Bài đăng phổ biến

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

TRUYỆN CỔ TÍCH "ÔNG VUA TAI LỪA" VÀ...

Truyện cổ tích “Ông vua tai lừa” và Internet
                                                                               Hạ Đình Nguyên
                                                                

Thuở xa xưa, chưa từng có chất độc dioxin gây đột biến dị dạng nơi cơ thể con người, thế mà vị Vua của một Vương quốc nọ, có đôi tai bỗng dưng biến dạng thành đôi tai của con lừa, đầy lông lá, dài ngoẵng, trông rất xấu xí. Dĩ nhiên ông giấu kín, không cho ai biết, từ Quan trong Triều đình cho đến thần dân của Vương quốc, chỉ trừ một người là ông thợ hớt tóc cho Vua.
Người thợ hớt tóc biết rằng đây là một bí mật rất hệ trọng liên quan đến mạng sống của mình, nếu nó bị tiết lộ. Giữ mãi điều kín trong lòng, ông cảm thấy bất an. Một ngày kia, không chịu nổi nữa, ông bèn đi vào rừng, chọn một hang đá hoang vu, vào bên trong và hét lớn nhiều lần:
 “Ông vua tai lừa! Ông vua tai lừa!...” cho đến lúc khản cổ và cảm thấy hết ức chế, mới chịu quay về. Ông tiếp tục làm công việc hớt tóc cho Vua và giữ kín điều bí mật như mũi kim châm trong lòng. Thỉnh thoảng ông lại một mình đi vào hang đá…


Câu chuyện rất ngắn và đơn sơ, nhưng có sức hấp dẫn, truyền lại lâu dài cho hậu thế suy ngẫm.
Có thể, các nhà khoa học cho rằng đây là bằng chứng việc đột biến dị dạng đã xảy ra từ thời xa xưa. Nhưng đó là lĩnh vực khoa học, chúng ta không bàn đến.
Có người cho rằng, câu chuyện ngụ ngôn trên không phải là ông vua “tai lừa” mà là “răng lừa”. Đổi đi như thế thì truyện chẳng còn gì hay nữa. Bởi nếu là răng lừa thì chỉ liên quan đến cái ăn, cái uống và cái bao tử của ông Vua thôi, có gì đáng nói! Nhưng đây là “tai lừa”, vì thế nó mới được truyền tụng. Phải chăng câu chuyện muốn nói về một ông vua cố chấp, hoặc thiển cận, không chịu nghe ngóng tiếng nói, tiếng kêu la của thần dân, chỉ khư khư ý mình, nên đôi tai ấy chỉ là loại tai của lừa mà thôi.
Nhưng có lẽ nhân vật chính trong câu chuyện không phải là ông Vua, mà là người thợ hớt tóc, ở một tầm triết lý cao hơn..
Người thợ hớt tóc, hẳn nhiên được Vua tin cậy, được bổng lộc, ở ăn hẳn không thiếu, cũng không hề có ý đồ lật đổ Vua hay nói xấu Vua làm gì! Vậy tại sao ông không thể giữ kín trong lòng về cái tai lừa của nhà Vua, lại ôm trong lòng nỗi ray rứt thường xuyên bất ổn? Chuyện tuy đơn sơ nhưng nó mở ra một chiều kích rộng lớn, mênh mông về giá trị “thể tính” con người. Thế mới biết, dù thiếu đói, no đủ con người không thể chỉ loay hoay với cái thân xác đơn thuần này thôi, mà nó đòi hỏi một đời sống tinh thần, có sự giao lưu, biết yêu sự thật, biết chia sẻ cảm xúc với đồng loại, không thích nói dối, không thích che giấu sự thật. “Sự biết” và “sự nói” đã là một nhu cầu không thể thiếu, là yếu tố quan trọng trong sự cấu tạo nên hạnh phúc nơi con người, cho dù là người nô lệ. Nó còn là hạnh phúc về sự chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng, đem lại thăng tiến cho trí tuệ, cả việc ngăn ngừa tai họa. Nếu một xã hội ở đó chỉ có một người hay chỉ một nhóm người được biết, được nói, tất cả còn lại chỉ được nghe và làm theo, xã hội đó đang trở thành bầy cừu đần độn, hoặc đàn sói hung dữ.
Người thợ hớt tóc không chấp nhận như vậy.
Đáng thương cho ông, vì ông đã kham nhẫn chịu đựng!
Đáng phục cho ông, vì ông đã biết tìm một hang đá nơi hoang vu để có thể la to lên giữa núi rừng, thực hiện quyền làm người của mình, trong thời đại hồng hoang của lịch sử, ít nhất để quỷ thần cùng biết.
Ngày nay, nhân loại được vạn lần hạnh phúc hơn ông thợ hớt tóc, vì được biết và được nói thông qua cái hang động kỳ vĩ, âm vang lồng lộng đến bốn phương trời, lại bất khả xâm phạm. Ông vua dù không muốn nghe, thì tự bịt tai lừa mình lại, còn ngoài kia, âm vang bốn bề vẫn ầm ầm lộng gió! Đó là cái hang internet vĩ đại mà chỉ cần gõ vào đó, nói vào đó, một giây sau tiếng anh, lời anh đã lan tỏa khắp hoàn cầu!

 H.Đ.N  :  02-10-011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét