Cái vòi
Truyện ngắn của Đặng Văn Sinh
Ngọc Hoàng ngự ở tầng trời thứ chín, xung quanh có mây ngũ sắc bao phủ. Khí hậu thiên cung trong lành, cả năm lúc nào cũng là mùa xuân dịu dàng, trăm hoa đua nở. Còn độ dài thời gian lại tuỳ ở mỗi vị thần. Nó vừa là khoảnh khắc vừa là vô tận để cho ngay cả người trần tục có diễm phúc được sống ở đấy cũng trẻ mãi không già. Thượng Đế là chúa tể của các thần cũng như con người nên chỉ ngài mới có quyền năng sáng tạo ra muôn loài trên Thiên Giới cũng như trong Cõi Nhân Gian.
Tuy là bậc siêu thánh, toàn thiện toàn năng, Ngọc Hoàng cũng có những kẻ ghen ghét, đố kỵ. Một trong những kẻ như thế là Mộc Giác Tiên, vị bán thần chuyên làm việc vô công rồi nghề là thổi bùng ý tưởng vụn vặt của chúng sinh dưới hạ giới thành những đam mê kỳ quặc.
Một vạn tám nghìn sáu trăm năm trước, Mộc Giác Tiên vốn là sinh vật lạ từ ngoài vũ trụ đến mặt trăng trên chiếc đĩa bay có chóp nhọn sáng lấp lánh như kim cương. Ở cung Quảng Hàn, Hằng Nga lấy kính thiên văn quan sát. Khi phát hiện vật thể lạ đột nhập vào vương quốc của mình, nàng bèn phát tín hiệu cầu cứu. Thượng Đế phái thiên binh , thiên tướng mang thần khí bay đến nguyệt cầu. Sau một hồi giao chiến không phân thắng bại, đĩa bay đột ngột biến mất để lại dưới gốc đa cổ thụ một sinh vật lông trắng toát trông giống như con vượn, chỉ có hai chân nhưng lại có đến ba mắt. Sinh vật ấy nói được tiếng của thiên giới. Trước mặt Ngọc Hoàng, nó tự xưng là Mộc Giác, một thiên thần của Thế- Giới- Ảo- Tưởng, cách ThIên Đình tám vạn bốn nghìn năm ánh sáng. Mộc Giác không nói gì đến công việc của nó ở Thế- Giới- Ảo- Tưởng nhưng lại tỏ ra khá am tường thế giới các thần trong hệ Mặt Trời. Thể theo lời thỉnh cầu, Ngọc Hoàng cho nó ở lại Thiên Đình. Nó hoà nhập vào cộng đồng các vị thần rất nhanh, dường như ngay từ lúc sinh ra nó đã là thành viên của xứ sở Mặt Trời.
Hoá ra, Mộc Giác tuy chỉ một nửa là thần nhưng cũng là kẻ không ít tham vọng. Trước hết, nó xin Ngọc Hoàng phong quan tước, sau đó yêu cầu được dựng Thiên Cung. Thượng Đế là người có lượng bao dung. Ngài vui vẻ phong cho Mộc Giác tước "tiên" và cho phép xây cất dinh thự ở tầng trời thứ bảy. Mộc Giác là kẻ ích kỷ, thích sống cô độc, rất hiếm có những cuộc thăm viếng các vị thần ngoại trừ thần Lửa và thần Công Lý. Hình như Mộc Giác kết bạn với các vị này nhằm mục đích mờ ám nào đó mà chính Thượng Đế với trí tuệ trác tuyệt cũng không thể biết. Thiên cung của Mộc Giác dựng ở mãi cuối tầng trời thứ bảy trong miền hoang vắng vô số đảo mây, nơi hầu như không có vị thần nào qua lại.
Ở trên trời, mỗi vị thần đều được giao công việc tương xứng với phẩm hàm. Thần Mưa, thần Gió thuộc bậc trung tiên chuyên làm mưa làm gió cho bốn cõi. Thần Công Lý, thần Tài. thần Hạnh Phúc thuộc bậc thượng tiên trông coi về luật pháp, ban phát tài lộc và đem niềm hoan lạc cho muôn loài. Mộc Giác được giao việc uốn nắn, sửa chữa những điều xấu và hoàn thiện những điều tốt của chúng sinh ở bốn đại châu. Nhưng rồi sau mấy nghìn năm, Mộc Giác thấy công việc của mình thật vô nghĩa, nhọc lòng mà kết qủa lại rất trừu tượng. Hơn nữa, danh tiếng của nó ít được các vị thần biết tới, trong khi Ngọc Hoàng Thượng Đế chẳng làm gì cả mà lại có quyền lực rất lớn, muôn loài đều kính trọng.
Một ngày kia, ngồi trong gian điện lộng lẫy thoang thoảng mùi hoa Thiên Long, Mộc Giác trầm ngâm suy nghĩ về thiên chức của mình. nó đã dày công tu luyện hàng mấy nghìn năm, và, trong thâm tâm luôn có kỳ vọng, đến một ngày nào đó quyền lực sẽ vượt lê trên Thượng Đế. Đối tượng trực tiếp Mộc Giác quan tâm là con người dưới phàm trần. Nó đã để tâm nghiên cứu cả mấy trăm năm, cuối cùng rút ra kết luận là phải làm một cái gì đó để chiếm lĩnh bằng được cộng đồng sinh vật có trí tuệ này. Mộc Giác nhận thấy bản chất con người gần với bản chất của nó, nghĩa là cũng có tình cảm vui buồn hờn giận, cũng có khát vọng cao cả, những say mê và những nỗi chán chường, cái thiện và cái ác…
Nó chiêm nghiệm thấy, trong khoảng vài trăm năm cuối của thiên niên kỷ thứ hai, con người bỗng trở thành khổng lồ, đã làm nên nhiều kỳ tích bằng cả mấy vạn năm trước đó cộng lại. Nhiều vĩ nhân xuất hiện nhưng cũng có không ít kẻ điên rồ, ngu xuẩn, ngẫu nhiên được đẩy lên cầm đầu một dân tộc, bằng những thứ lý thuyết quái dị hoặc chủ nghĩa cực đoan đưa đồng loại của mình vào những cuộc chém giết đẫm máu .
Ngự ở tầng trời thứ chín - tầng cao nhất và linh thiêng nhất - Thiên Đế chau mày. Tất cả những gì xẩy ra với muôn loài vài trăm năm gần đây đều khác với dự kiến ban đầu trong buổi triều hội lần thứ ba ở điện Thông Minh giữa ngài với các thiên thần. Ngài ngờ rằng, có một thế lực siêu đẳng nào đó đang bí mật cản trở vòng tuần hoàn Tạo Hoá.
Trong khi ấy, ở tầng trời thứ bảy, Mộc Giác Tiên ngồi vê râu mép cười ruồi. Mộc Giác suy ngẫm và thấy chưa hài lòng lắm với công việc. Nó muốn kích thích cho trí tuệ con người phát triển đến cùng, muốn tăng gấp bội cường độ dục vọng, muốn đồng nhất cái Thiện và cái Ác… Tóm lại, ở Thế - Giới - Ảo - Tưởng, Mộc Giác theo chủ nghĩa cực đoan tuy đôi lúc vẫn thấp thoáng chút ít chiết trung. Theo nó, con người vỗn dĩ bảo thủ, trì trệ và nhất là luôn có ảo tưởng. Họ thường tự thoả mãn với hoàn cảnh chật hẹp của mình. Đó thật là điều tệ hại với chủ trương thả lỏng bản tính của nó. Với lối lập luận nguỵ biện và võ đoán như thế, Mộc Giác đi đến kết luận rất quái gở là loài người ở Hạ Giới đã già cỗi, còi cọc, không còn khả năng tiến hoá nữa. Vì lẽ đó, phải nhanh chóng thay bằng một giống người mới có thể chất khoẻ mạnh, trí tuệ siêu đẳng, phẩm chất hoàn thiện như các linh thần trên đỉnh núi Olempia của nền văn minh Hy Lạp. Loài sinh vật này sẽ là hạt nhân của một vũ trụ tương lai mà chính nó là Đấng Sáng Tạo.
Ít lâu sau, Mộc Giác Tiên bày tỏ ý nghĩ của mình với Ngọc Hoàng Thượng Đế. Ngài suy nghĩi chút ít rồi bảo Mộc Giác :
- Vạn vật trong chín cõi đều đã an bài từ ức vạn năm nay. Nó là một tổng thể thống nhất, có tính độc lập tương đối và đã vượt ra ngoài sự kiểm soát của các vị thần. Chính trẫm cũng phải tôn trọng quy luật sống của muôn loài. Trẫm nghĩ, bản thân con người cũng đã đông đúc, phức tạp lắm rồi, đừng nên tạo ra những giống mới để dưới ấy rối mù lên nữa.
Nghe xong, Mộc Giác không chịu, nó bảo :
- Loài người dưới ấy bây giờ khả năng sáng tạo đã cạn kiệt. Họ sinh sôi nảy nở quá nhanh dẫn đến khủng hoảng dân số trầm trọng. Thần sợ họ lại gây chiến tranh.
Thượng Đế phán :
- Ngươi yên tâm, sau mấy trăm năm đánh nhau liên miên, giờ họ đã tỉnh ngộ, đang tìm cách nắm tay nhau.
Mộc Giác vốn là gã bán thần lỳ lợm, hắn cố lải nhải :
- Nhưng mà họ đã quá già cỗi, bộ gene di truyền chỉ có hai mươi ba nhiễm sắc thể. Thần muốn thay bằng một chủng mới có bộ gene hai mươi chín nhiễm sắc thể, hoàn thiện hơn…
Thượng Đế thấy cần phải chấm dứt ngay cuộc hội kiến vô bổ, mất thời gian liền nghiêm giọng :
- Ngươi nhầm. Quyền năng sáng tạo ra muôn loài từ ức vạn năm nay là do ở trẫm. Còn nếu muốn tạo ra một thứ quái vật nào đó có hai mươi chín nhiễm sắc thể, đại loại như rắn đuôi chuông có trí tuệ chẳng hạn,ngươi hãy thử làm đi.
Mộc Giác ngả người trên tấm đệm da rồng trong phòng khách của Ngọc Hoàng, giọng thoáng vẻ xấc xược :
- Thần sẽ xuống Hạ Giới làm công việc sáng tạo cho thuận tiện.
Ngọc Hoàng bỏ kính nhìn Mộc giác như là nhìn một kẻ mất trí đang lên cơn kịch phát . Trong khoảnh khắc, cặp mắt tuệ của ngài nhìn thấu tâm can kẻ đang định khuấy đảo vũ trụ . Ngài cười nhạt bảo :
- Việc ngươi sắp làm sẽ phải trả giá đắt mà chắc gì đã thành công.
Đến đây thì gã bán thần im lặng nhưng con mắt ở trán thoáng nét giễu cợt. Thượng Đế biết có thuyết phục cũng vô ích bèn đứng dậy đến gần đặt tay lên vai Mộc Giác :
- Cho ngươi một phần đất Hạ Giới ở về phía cực bắc Đông Hải Đại Châu. Cấm được sát hại thần dân của trẫm.
*
* *
Tại vùng đất cực bắc, Mộc Giác hiện diện như một Đấng Sáng Thế. Đầu tiên, nó đào dưới lớp băng vĩnh cửu lôi lên được một ít đất sét vàng. Tiếp sau, nó nặn đất sét thành những hình nhân theo kiểu sinh vật ba mắt, hai chân ở Thế- Giới- Ảo- Tưởng. Công việc thật nặng nề bởi lớp băng dày hàng ngàn thước rắn như đá mà Mộc Giác không có phương tiện nào khác ngoài hai bàn tay với những ý nghĩ ngông cuồng trong đầu. Gần một trăm năm lao động cật lực, Mộc Giác nặn được mẻ đầu tiên vài ngàn hình nhân. Nhưng như thế đâu phải đã xong. Trong quy trình sáng tạo còn có công đoạn nung trong lửa chín mươi chín năm những phôi đất sét ấy mới thành sinh vật. Mộc Giác đào băng, đắp lò và kiếm những cây sồi hoá thạch làm củi. Suốt thập kỷ này đến thập kỷ khác, ngày cũng như đêm, Mộc Giác liên tục phồng mồm thổi lửa. Trời quanh năm băng giá. Bão tuyết, gió lạnh gầm rú như roi quất vào da thịt làm gã bán thần đau đớn lắm lúc đã tưởng phải bỏ dở công việc. Do phải thổi lửa quá nhiều, cặp môi Mộc Giác chúm lại và có xu hướng phát triển thành chiếc ống thổi. Đến năm thứ chín mươi chín, năm cuối cùng của mẻ nung hình nhân đất sét đầu tiên thì mồm Mộc Giác đã dài ra, xoăn như chiếc vòi ma mút khổng lồ thời tiến sử.
Ngày mở lò, một số sinh vật chết vì khói, một số bị gãy chân, gãy tay, mù mắt, số khác thì quá yếu, chỉ nằm không đứng dậy được. Cuối cùng, còn lại ba hình nhân có khả năng sống như tổ tiên của chúng ở Thế - Giới - Ảo -Tưởng.
Vốn là kẻ có thừa đức tính kiên nhẫn, Mộc Giác không chịu chấp nhận thất bại, tiếp tục khởi công nặn mẻ thứ hai. Vì hình nhân có kích thước lớn rất tốn đất sét, làm không biết đến bao giờ mới xong, Mộc Giác bèn nghĩ ra cách thu nhỏ lại. Tác phẩm của hắn bây giờ bé tí xíu, bé hơn cả những thứ đồ chơi bé nhất của trẻ con. Nó tự nhủ :" Cái quan trọng là trí tuệ chứ kích thước cơ thể không phải là điều quyết định trình độ phát triển". Thế là Mộc Giác hối hả nặn hết mẻ này đến mẻ khác, nung hết lò này đến lò khác, và, mỗi lần mở lò, nó lại cho ra đời tầng tầng lớp lớp loại sinh vật bé tí xíu như những con ong không cánh nhưng có ba mắt và hai chân.
Công việc sáng tạo đã xong, Mộc Giác xoa tay hài lòng với kết quả bước đầu. Nó mỉm cười một mình rồi thầm nghĩ :"Còn việc duy trì và phát triển nòi giống cứ mặc chúng, chúng sẽ biết cách tự nhân mình lên trong vòng vài thế hệ". Tuy nhiên, do quá say sưa với thắng lợi, Mộc Giác quên mất một điều, mà lại là điều quan trọng nhất, đó là cái gì sẽ nuôi sống lũ "người mới" này trong khi ba bề bốn bên của vùng đất chỉ là đại dương đầy băng giá ? Sau nhiều đêm suy nghĩ, Mộc Giác đành mang ba sinh vật lớp đầu mà nó đặt tên là Sáng Tạo, Huyền Bí và Toàn Năng ra biển bắt cá. Khốn nỗi, thần dân của nó , do đột biến ở một nhiễm sắc thể nào đó trong quá trình sáng tạo, nên sinh sôi quá nhanh, quá nhiều, không phải theo cấp số nhân mà theo cấp luỹ thừa, thành ra số lượng cá đánh bắt hàng ngày cung cấp không đủ cho nhu cầu tối thiểu. Chẳng còn cách nào hơn, Mộc Giác phải ban bố sắc lệnh bắt "dân chúng" làm việc, vì chỉ có làm việc cộng đồng sinh vật tí hon này mới có thể tồn tại được. Nhưng do thể trạng quá nhỏ bé, bộ não lại thiếu hoàn chỉnh, lũ nửa người nửa ngợm này chẳng làm được việc gì nên hồn, kết quả vẫn phải ăn bám vào mấy gã to xác kia.
Ba tên Sáng Tạo, Huyền Bí và Toàn Năng bên ngoài có vẻ trung thành nhưng bên trong lại ngấm ngầm nuôi ý đồ tranh quyền chúa tể với Mộc Giác. Chúng thường bớt xén khẩu phần cá của lũ "người mới" để nhét vào cái dạ dày lúc nào cũng chỉ mới lưng lửng vì cường độ lao động quá căng thẳng. Mộc Giác cảnh cáo và đánh đòn ba tên nhưng không dám giết chúng, vì chúng chết thì mọi công việc nặng nhọc lại đổ lên đầu nó, mà nó thì đã quá mệt mỏi.
Cuối cùng thì cá cũng hết. Nạn đói hoành hành dữ dội có nguy cơ xoá đi tất cả công trình "sáng tạo" mấy trăm năm của Mộc Giác. Một ngày kia, lũ sinh vật tí hon ranh ma phát hiện ra giá trị thực dụng của chiếc vòi khổng lồ. Chúng kéo nhau bám vào vòi Mộc Giác như đàn rận bám vào vật chủ ký sinh. Vì đói, chúng thi nhau gặm nham nhở khắp lượt phía mgoài cũng như phía trong làm gã bán thần vô cùng đau đớn. Những lúc lên cơn kịch phát, nó lắc mạnh cái vòi cho rụng bớt lũ ăn bám rồi cuống cuồng chạy ra biển nhúng xuống nước lạnh. Một số bị chết ngạt, nhưng phần lớn lũ tí hon tìm cách chui được vào bên trong vòi. Chúng tạm thời yên vị ở đấy cho đến khi cái vòi được nhấc lên, sau đó lại tiếp tục nhấm nháp từng tí một trên cái bộ phận rất thừa nhưng cũng rất ngon của "Đấng Sáng Thế".
Cái vòi bị lở loét và sưng tấy lên, Mộc Giác phải bỏ công việc về trời cầu cứu Ngọc Hoàng. Nó rầu rĩ van xin Đấng Chí Tôn dùng phép diệt hết lũ sinh vật quái gở trên cái vòi của mình. Lúc bấy giờ Thượng Đế mới bảo :
- Lũ quái vật ấy với cái vòi của nhà ngươi có cùng một nguồn gốc. Nói cách khác, chính cái vòi sinh ra lũ ăn bám. Muốn diệt chúng phải diệt tận gốc, tức là phải cắt…vòi đi.
Nghe đến đấy, Mộc Giác tái mặt :
- Như vậy thần sẽ chết mất…
Thượng Đế nhếch mếp thoáng cười, phán lời cuối cùng :
- Ta đã nói rồi, việc ngươi làm sẽ phải trả giá đắt kia mà…
Đ.V.S
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét