữu và hiếm gặp. Nguyên nhân từ đâu, phải chăng từ một nền giáo dục không coi trọng liêm sỉ ?.
Tác giả : Nhị Ngọc
Nguồn : Báo Pháp Luật Việt Nam, trang Văn hóa-Xã hội
Số 175 (4.601), Thứ Sáu ngày 24-6-2011.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét