Bến Phù Dung
Truyện ngắn Đặng Văn Sinh
(Rút trong tập: Kẻ chiếm dụng thời gian của Thượng Đế)
Được tin ông Quỳnh ốm nặng tôi vội thu xếp công việc về thăm. Nghề của tôi là lái ca nô lai dắt xà lan, chỉ những dịp nghỉ phép hoặc tết nhất mới được ở nhà lâu, còn quanh năm rong ruổi trên khắp các dòng sông, đêm ngày làm bạn cùng mây trời sóng nước. Ông Quỳnh với nhà tôi thật ra chẳng dây mơ rễ má gì nhưng lại có ơn cứu tử. Cái ơn ấy đối với tôi, dù chết cũng không thể báo đáp được. Chuyện xẩy ra khi tôi mới mười một tuổi, hàng ngày thường cùng đám bạn choai choai, cởi truồng, quấn quần đùi lên đầu, cưỡi trâu bơi qua sông sang cồn Láng thả. Dạo ấy đã cuối mùa mưa nhưng nước sông vẫn còn đục ngầu, vỗ oàm oạp vào bờ. Chúng tôi bất chấp những lời răn dạy của người lớn, cứ cho trâu ra bến. Lũ trâu, hàng tháng trời bị buộc trong chuồng, toàn nhai rơm khô, xót ruột, nhìn thấy vạt cỏ xanh bên kia sông,mắt sáng lên, vươn cổ kêu ọ ọ đầy vẻ phấn khích rồi thủng thẳng bước xuống nước. Chưa đầy một khắc, đàn trâu lần lượt tấp lên bờ cát, riêng con Nghênh của nhà tôi, chẳng hiểu làm sao cứ trôi xuôi dòng, hết nhô lên nhô lên lại ngup xuống như là sắp chìm đến nơi. Hoảng quá, tôi kêu toáng lên nhưng có lẽ chẳng ai nghe thấy. Tôi thoáng nghĩ đến thằng Vọt chết đuối năm ngoái ở cống Ba Kèo. Phen này thì hết đời rồi. Vừa nghĩ được đến đấy nước đã xộc vào miệng. Tôi chới với quờ quạng chân tay nhưng không còn chỗ nào bấu víu. Con trâu có lẽ dã bị vực xoáy cuốn đi...
Đến gần tối, tỉnh lại, tôi mới biết mình được cứu sống. Người cứu tôi chính là ông Quỳnh, lúc ấy đang thả lưới trên sông. Ông kể lại, khi thấy đứa trẻ nhấp nhô gần vực Hà Bá, ông vội buông tay lưới, nhảy ào xuống nước nhưng cũng phải mất khá nhiều thời gian mới túm được chân rồi dìu vào bờ cá phía cồn Láng.
Vậy mà đã hai mươi sáu năm.Thời gian đúng là một cỗ máy vô tình, dửng dưng huỷ hoại con người. Vừa nhìn thấy tôi, Ông Quỳnh, giờ đã là một cụ già hom hem, gương mặt hốc hác cố nứt ra nụ cười nhăn nhúm :
- Mệnh của tôi sắp hết nhưng chưa chết ngay được. Trước khi về với tổ tiên, tôi muốn cậu cho xuống thuyền xuôi về bến Phù Dung thăm lại dòng sông.
Tát nhiên là phải chiều theo ý ông già. Tôi mượn được chiếc thuyền gỗ có mui, mang theo ít đồ ăn, và thế là hai bác cháu trở thành những kẻ lãng du trên dòng sông Lăng theo một hành trình hoàn toàn tuỳ hứng. Lúc này đã là cuối tháng chín ta mà thời tiết khá thất thường. Dòng sông đang nhập nhoà trong màn mưa bụi giăng giăng bỗng như loé lên thứ màu ngọc lục khi ánh mặt trời vàng óng xuyên qua lớp mây trắng nõn đang lởn vởn trên chóp cao nhất của dãy Yên Tử xa mờ. Thuyền đi được một quãng khá xa. Ông Quỳnh ngồi ngay cửa khoang, lưng dựa vào cái chăn cuộn lại, mắt đăm ăm nhìn dòng sông. Tôi gần như để mặc con thuyền xuôi dòng, chỉ thỉnh thoảng khoáy nhẹ mái chèo cho nó trôi đúng hướng, còn phần lớn thời gian là ngắm trời ngắm đất, nhất là những vạt ngô non trên bãi sa bồi đang lao xao trong những đợt heo may đầu mùa. Một cặp cò trắng từ bên kia cồn Láng, thả dần độ cao, nhịp nhàng vỗ cánh lướt trên mặt sông như là muốn soi gương trang điểm trước khi đáp xuống cánh bãi bên đầm Vực.
Qua bến Đụn, những con sóng óc ách vỗ vào kè đá bờ bên lở. Thấp thoáng dưới hạ lưu vài ba chiếc thuyền lưới bén mỏng manh với nhịp gõ đều đều, khô khốc chẳng khác gì tiếng gọi bạn của loài cà cộ lúc trời chiều đổ bóng. Ngay trước mũi thuyền, mấy chú le le mỏ xám dập dềnh trên mặt nước màu gạch cua, thỉnh thoảng lại chúi đầu xuống, cái đuôi dựng đứng, ngoáy một vòng, có vẻ như muốn khoe những chiếc lông cườm xanh biếc lóng lánh dưới ánh mặt trời.
Còn lâu mới đến bến Phù Dung. Khúc sông này tự nhiên nở rộng ra. Một con đò dọc chở khách trảy hội đền Vàng cắm lá cờ thần to như cái chiếu bay phần phật. Từ trong khoang thuyền văng vẳng tiếng đàn chầu văn long bong. Ông Quỳnh lặng lẽ ngắm con đò, bất giác chép miệng bảo :
- Ngày trước tôi cũng có hơn chục năm làm nghề này.
Tôi hơi bị bất ngờ, vì vẫn nghĩ, từ sau khi đi khỏi làng, ông bỏ hẳn nghề sông nước .
- Sao bảo bác ra Hồng Quảng là thợ mỏ ?
Ông thẫn thờ nhìn quanh như muốn tìm lại một cái gì đó có thể là những mẩu vụn ký ức đang bị lớp lớp những con sóng nhỏ lăn tăn xô dần vào bờ cát. Ông thở dài gật đầu :
- Phải , nhưng mãi về sau này cơ. Mà thôi, cậu không phải hỏi nữa, để tôi kể...
Vào khoảng giữa năm năm mươi, làng Gành quê tôi vỡ đê, nước ngập trắng cả mấy tổng vùng Tam Xá, chết nhiều người lắm. Sau khi nước rút, đồng điền xơ xác. Đói quá, dân bỏ làng kéo nhau từng đoàn đi ăn mày. Nhà tôi có sáu người thì năm làm mồi cho Hà Bá. Năm ấy tôi mới chớm mười sáu, đang tuổi ăn tuổi lớn, gặp cảnh cơ hàn, khổ lắm.
Theo đoàn hành khất, ngày đêm vật vờ như những bóng ma, thỉnh thoảng chúng tôi lại chứng kiến cảnh một vài người gục xuống đường quan. Họ ngã xuống để rồi không bao giờ đứng dậy nữa. Đi rạc cẳng, độ già nửa tháng thì đoàn khất thực tan tác mỗi người một nơi. Kẻ chết đói, người chết bệnh, số khác đem tấm thân còm cõi dạt vào các làng vùng Ba Tổng làm thuê, chỉ mình tôi lang thang dọc theo triền sông Lăng chẳng có mục đích gì rõ ràng. Ngày thứ ba, rồi cũng đến một bến đò gần ngã ba Môi, vô kế khả thi, tôi đói, đành phải lần ra các bãi ven sông tìm những bắp ngô kẹ còn sót lại sau vụ thu hoạch nướng ăn.
Dưới bến có chiếc đò dọc đã neo mấy ngày chờ hàng. Đó là loại thuyền gỗ không lớn lắm, buồm cánh dơi, chuyên chở hàng nông sản đi khắp các tổng thuộc hạ nguồn sông Lăng. Chủ thuyền là anh Trác, mới khoảng ba chục tuổi mà trông chẳng khác gì ông già năm mươi bởi cái dáng người lòng khòng và mái tóc sớm muối tiêu đầy vẻ phong trần. Cùng đi với anh Trác còn có chị Nhuần và cái Nhuỵ chừng mười một, mười hai tuổi, tóc dỏ như râu ngô. Chị Nhuần là một thiếu phụ còn trẻ, có khi chưa đến hai bảy, người dong dỏng, thắt đáy lưng ong nhưng chẳng hiểu sao chỉ có mỗi mụn con gái. Mọi công việc từ bốc dỡ hàng đến chống sào, bẻ lái, chị làm băng băng, khác hẳn ông chồng hom hem, lúc nào cũng lừ khừ như người vừa ốm dậy. Mãi sau này tôi mới biết, anh Trác bị bệnh suyễn kinh niên. Nghề chạy đò dọc là quá sức nhưng chị vợ ham làm giầu chẳng mấy để ý đén sức khoẻ của chồng.
Dịp ấy đã qua mùa lũ, sắp đến tiết bạch lộ. Cồn Vành phơi màu vàng nhạt giữa ngã ba sông. Đứng trên bến Phù Dung có thể nhìn rõ những vồng khoai mới trồng trên bãi phù sa giữa những bãi cỏ xanh thẫm. Hoa bìm bìm tím và hoa vòi voi lốm đóm giữa đám tầm bóp sai trĩu quả. Quả tầm bóp mọc thành từng chùm đang độ chín, thỉnh thoảng gặp ngọn heo may khẽ đung đưa như những chiếc đèn lồng bọc lụa vàng óng. Hoa bồ công anh hăng hắc như mùi bạc hà nở rộ trên khắp các bãi hoang. Một cây bàng ba tầng tán đứng chơ vơ trên gò đất hình con voi quỳ cao hơn hẳn mặt cồn. Dưới gốc bàng là mấy gian quán cột đá lợp ngói âm dương để vào thời vụ, dân quanh vùng làm đồng nghỉ ngơi tránh nắng. Trên cao tít, vòm trời xanh màu lá non, một con diều đang chao lượn. Con diều khá lớn, được neo bằng dây gai to như sợi thừng, thả vào không gian những âm thanh du dương của chùm sáo kép chẳng khác gì một dàn hoà tấu.
Nằm trên cỏ, gối đầu lên tay nải, bụng lép kẹp nhưng tôi vẫn mải mê lắng nghe tiếng sáo vô cùng quyến rũ từ trên trời vọng xuống. Đang lim dim mắt nghe tiếng sáo vừa thầm ước lượng kích cỡ chiếc diều thì người thiếu phụ, vợ anh Trác từ dưới bến đi lên, liếc xéo tôi một cái rồi hỏi bằng một giọng dửng dưng :
- Cậu đi đâu mà nằm ườn ra thế này?
Tôi trả lời nhát gừng :
- Chẳng đi đâu cả.
- Cậu này nói lạ. - Chị ta nguýt tôi, giọng hơi chua - Bị bố mẹ tống ra khỏi nhà phải không ?
Tôi khịt mũi nhỏm dậy :
- Thích thì nằm đây. Chị đừng có mà ăn ốc nói mò...
Chị Nhuần cười nửa miệng :
- Trông bộ dạng cậu kìa, chắc là đang đói phải không ?
Điều ấy thì chẳng phải bàn cãi. Bây giờ mà có nồi bảy cơm với dúm muối rang tôi cũng đánh bằng hết. Nhưng tôi không thích cái kiểu bắt thóp của người đàn bà xinh đẹp có cặp mắt đầy vẻ giễu cợt kia nên tức mình văng tục :
- Việc đếch gì đến nhà chị mà chõ mồm vào.
Người đàn bà đã toan bỏ đi, chẳng biết nghĩ ngợi thế nào quay lại bảo :
- Hỏi thế vì tôi đang cần người làm. Cậu có muốn đi đò dọc không ?
Tôi nghĩ chị ta chế nhạo mình liền hỏi cộc lốc :
- Làm gì ?
- Chống sào.
Nhìn vào mắt người thiếu phụ lúc ấy tôi có dự cảm chị ta không đùa liền chớp ngay lấy thời cơ trước khi chết đói :
- Chị thuê thật à ?
- Tôi khong nói chơi. - Người đàn bà hất hàm - Thuyền đậu dưới bến kia. Đã hai hôm nay để ý thấy cậu lang thang dọc bờ sông, tôi đoán cậu từ xa đến đây.
- Chị nói đúng. Tôi vùng Kẻ Gành vùng Tam Xá mới bị vỡ đê tháng trước...
Coi như hôm ấy tôi gặp may. Có lẽ lúc ra khỏi làng tôi bước chân phải trước. Công việc khá vất vả. Ngoài chống thuyền những khi ngược nước, tôi còn đảm nhận chức năng cửu vạn, nghĩa là cùng với chị Nhuần, cái Nhuỵ bốc hàng lên xuống mỗi khi thuyền cập bến. Được ăn uống no đủ, sức vóc tôi lại rất nhanh. Chưa đấy nửa tháng tôi đã bê những sọt dưa hấu nặng bốn năm chục cân chạy huỳnh huỵch suốt buổi mà không biết mệt. Chị Nhuần thích lắm bảo :
- Cậu làm ăn tốt lắm, cứ ở đây với anh chị, đừng đi đâu nữa.
Nghề đò dọc thích nhất là những lúc sóng êm, gió thuận. giữa trời nước bao la, con thuyền bồng bềnh, cánh buồm no gió phồng lên ngả màu nâu sẫm dưới ánh trăng thượng tuần. Có khi mặt nước lặng sóng phẳng như tấm gương phản chiếu bầu trời đêm với hằng hà sa ngôi sao xanh mơ hồ từ dải Ngân hà xa xôi. Những lúc thanh nhàn như thế, tôi thường cùng cái Nhuỵ ngồi trên sạp thuyền nhắm ông Thần Nông và con vịt đang lặn ngụp bên bờ sông Ngân rồi khe khẽ cất tiếng hò một điệu hò sông nước. Tiếng ngân nga của hai đứa lọt thỏm vào giữa không gian mênh mông. Ngắm sao chán lại lăn ra ngủ. Có lần ngủ say, thuyền chòng chành, bàn tay tôi vô tình dặt lên ngực cái Nhuỵ. Nó bậm môi lại ( tôi nghĩ vậy vì đây là thói quen mỗi khi nó tức giận ngườikhác), chẳng nói chẳng rằng, hất mạnh ra rồi chui vào khoang. Vì chuyện ấy, Nhuỵ giận tôi mất mấy ngày, thanh minh thế nào nó cũng không nghe.
Khổ nhất là những khi ngược nước, gió trái chiều, tôi phải quàng thừng vào vai, chân trần, khom lưng kéo con thuyền nặng nề nhích dần từng bước theo triền sông. Dấu chân có ngón cái choãi ra của tôi in hằn trên lớp phù sa đỏ, dẻo quánh như nhựa đường. Dưới thuyền, anh Trác tỳ sào vào vai, chạy từ mũi đến lái, dùng hết sức bình sinh, có khi cong cả con sào. Giong thuyền ngược nước mệt lắm. Nhiều lúc thấy chồng đuối sức, chị Nhuần phải làm thay. Chị cũng đặt đầu sào vào hõm vai, ngay phía trên bộ ngực đồ sộ, đẩy thuyền một cách kiên nhẫn. Tôi cho rằng cặp vú của chị có khả năng đàn hồi tuyệt vời. Nó giống miếng đệm lò so làm chị ít cảm thấy đau. Nhưng thật ra không phải thế. Buổi tối, trước khi đi ngủ, chị thường lấy rượu ngâm củ gấu tàu bôi khắp vùng ngực rồi lặng lẽ xoa bóp. Sau này tôi mới hiểu, bất cứ thứ gì đụng chạm vào vú đàn bà cũng đau trừ bàn tay đàn ông và bé em bú mẹ.
Từ khi tôi thành người làm công, khoang thuyền chật hẹp được chia làm hai ngăn bằng một vách thưng có thể tháo ra một cách dễ dàng. Cái Nhuỵ nằm ngủ với mẹ, tôi và anh Trác nằm ngoài. Những đêm mưa phùn gió bấc, anh Trác vào với chị Nhuần, cái Nhuỵ lại nhoai ra nằm bên tôi. Lúc phía trong có tiếng lịch kịch rồi chị nhuần khẽ rên rỉ giống người bị bóp cổ thở hổn hển, cái Nhuỵ làm như mê ngủ ôm cứng lấy tôi. Tôi sợ lắm nhưng cũng giả vờ ngủ say, có điều người nóng ran, tim đập thon thót. Một lúc sau anh Trác chui ra, hai đứa vôi rời nhau.
Thời gian thật nhanh, thầm thoắt đã năm năm trôi qua. nghề sông nước và cuộc sống nay đây mai đó khắp các xứ đông đoài đã biến tôi thành một gã lắm mơ mộng hão huyền và thích phiêu lưu. Nhuỵ cũng trở thành thiếu nữ lúc nào không hay. Cô có làn da hơi sẫm màu của dân vạn đò, cặp chân mày rộng và cái mũi dọc dừa rất thanh nhưng không xinh bằng mẹ. Chị Nhuần thì trái lại, cặp mắt bồ câu đen và sâu như không có đáy. Quanh năm gội nắng gội mưa mà nước da vẫn mịn màng chẳng khác gì một phụ nữ tỉnh thành quen nếp sống đài các, bỗng chốc hoá thân thành bà chủ đò dọc đi khắp các bến bờ tìm người trong mộng. Khác với chị em cùng lứa, chị nhuần không nhuộm răng đen. Hàm răng chị đều tăm tắp, trắng bóng như men sứ. nét cười của chị lúc nào cũng dịu dàng nhưng bí ẩn thoáng chút giễu cợt luôn làm cánh đàn ông xao xuyến. Là con gái mà Nhuỵ bơi giỏi hơn cả tôi. Cô ta lặn ngụp dưới sông như rái cá. Mỗi khi từ dưới nước ngoi lên, mái tóc dày bết lại, nhờn nhợt thứ phù sa non, trông chẳng khác gì đám rễ bèo tây ở vùng cửa sông. Tính Nhuỵ có phần bộc tuệch, gặp gì nói nấy, giống hệt anh Trác, chẳng để bụng giận ai lâu, thế mà một lần tôi vẫn bị mắc lừa. Chuyện xảy ra vào đầu mùa lũ năm Mùi. Chúng tôi chở bí xanh từ bến Tràng xuống mãi vạn chài Hải Tân. Thuyền đỗ nửa ngày ở ngã ba chợ Cháy để chị Nhuần lên bờ lấy tiền hàng. Anh Trác mệt nằm trong khoang. Nhuỵ nấu cơm xong bảo tôi :
- Anh Quỳnh câu mấy con cá chốc rán ăn, em tắm một cái.
Nói rồi cô nhảy xuống sông. Tôi mải nhìn theo vệt tăm một con cá vừa nháy mồi, đến khi ngẩng lên thì không thấy Nhuỵ đâu cả vội quẳng cần câu nhảy xuống nước. Thật may, chỉ với bốn năm cú nhoài tôi đã tôi đã túm được cô gái lúc này đang lập lờ cách thuyền một đoạn không xa. Vốn dã có kinh nghiệm trong việc cứu người chết đuối, tôi để Nhuỵ gối đầu lên vai, vòng tay ngang bụng rồi dìu về thuyền. Gió đã bắt đầu mạnh lên. trời nằng gắt. Đầu cô gái cứ ngặt nghẽo theo nhịp sóng lưỡi búa."Chắc là uống nhiều nước, phải bơi thẳng vào bờ, vác ngược lên vai, chạy một đoạn thì may ra mới cứu được". Tôi vừa thoáng nghĩ đến đó thì bất ngờ Nhuỵ ngẩng đầu lên, oằn người tuột khỏi tay tôi rồi lặn một mạch. Tôi nhoài theo định túm lấy chân mà không kịp. Chỉ một loáng cô ta đã ngồi trên kè đá, vừa vuốt mớ tóc dính nhớp nháp phù sa vừa bĩu môi vẻ cong cớn :
- Tưởng người ta chết đuối hả ? Còn lâu nhá !
Tôi cũng leo lên ngồi bên cạnh, lấy ngón tay ấn vào trán Nhuỵ đe :
- Lần sau mà rơi xuống sông đừng hòng anh đây cứu.
Nhuỵ cười để lộ chiếc răng khểnh bị sứt một miếng ở hàm bên trái trông rất nghịch ngợm :
- Đùa một tí xem tấm lòng "người ta" thế nào thôi chứ con gái nhà đò chết đuối làm sao được.
Xem ra chuyện của chúng tôi không qua được mắt vợ chồng anh Trác. Anh Trác có ý muốn tác thành nhưng chị Nhuần thì hầu như chẳng có thái độ gì. Cách đây mấy ngày, lần chở khoai sọ đi Thủy Nguyên, có một ông ký hoả xa cùng quê Kẻ Sung đánh tiếng muốn hỏi Nhuỵ cho cậu con trai út. Biết chuyện, cô ta giãy nảy lên, doạ sẽ nhảy xuống sông tự tử nếu bố mẹ ép duyên. Chị Nhuần tức mình bảo :
- Con với cái. Cá không ăn muối cá ươn. Mày định suốt đời làm dân vạn đò à?
Cô con gái gật đầu, giọng thản nhiên như không :
- Con nói thật đấy.
Nhưng rồi ít lâu sau có chuyện xảy ra. Chuyến ấy thuyền chở đầy dưa hấu Sài Sơn, chúng tôi rời bến được nửa ngày thì một cơn bão bất ngờ ập tới. Đó là cơn bão năm Thân. Lúc bấy giờ là cuối giờ Mùi. Gió xoay hướng tây nam, giật đứt dây neo, đẩy thuyền nghiêng ngả. Cơn bão ngày càng mạnh mà chỉ lác đác vài hạt mưa. Loại này vùng quê tôi gọi là bão khan, sức tàn phá rất ghê gớm. Nước sông mỗi lúc một lên cao vì mấy ngày trước có mưa lớn ở thượng nguồn. Con thuyền lừ lừ trôi như người lên đồng mà không có cách gì hãm lại được. Các mái chèo và con sào đều vô dụng trước dòng nước xiết, chảy cuồn cuộn như thác. Bỗng "rắc", bánh lái bị gẫy. Thuyền lệch hẳn về một bên. Chị Nhuần và Nhuỵ định ném dưa xuống sông, anh Trác vội quát :
- Không được ném! Ném hết là thuyền bị lật.
- Làm thế nào bây giờ ? - Chị Nhuần mặt tái nhợt, hét toáng lên mà tiếng vẫn bị chìm trong những âm thanh rùng rùng của bão.
- Mẹ mày chống sào, cậu Quỳnh với cái Nhuỵ chèo cho đều tay để tôi bơi vào bờ ròng dây kéo.
- Không được ! Nguy hiểm lắm. - Chị Nhuần xua tay.
- Còn hơn chết cả nhà. - Anh Trác vừa quát vừa phẩy tay - Cậu lấy sào thăm độ sâu, nếu chạm đất phải cố ghì để mũi thuyền hướng vào bờ.
- Để em xuống kéo dây. Nước chảy xiết lắm, anh không bơi được vào bờ đâu.
- Đừng có coi thường tôi. - Anh Trác khoát tay bảo - Cậu lo phần việc của mình đi.
Tôi chưa kịp giữ lại, anh Trác đã lao khỏi mạn thuyền, lập tức bị dòng nước nuốt chửng, càng cố vùng vẫy càng bị đẩy ra giữa sông. Nhìn kiểu bơi chủa anh tôi biết thế là gay rồi, vội nhảy xuống nắm sợi chão, nhắm mắt lặn một hơi bơi ngược nước. Con thuyền vẫn lắc lư, giống hệt một gã đàn ông cao lênh khênh, quần áo tả tơi, say rượu nhưng tốc độ có phần chậm lại vì tôi đã kéo được mũi vào vùng nước nông, sau đó ra hiệu cho mẹ con chị Nhuần giong vào cồn Vành. Gần một giờ lặn ngụp mệt nhoài tôi bị trôi xuống tận cống Cổ Tân mà vẫn không tìm thấy người chủ thuyền. Cơn bão hoành hành suốt đêm hôm ấy, mãi gần sáng mới dịu đi. Bão tan thì trời bắt đầu đổ mưa, một trận mưa đền cây kéo dài ba ngày liền. Sáng hôm sau, cánh thuyền câu phường Hải Tân tình cờ vớt được anh Trác ở bến đò Vạn Điền. Mẹ con chị Nhuần để anh ở nghĩa địa vạn chài Cổ Cháy. Nhờ kinh nghiệm của anh, thuyền không bị lật mà vẫn giữ được mấy chục sọt dưa. Nhiều nhà mất cả người lẫn của vì quẳng hàng xuống sông.
Anh Trác mất đi, chị Nhuần xọp hẳn chẳng khác gì người mắc chứng hậu sản sài mòn. Thấy gia cảnh như vậy, ở lại không tiện, tôi nói với bà chủ xin đi nơi khác. Chị Nhuần cười nhạt bảo :
- Năm sáu năm qua, chúng tôi vẫn coi cậu như người nhà, giờ không may gặp vận hạn chẳng lẽ cậu lại nhẫn tâm bỏ đi ?
Tôi lưỡng lự một lúc rồi hỏi :
- Nghe nói chị sắp bán thuyền, hai mẹ con vè Kẻ Sung.
Chị Nhuần lắc đầu :
- Lúc anh ấy mới mất, đâm quẫn cũng có ý định như thế nhưng giờ nghĩ lại, tôi đã quyết tiếp tục chạy thêm một thời gian nữa , mong cậu ở lại.
Vậy là tôi thành người đàn ông duy nhất trong con đò dọc. Cô Nhuỵ mặt tươi rói, luôn tìm cơ hội ở bên tôi, nhất là những dêm sáng trăng đò xuôi dòng, tôi thay chị Nhuần cầm lái. Sau này tôi mới biết, thực ra chị Nhuần là người đàn bà lọc lõi, nhìn thấy dáng vóc vạm vạp cùng với cung cách làm ăn tháo vát của tôi, hình như trong lòng đã toan tính một kế hoạch lâu dài nhằm cột chặt tôi vào nghề sông nước.Ở tuổi ba mươi nhăm, sức sống còn đang hừng hực bởi thể chất sung mãn và nhu cầu xác thịt bị dồn nén nhưng ông chồng lại ốm yếu quanh năm, làm cho rất nhiều đêm người đàn bà goá trằn trọc trong khoang thuyền với những tiếng thở dài não ruột.
Không bao giờ bằng lòng với những cái đã có, chị luôn thả hồn vẩn vơ nghĩ đến vô số cuộc tình lãng mạn đầy sắc thái liêu trai do mình tưởng tượng ra. Căn bệnh hoang tưởng của chị mỗi ngày một nặng thì tình cảm mẹ con đối với Nhuỵ ngày một nhạt đi. Hễ thấy tôi và Nhuỵ ngồi bên nhau là chị không chịu được. Nỗi bực tức cứ ngấm dần vào cơ thể, tựa như lòng hận thù khiến chị luôn nhìn chúng tôi bằng con mắt cảnh giác. Lần ấy, ở bến Tràng chị Nhuần bảo con gái :
- Hôm qua mẹ gặp bà Ký Thuần ở chợ Đào, bà ấy bảo đầu tháng tới sẽ nhờ người đến thưa chuyện...
Nhuỵ chẳng để mẹ nói hết câu đã giãy nảy lên như bị ong châm:
- Con đã bảo là không lấy chhòng, u đừng có ép.
Bà mẹ cố tìm cách thuyết phục :
- Nhà người ta ruộng cả ao liền, khối đứa nằm mơ cũng chẳng được, thế mà mày còn õng ẹo. Tao thật không hiểu...
- Con chả tham giàu, chỉ thích chở đò dọc.
Gần đây, thỉnh thoảng hai mẹ con lại nhấm nhẳng với nhau như vậy, chẳng bên nào chịu bên nào. Chị Nhuần mặt khó đăm đăm, suốt ngày thở ngắn than dài.
Tôi nhớ hôm ấy vào cuối tháng tám, chúng tôi nhận chở một chuyến cau của bà Lái Đô đi chợ Bồng. Chị Nhuần bảo :
- Chuyến này xuôi gió lại nước ròng, mẹ với anh Quỳnh đi cũng được. Mày đến nhà bà Cả Lễ ở Báng Hạ lấy nốt nợ rồi ra đây đóng hàng. Ba hôm nữa thuyền sẽ về.
Buổi chiều, lúc ghé thuyền vào bến Đoan, trong khi chờ hàng, chị Nhuần bảo :
- Con Nhuỵ trẻ người non dạ, nói không nghe. Tôi nghĩ chỉ có cậu mới khuyên bảo được em nó. Đây là một dám tốt. Nhà bên ấy nền nếp lắm. Hãy giúp tôi.
Thật là ngón đòn cao tay cả người đàn bà từng trải. Tôi ngẫm nghĩ một lúc rồi cũng phải gật đầu :
- Tôi hiểu rồi, ngày mai tôi sẽ đi...
Chị Nhuần xua tay, giọng không được mach lạc lắm nhưng xem ra có vẻ thành thực :
- Cậu hiểu sai rồi. Tôi không muốn con bé theo đuổi cái nghề đò dọc đầy bất trắc nhưng cũng lại không muốn mất cậu. Thuyền này phải có một người đàn ông làm chủ.
- Tôi chỉ là anh chân sào, chị nói thế là có ý gì ?
- Sao cậu chậm hiểu thế...?
Chị nhìn tôi bằng ánh mắt rất lạ. Thú thực, lúc ấy tôi thấy chị đẹp lắm, đẹp hơn cả những cô gái mười tám đôi mươi chưa chồng hay ra bến Phù Dung giặt áo. Đêm nằm thao thức nghe nước óc ách vỗ vào mạn thuyền, tôi nghĩ đến anh Trác hom hem bỏ mạng trong cơn bão, nghĩ đến cảnh vô gia cư của mình, cuối cùng nghĩ đến Nhuỵ với chiếc răng khểnh và những trò dùa tinh quái của cô. Đó là một đêm mùa thu bình yên. Thỉnh thoảng một ngọn heo may lang thang trên sông khẽ chạm vào da thịt qua lần áo mỏng làm ta có cảm giác se lạnh. Những giọt sương càng về khuya càng ẩm ướt, khẽ khàng đậu xuống mui thuyền. Không gian lúc này vừa mênh mông vừa huyền ảo. Những giọt sao xanh biếc, nhỏ li ti như hàng triệu triệu chiếc cúc xà cừ, nhấp nháy trên vòm trời trong suốt. Từ đâu đó văng vẳng tiếng sáo diều, lúc gần lúc xa có vẻ mơ hồ, khác hẳn thứ âm thanh trong trẻo của chùm sáo kép trên chiếc diều khổng lồ mà cách đây sáu năm tôi từng được nghe khi còn là gã trai lang thang đói khát nằm trên thảm cỏ ven đê.
Vào lúc tôi thiu thiu ngủ thì chị nhuần từ khoang trong chui ra nằm bên cạnh. Khi ấy, nói thật với cậu, có là thằng ngu mới không biết người phụ nữ góa chồng nhưng vẫn còn xuân sắc này muón gì, bởi chính toàn thân tôi cũng dang rạo rực như là đang lên cơn sốt. Một ý nghĩ thoáng qua, hay là mình cứ chiều chị ta, chẳng những không mất gì mà có khi còn được nhiều là khác. Tôi run run lấy hết sức bình sinh, vừa đặt tay lên ngực người đàn bà thì bỗng nhiên, từ trong đêm đen có dải sáng lờ mờ như ánh lân tinh, gương mặt anh Trác hiện về, phía sau thấp thoáng mái tóc ướt đẫm phù sa của Nhuỵ. Những ham muốn xác thịt bỗng chốc tan biến, tôi ngồi dậy lặng lẽ trèo lên mũi thuyền, mặc cho chị Nhuần khóc tức tưởi vì bẽ bàng. Suốt chặng đường còn lại chẳng ai nói với ai một lời. Tôi cắm đầu chèo, thỉnh thoảng làm một động tác rất thừa là kéo dây buồm mặc dù thuyền đang ngược gió. Chị Nhuần cầm lái, cần tôi làm việc gì thì lấy tay ra hiệu.
Chiều hôm thứ ba, Nhuỵ đóng xong hàng, đang chờ trên bến. Thuyền thả neo. Tôi bắc tấm ván làm cầu rồi nhảy lên buộc dây xích vào cọc. Nhìn thấy thái độ của mẹ, Nhuỵ chẳng hỏi han gì cứ lẳng lặng bốc hàng. Tôi như người mắc chứng mộng du, hùng hục khuân từng sọt dưa lớn, mỗi khi cô ấy hỏi đều trả lời một cách miễn cưỡng. Hàng xếp xong, chị Nhuần đứng thẫn thờ trên bến một lúc rồi xuống thuyền bảo Nhuỵ :
- Chuyến này mẹ không đi dược vì còn phải về Kẻ Sung đón ông Phó Mạc ra sảm lại thuyền. Con với anh Quỳnh bảo nhau mà làm ăn cho thông đồng bén giọt, ít bữa mẹ về.
Lúc ấy có thể Nhuỵ còn quá vô tư chưa biết chuyện gì đã xảy ra, nhưng khi tôi nhìn vào đôi mắt buồn mờ đi vì ngấn lệ của người thiếu phụ thì có dự cảm chị không bao giờ trở lại bến Phù Dung nữa.
Sáng hôm sau thuyền ngược lên chợ Tam giang, qua lạch Kinh Dương bị mắc cạn phải ở lại mấy ngày. Cuối tháng, khi chúng tôi cập bến Tuần thì không thấy chị Nhuần ra đóng hàng như đã hẹn. Nghĩ rằng mẹ ốm, Nhuỵ bảo tôi trông thuyền rồi về Kẻ Sung nhưng ngôi nhà tranh hai gian gần chùa Từ Vân cửa vẫn đóng im ỉm, không thấy người đâu. Đến làng Ngô Đồng bên ngoại cũng bặt vô âm tín. Ở đấy chẳng có ai ngoài bà dì họ xa lắc xa lơ lại nghễnh ngãng, suốt ngày chỉ lảm nhảm hát mỗi một điệu "gà rừng" rè rè giống hệt tiếng cặp chũm choẹ mẻ đập vào nhau. Nửa tháng đi khắp các nơi họ xa họ gần, Nhuỵ về, mặt mũi đen sạm, tóc cứng như rễ tre, nhăn nhó :
- Không thấy đâu cả. Ngày mai ta bốc hàng rồi cho thuyền xuống chợ Cháy, vào khu Vạn Chài xem sao.
Tôi lẳng lặng gật đầu chiều theo ý Nhuỵ nhưng trong thâm tâm không mấy tin tưởng ở những chuyến đi vô vọng của cô. Đã làm kiếp người, mấy ai tránh được cảnh tử biệt sinh ly. Có điều, bởi phận làm con, vì xót tình máu mủ mà Nhuỵ không biết rằng, trên đời, có những thứ mất đi thà không tìm được lại hơn. Với những người như chị Nhuần, đã một lần tay nải gió đưa khó có thể trở về bến cũ. Chị vốn lắm mộng mơ, lúc nào cũng sống bằng những ý tưởng lãng man. Một con thuyền chật chôi và đầy ắp những kỷ niệm buồn không thể giam chân chị suốt đời. Chị đẹp lắm. Đẹp và đầy cá tính. Hãy tha thứ cho tôi, vì thật ra tôi cũng chỉ là thằng hèn, không dám vượt qua giới hạn của thứ suy nghĩ tầm thường để đáp lại tấm tình của chị.
Rồi cũng đến lúc tôi ngỏ lời cầu hôn với Nhuỵ. Giờ đây cả hai đứa đều không còn cha mẹ, họ hàng thì xa, chuyện trăm năm đều nhờ vào anh em vạn đò. Đám cưới không có công đoạn đưa đón dâu nhưng cũng linh đình chẳng kém gì các hôn lễ làng quê. Chiếc thuyền hạnh phúc của chúng tôi treo đèn lồng đỏ, kết hoa sáng lung linh, từ từ dạo trên sông. Dây pháo hồng treo phía mũi thuyền nổ rền. Xác pháo rực rỡ như hoa đào ngày tết rơi lả tả xuống mặt nước phù sa.
Ăn tết xong, chúng tôi tiếp rục lênh đênh trên con thuyền mới sửa lại hồi cuối tháng một, hết xuôi lại ngược theo những hành trình dài ngắn khác nhau khắp các triền sông Yên, sông Vệ, sông Lăng. Cữ tháng bảy ta, đang mùa nước lũ, thấy Nhuỵ bụng đã to, đi lại có vẻ khó khăn, tôi bàn :
- Mình sắp sinh con, không thể làm việc nặng, phải thuê thêm một chân sào phụ với tôi.
Nhuỵ bảo :
- Cái đó tuỳ mình, bây giờ mình là chủ thuyền kia mà.
Tôi ngẫm nghĩ một thoáng rồi chợt nhớ ra liền bảo :
- Mấy hôm trước tôi để ý thấy có thằng bé choai choai cỡ mười ba mười bốn vẫn khuân hàng cho các bà buôn chuối xuống bến, hay là ta bảo nó?
Nhuỵ thoáng cau mặt :
- Không nên. Thuyền chúng mình phải tìm một người đứng tuổi, thạo nghề sông nước, rước cái đám trẻ ranh ấy về là hỏng việc.
Bị chạm nọc vì một liên tưởng bất chợt về thân phận của mình ngày trước, tôi đâm tự ái :
- Nhuỵ nói gì thế ?
Cô ấy lặng lẽ nhìn dòng sông, nơi những con sóng lô xô đang đuổi nhau dưới làn mưa bụi, giọng có phần dịu xuống :
- Là vì tôi không muốn sau này phải theo gương mẹ ra đi...
Thì ra Nhuỵ đã biết. Từ trước đến giờ tôi vẫn nghĩ cô ấy vô tâm.
Nhưng cũng vào thời gian ấy, nhà nước ra sắc lệnh thành lập các hợp tác xã vận tải thuỷ, thay cho kiểu làm ăn cá thể, vốn là nguồn gốc của mọi sự đói nghèo, để tiến lên chủ nghĩa xã hội, hạnh phúc, phồn vinh. Được chừng hai năm thì hợp tác xã Tiền Tiến làm ăn thua lỗ phải tự giải tán. Riêng ông chủ nhiệm, do có thành tích xuất sắc tuyên truyền tính ưu việt của phương thức làm chủ tập thể, được Đại hội đảng bộ bầu vào huyện uỷ, giữ chức trưởng ban Tuyên huấn. Có điều, hơn bảy chục chiếc thuyền, vốn là mồ hôi nước mắt cả đời của dân vạn chài, giờ trở thành những đống gỗ mục, nằm dãi nắng dầm mưa ngoài bãi sông. Và tất nhiên, cái tinh thần làm chủ tập thể từ trên trời rơi xuống ấy cũng tan theo bọt nước. Bỗng chốc trở thành trắng tay, chúng tôi dắt díu nhau về làng Cùa xin một chân chở đò ngang. Ở với nhau được ba mặt con, gia đình đang êm ấm, bỗng nhiên một lần đi chợ Ga về, Nhuỵ bị cảm đột ngột rồi qua đời lúc mới sang tuổi bốn chín.
- Thế các anh các chị ấy bây giờ...?
- Mỗi đứa một nơi nhưng được cái đứa nào cũng có công ăn việc làm tử tế chứ không lênh đênh như bố mẹ ngày trước.
- Vậy là từ bấy đến nay bác vẫn không gặp lại bà Nhuần ?
- Không, nhưng tôi suốt đời mang ơn bà ấy.
Trời dã xế bóng. Tôi cho thuyền đi chậm lại. Nhìn thấy cây đa cổ thụ thấp thoáng trên bờ, ông chỉ tay bảo :
- Phải rồi, đây là bến Phù Dung.
- Để cháu ghé thuyền vào cho bác lên.
- Không cần đâu. - Ông nhẹ nhàng bảo - Cậu đỡ tôi ra mũi thuyền một lúc là được.
Về thăm lại chốn cũ, ông già có vẻ xúc động lắm. Ông nhìn đăm dăm lên cây đa và dãy quán liêu xiêu nhuộm đỏ ráng chiều, bất giác bật tiếng thở dài ;
- Ngày trước bà ấy cũng ra đi vào một buổi chièu như thế này...
ĐVS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét