Bài đăng phổ biến

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

TỰ DO THĂM VÙNG "TỰ DO"

TỰ DO THĂM VÙNG “TỰ DO”
          Nhóm cựu binh Sư đoàn 338 mời tôi tham gia chuyến thăm SaPa, Điện Biên, Sơn La và Hòa Bình, bằng nguồn kinh phí “tiền đóng, gạo góp”.
            Cả đoàn vẻn vẹn có 23 cựu binh, với lái xe nữa, vừa tròn bốn mâm.
            Sáu giờ tối bắt đầu xuất phát từ thành phố quê hương, xe chạy suốt đêm, đến 5 giờ 30’  hôm sau đến Lào Cai. Đoàn vào chùa Lào Cai “Lễ trình” cho cả chuyến tham quan.
            Tới SaPa khoảng 9 giờ sáng, nhận phòng nghỉ, ăn sáng rồi tự do thăm phố hay vào chợ  mua sắm tùy ý.
            Ôi ! Ở SaPa có thể nói “Trên trời, dưới thuốc nam, thuốc bắc”, cơ man nào là thuốc, mặc sức mua, đủ các loại thuốc : Túi to, túi nhỏ ; theo nhãn ghi thì có thể chữa được “bách bệnh”. Việc mua bán khác mọi nơi, ở chỗ : Các túi thuốc ghi chữa các loại bệnh, đều là thảo dược.. không hề có bất kỳ cơ quan chức năng nào kiểm định. Thỏa thuận giá xong, nhận thuốc, trả tiền.. đều được trả lời : “ Không có hóa đơn thuế”.. chúng tôi đều nộp “thuế khoán”.. gọi là “đã nộp thuế”.
            Buổi chiều, cả đoàn leo núi Hàm Rồng vãn cảnh. Cảnh đẹp hữu tình do thiên nhiên tạo nên, kết hợp với bàn tay tạo hóa của con người.. kể thì cũng.. đáng ghi nhận. Chẳng có hướng dẫn viên, thuyết minh nào đi cùng.. giá vé vào thăm “hơi mềm”..có 20.000 đồng/ người.

                                                                             
            Tiếp đó, cả đoàn “lội bộ” thăm bản Cát Cát, cách SaPa 8 cây số đường dốc (khu định cư của người dân tộc thiểu số). Nơi đây, không có bất kỳ danh lam, tháng cảnh nào, ngoài thác nước và những vùng ruộng bậc thang.
Trước khi vào thăm địa danh này, mỗi người mua vé “chỉ có” 20.000 đồng (do Công ty cổ phần Cát Cát bán). Mọi người tự đi.. tự về, không có hướng dẫn viên du lịch hoặc thuyết minh.. Ai cũng nhìn thấy nhiều cối giã gạo cổ lỗ, sử dụng nước khe núi dẫn vào ; khu lò rèn thời xưa, khung cửi dệt lanh thời địch tạm chiếm.. Điều “vui nhất” được chứng kiến cảnh trẻ em người dân tộc đứng rải rác ven đường xin tiền khách vào thăm.. Lạ là, chẳng biết ai dạy mà trẻ nào cũng nói rất sõi câu tiếng Anh “Cho xin một đô la”.. khiến nhiều khách và người nước ngoài.. lúng túng (bởi không cho tiền là bị chúng chửi bằng tiếng dân tộc).
Từ nơi bán vé, xuống đến bản Cát Cát, đường dốc thoải xuống vực sâu, quanh co, uốn lượn, càng đi càng “mỏi gối”. Không ít người buộc phải đi xe ôm của các “cảm tử” luôn sẵn.. mời chào, với giá rẻ “bất ngờ”; đi khoảng cây rưỡi số đường rắn bò, “chỉ” phải trả 10.000 đồng/ người với xe chở thêm hai người. Khi từ bản Cát Cát trở về SaPa, buộc mọi người phải đi xe ôm chở đôi, vì đoạn đường chỉ khoảng ba cây số, nhưng quá dốc, trong khi người đã thấm mệt, không sức nào “chịu trận” được nữa. Giá cả tùy theo từng cặp, và “chỉ có” từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng/ người.
Chẳng ai “quản” đội ngũ xe ôm “cảm tử”.. chỉ cần gặp “sự cố” là cả “cảm tử” lẫn hai khách ngồi sau xe, lộn tùng phèo xuống vực sâu – Ôi ! hú vía.
Tối đến, mọi người ra “chợ tình” SaPa, xem người dân tộc hát lượn “mời bạn tình.. trăm năm”. Chẳng ai quản lý nốt.. ngôn ngữ bất đồng.. tự do.. và tự do hết chỗ nói..
                                                              
Ngày hôm sau nữa, cả đoàn vượt gần 400 cây số đường đèo, dốc, quanh co, hiểm trở sang Điện Biên. Đi từ sáng sớm mà 4 giờ chiều mới tới nơi. Ai nấy mệt phờ. Ăn uống xong, kiếm nhà nghỉ là mọi người chỉ còn biết.. đi ngủ.
Sáng dậy, vào thăm di tích Hầm Đờ Cát bại trận.. chiếc xe tăng bị bắn cháy.. nghĩa trang Điện Biên.. Bảo tàng chiến dịch Điện Biên Phủ.. đồi A1..  Tượng đài chiến thắng Điện Biên. Ở những khu di tích này, vào đâu cũng phải mua vé tham quan, từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/ người ; nhưng chẳng nơi nào có hướng dẫn viên và thuyết minh, trừ Bảo tàng chiến dịch.. được “ưu ái” do một thiếu nữ (chắc mới học ra trường), thuyết minh khoảng 40 phút giá 200.000 đồng.. nói vấp.. nói lắp đến cả chục lần..
Riêng thăm tượng đài chiến thắng Điện Biên : Đúng là công trình thế kỷ.. đồ sộ.. tốn kém.. được tự do.. vào, tự do.. ra. Ở đây thợ chụp ảnh nhiều ngang với khách tham quan.. chụp ảnh xả láng.. giá rẻ bất ngờ “chỉ có” 20.000 đồng/ kiểu.
Công trình mới hoàn thành được hơn một năm, nhưng nhiều chỗ gạch lát nền đã bong tróc. Tượng đài to đẹp, được đúc bằng loại đồng gì không rõ, ở các khớp nối thấy “vui mắt” là rỉ đồng xanh lè đã xuất hiện khá nhiều chỗ.
Đoàn cũng được vinh dự vào thăm căn cứ Mường Phăng, nơi đặt Sở chỉ huy chiến dịch lịch sử Điện biên Phủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ tham mưu (cách tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp chưa đến 10 cây số đường chim bay). Đúng là thần tốc.. bất ngờ.. chi tiết.. cụ thể.. và thành quả của đầu óc chiến lược, chiến thuật...

                                                                   
Ngày kế tiếp, cả đoàn vượt gần 300 cây số xuôi về Sơn La. Ở đây, đoàn vinh dự được vào thăm Nhà tù do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1937, trừ một số hiện vật và hầm ngầm nhốt tù chính trị, phần nổi hiện đã trở thành phế tích quá nhiều. Cây đào do đồng chí Tô Hiệu trồng, do thiếu chăm sóc, đã “từ trần”.. được trồng thay thế bằng cây đào.. khẳng khiu. 

                                                                        
Điều đặc biệt đối những ai quan tâm là : Nhà tù do thực dân Pháp xây dựng, giam cầm những người hoạt động cách mạng, người yêu nước hoặc che dấu cán bộ.. Trong phần hiện vật của di tích, có ba cuốn sách tư liệu ghi lại 972 cán bộ cách mạng giữ các chức vụ từ tỉnh ủy trở lên, bị bắt, cầm tù tại đây.. Như vây, những người yêu nước khác hoặc chỉ là người che dấu cán bộ.. bị bắt, cầm tù thì chẳng có tên một ai.. Ôi ! ngay cả ghi nhớ những người bị Pháp bắt, cầm tù.. mà đã có sự.. phân biệt đối xử (Anh bạn đi cùng tôi có bố là công an xã, bị bắt, bỏ tù tại đây, bị Pháp đánh chết tháng 7 năm 1948.. hai người chúng tôi cùng tìm mỏi mắt.. chẳng thấy ghi tên ở quyển sách tư liệu nảo ?!).

                                                            
Ghi nhớ nhất là khi đoàn vào thăm Nhà máy thủy điện Hòa Bình : To.. đẹp.. vĩ đại.. kho báu của đất nước. Thuyết minh tại ba nơi khách vào thăm.. rất hay, cụ thể từng con số... nói lên sự vĩ đại.. của nhà máy thủy điện này.. Cũng bõ với giá vé vào thăm là 500.000 đồng cho cả đoàn...
Ghi lại đôi dòng về chuyến tham quan ở bốn tỉnh. Nhâm nhi cho vui đời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét