.
Hồi nhỏ tôi từng làm nghề chăn vịt; đã hơn năm chục năm trời trôi qua rồi, thế mà cái nghề này vẫn còn ám ảnh tôi, vẫn lâng lâng trong tôi cái cảm giác hào sảng của một tuổi thơ được sống trong tâm thế như một “ thủ lĩnh “ đầu đội trời chân đạp đất, giữa cái đồng không mông quạnh…
Đồng Bích quê ngoại của tôi, hồi nhỏ tôi vẫn thường ở với ông bà ngoại, đến mùa gặt ông bà ngoại thường chuẩn bị cho một đàn vịt khoảng dăm trăm con để hai cậu cháu tôi đi chăn…Khỏi phải nói cái thích thú của một đứa bé lên năm lên bảy, suốt ngày làm thân phận trẻ con trong nhà, bây giờ được ra giữa đồng sống như một thủ lĩnh có quyền uy thật sự, có quyền sai khiến ba quân; quân ở đây là đàn vị do ông bà ngoại giao…
Để chăn một đàn vịt suốt trong quãng 2 tháng trời sau khi gặt hái xong; vịt được lùa ra đồng để vừa mò tìm lúa sót, vừa săn tôm cá; giống vị nếu không được tung tẩy trên đồng, phong phú thức ăn thì đẻ kém…Để chăn đàn vịt này phải thiết kế những tấm phên nứa, quê tôi gọi là “ tráu “ quây lại tại một thửa ruộng khô hoặc một cồn đất giữa đồng để đêm đưa vịt về đó; ngoài chuồng ra là một cái lều bằng vải bạt để lấy chỗ cho hai cậu cháu ngủ để canh vịt. Ngoài ra còn có thêm 2 con chó tinh khôn để đêm đêm canh chừng chồn cáo hay kẻ trộm…
Sau một ngày lùa vịt kiếm ăn trên đồng, đêm lùa vịt về và ông bà ngoại cho người mang cơm ra cho hai cậu cháu ăn; mùa thu tiết tháng mười thì thường nhặt về một ít rơm rạ nhóm lên cho thêm phần ấm cúng và đỡ bớt cô quạnh trên đồng…Ngồi bên bếp lửa ngắm nhìn đàn vịt trong chuồng với đủ thứ âm thanh cạc cạc nghe rất vui và ấn tượng; thích thú nhất là sáng sáng cậu cầm thúng còn tôi đi nhặt trứng do vịt đẻ tối qua; vịt thường đẻ về đêm, trứng vịt thường có ba màu; màu hồng tươi, màu trắng và màu xanh ngọc…Ông bà ngoại cho người ra lấy về và tôi và cậu tôi lại lùa vịt ra đồng cho nó kiếm ăn…
Thường thì cậu tôi cầm một cây sào tre dài, phía đầu có buộc một ít rơm làm bùi nhùi đi sau đàn vịt cùng với đàn chó đi theo để giữ trật tự, không để vịt chạy lung tung, tan đàn, mất vịt…Tôi vẫn còn nhớ cái bí quyết dắt lùa vịt ra đồng, nhất là khi phải lùa vịt di chuyển đi đến một cánh đồng xa. Để lùa một đàn vịt đi đến một cành đồng xa khác, tôi thường được giao cầm, xách cổ một con vịt đầu đàn, giống vịt không được nắm chân hoặc nắm cánh vì dễ gãy mà phải túm lấy cổ để xách…
Tôi cầm lấy cổ vịt đi trước “ hàng quân vịt “, đi sau là cậu tôi và 2 chú chó làm nhiệm vụ cảnh giới; cứ thế là tôi và cậu tôi có thể dắt cả đàn vịt ngoan ngoãn đi hết cánh đồng này qua cánh đồng khác trong cả mùa chăn vịt; có khi lùa cả đàn vịt hàng trăm con đi hàng mấy cây số mà không lạc mất con nào…Thế mới tài ?! Nếu không biết túm cổ con vịt đầu đàn để làm thủ lĩnh đưa đường chỉ lối, thì khi muốn dắt một đàn vịt đi xa là rất khó khăn, vì vịt là giống vô tổ chức cực kỳ, suốt ngày suốt đêm chỉ biết la cà mò ăn, ù ù cạc cạc…
Kỷ niệm về việc tôi chỉ cần túm cổ con vịt đầu đàn, là có thể dẫn dắt lùa cả một đàn vịt hàng trăm con, hàng ngàn con đi hết cánh đồng này qua cánh đồng khác thật sự là một kỷ niệm êm đềm, đáng nhớ, hào sảng nhất của tuổi thơ từng làm nghề chăn vịt của tôi…
Để chọn con vịt đầu đàn thực ra cũng không khó lắm; chỉ cần chọn con nào đẹp mã một chút, to con một chút, thường là vịt đực, xách cổ lên thế là cả đàn ù ù cạc cạc theo ngay, không phải bầu bán hay ganh đua gì. Giống vịt tiếng là vô tổ chức nhưng không khó sai khiến lắm. Thực ra giống vịt dù có được suy tôn là vịt đầu đàn, vị thủ lĩnh thì chỉ được quyền làm vật dẫn đường, chỉ có thể thôi, còn muốn ăn no thì vẫn phải tự kiếm lấy, không hề có chế độ ưu tiên gì. Có lẽ vì thế nên chọn con vịt đầu đàn để dẫn đường thường dễ được cả đàn vịt đồng thuận…
H.X.Ô.
Được đăng bởi Nhà văn Phạm Viết Đào vào Chủ nhật, tháng mười 09, 2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét