Bài đăng phổ biến

Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2012

ĐỘC QUYỀN CHÂN LÝ

                                    Ngô Bảo Châu
Đây là bản gốc của bài phỏng vấn trên báo Tuổi trẻ cuối tuần với nhan đề gốc là Không có ai độc quyền chân lý.

Nhân dịp chào xuân Nhâm Thìn, Giáo sư Ngô Bảo Châu đã trải lòng với Tuổi Trẻ Cuối tuần những suy nghĩ của ông về vai trò phản biện của trí thức cũng như giải pháp đòn bẩy có sẵn ngay trong những điểm bất hợp lý…
Giải pháp có sẵn ở điểm bế tắc
Thưa giáo sư, lần đầu tiên kể từ khi thành danh ở xứ người, năm qua giáo sư đã dành thời gian làm việc tại quê nhà suốt 3 tháng ròng. Trong 3 tháng đó có gì làm cho giáo sư thất vọng hay ngược lại, giáo sư có điều gì để hy vọng?
Thực ra không có gì phải thất vọng đâu chị, mặc dù khi tôi về mọi việc thật ngổn ngang. Tháng 6/2011, bộ máy hành chính của viện Nghiên cứu Cao cấp (NCCC) về Toán mới bắt đầu hoạt động. Khi ta muốn xây dựng một cái gì từ con số không, thì khó khăn là tất yếu. GS Lê Tuấn Hoa, Giám đốc Điều hành của viện và tôi đã xác định trước là mình phải rất cố gắng trong giai đoạn này.
Hy vọng thì nhiều. Qua dịp hè vừa rồi, tôi cảm thấy thấy sự ủng hộ của Chính phủ dành cho Viện là tương đối chắc chắn. Tuy thế những khó khăn mang tính chất hành chính thì vẫn muôn hình vạn vẻ, nhưng tôi hy vọng là giai đoạn này cũng sẽ chóng kết thúc để năng lượng được dồn vào những việc thực sự bổ ích là làm khoa học.
Cái không dễ chút nào chúng tôi là giải thích với các Bộ có chức năng rằng khoa học thực sự, đặc biệt là khoa học cơ bản rất khó làm được trên nguyên tắc đơn đặt hàng. Vai trò của Viện là nhìn thấy những nhóm nghiên cứu mới có tiềm năng, hỗ trợ cho họ về cơ sở vật chất, môi trường làm việc. Tôi rất hy vọng là trong thời gian tới sẽ có nhiều nhà khoa học chủ động đến với Viện với những dự định mà mình ấp ủ.

 
Nói như vậy không có nghĩa là Viện NCCC không chú trọng những đơn đặt hàng nghiên cứu toán ứng dụng. Đây là một hướng mà chúng tôi mong muốn sẽ làm được ngày một nhiều trong tương lai.
Hè 2011 cũng là thời gian giáo sư dành nhiều thời gian để giao lưu với giới trẻ nhiều tỉnh thành. Những cuộc giao lưu đó mang đến cho giáo sư những cảm xúc như thế nào và các bạn trẻ ấy có tạo được những ấn tượng đặc biệt với giáo sư?
Cảm xúc mạnh nhất là niềm vui khi cảm thấy dường như mình đang mang đến cho các bạn trẻ được cái gì tốt đẹp, ít nhất là niềm tin vào một cái gì đó tốt đẹp.
Ấn tượng tích cực nhất tôi có được trong những buổi gặp gỡ đó, là tính hướng thiện của các bạn trẻ. Còn có một sự khác biệt tương đối rõ nét giữa những người trưởng thành mà tôi quen biết với các bạn trẻ mà tôi gặp trong các buổi giao lưu. Nếu như nhiều người tôi quen, những người có vị trí xã hội, có thành công trong sự nghiệp hoặc đơn giản là rất giàu, có một cái nhìn rất bi quan về thực tế xã hội thì các bạn trẻ vẫn tràn trề lạc quan và đầy niềm tin vào tương lai.
Không chỉ các bạn trẻ trong nước đang chờ mong nhiều ở giáo sư mà nhiều bạn trẻ đang làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài cho biết, họ hy vọng viện NCCC về Toán sẽ là mồi nhóm để thổi bùng ngọn lửa đam mê khoa học trong giới nghiên cứu, từ đó thay đổi môi trường làm việc trong các trường đại học. Giáo sư nghĩ sao?
Tôi nghĩ rằng ngọn lửa đam mê khoa học thì đã có sẵn trong nhiều bạn trẻ rồi. Vấn đề là làm thế nào biến những ngọn lửa đó thành những nhà khoa học chuyên nghiệp. Tôi hy vọng Viện NCCC về Toán sẽ làm được việc đó, đầu tiên là với toán, toán ứng dụng, sau đó là những ngành khoa học có liên quan đến toán như khoa học máy tính, vật lý lý thuyết. Nhưng với qui mô nhỏ của Viện, chúng ta không thể chờ đợi nó giải quyết mọi vấn đề (rất nhiều) của khoa học Việt nam. Nếu ta muốn thực sự thay đổi diện mạo của khoa học Việt Nam, theo tôi nghĩ cái cần làm nhất (mà chắc ai cũng biết) là đặt chất lượng nghiên cứu khoa học lên như một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của các trường đại học. Tất nhiên, nếu tính chất ưu tiên hàng đầu không phải là nói suông, thì nó sẽ kéo theo nhiều chính sách khác.
Nói đến chuyện thay đổi chính sách là tôi lại băn khoăn. Hình như cái mà ta làm cho đến nay là thấy cái gì chưa ổn thì ta sửa lại, sắp xếp lại, mà ít để ý đến sự vận động tự nhiên của cuộc sống.
Giáo sư có thể giải thích rõ hơn nhận xét này được không?
Đơn cử hai vấn đề có tính thời sự hiện nay là việc phát triển mạng lưới ĐH và lương giáo viên. Căn cứ vào tỉ lệ số lượng sinh viên trên tổng số người ở độ tuổi đi học, ta nhận thấy Việt Nam có một tỉ lệ rất thấp so với các nước khác, đã phát triển hoặc đang phát triển. Ta suy ra rằng cần phải có thêm bao nhiêu sinh viên, mở thêm bao nhiêu trường ĐH. Câu chuyện này thoạt nghe thì có vẻ rất đơn giản, mạch lạc. Cũng giống như lương giáo viên, ai cũng thấy là nó rất thấp, không đủ để giáo viên tái tạo sức lao động, vì vậy cần phải tăng lương cho giáo viên và công nhân viên chức nói chung. Đặt ra vấn đề như vậy là rất đúng rồi, nhưng phương pháp luận trong việc giải quyết vấn để thì có thể chưa ổn.
Thay vì ồ ạt mở thêm trường đại học, nâng cấp cao đẳng lên đại học, hoặc là tăng lương công chức một cách đồng loạt, nên chăng coi đó như là một xu hướng để nhân cái đà đó mà cải thiện chất lượng các trường, cải thiện năng suất và chất lượng lao động của công chức nhà nước. Nói cách khác, những cái bất hợp lý hiện tại có thể làm đòn bẩy cho tương lai, làm điểm tựa cho những vận động tích cực của xã hội. Tôi cũng hiểu là bàn chung chung như thế này thì dễ, làm cụ thể như thế nào khó hơn nhiều. Nhưng rõ ràng những biện pháp thuần túy mang tính hành chính sẽ làm triệt tiêu cái đòn bẩy, lợi thế duy nhất của sự bất hợp lý.
Trong chuyện tăng lương cũng vậy. Tôi cảm thấy hình như việc tăng lương đồng loạt cho viên chức không cải thiện mức sống của họ mà chỉ làm tăng lạm phát. Chính phủ có thể tác động lên thu nhập của giáo viên bằng những qui định cơi mở và minh bạch hơn. Tôi lấy ví dụ chuyện chạy trường mà ai cũng biết. Liệu có thể cho phép một số trường tốt có một cơ số học sinh trái tuyến với qui định minh bạch mức lệ phí, có thể rất cao cho học sinh trái tuyến ? Tiền lệ phí được thu một cách minh bạch có thể sử dụng trả một mức phụ cấp cho giáo viên một cách minh bạch. Phụ cấp có thể thấp, cao hoặc rất cao tùy thuộc vào năng lực của giáo viên. Câu chuyện này thực chất đang xảy ra trong thực tế nhưng dưới những hình thức không minh bạch. Nếu có qui định rõ ràng, nhà nước cũng sẽ có thêm phương tiện để điều chỉnh.
Không ai độc quyền chân lý
Gần đây phong trào phản biện của giới trí thức ngày càng sôi nổi. Thậm chí người ta còn cho rằng người lao động trí óc sẽ chưa đạt tầm của một trí thức nếu chỉ biết làm công việc chuyên môn của mình mà chưa bộc lộ được năng lực phản biện xã hội. Còn giáo sư thì suy nghĩ thế nào về trách nhiệm phản biện xã hội của giới trí thức cũng như vai trò của giới trí thức trong xã hội?
Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm “trí thức”. Đến bao giờ chúng ta mới thôi thi đua để được phong hàm “trí thức”?
Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.
Một mặt khác, cần trân trọng những người trí thức, hoặc không trí thức, tham gia công tác phản biện xã hội. Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng.
Những người có học, có tri thức thực ra cần phải rất tỉnh táo khi tham gia vào việc phản biện xã hội. Học hàm học vị không thể đảm bảo rằng cái anh nói ra, mặc nhiên đúng. Với thói quen làm việc khoa học của mình, cái mà anh có thể làm là đưa ra những lập luận vững chắc và có tính thuyết phục. Nhà lãnh đạo văn minh, có bản lĩnh sẽ biết lắng nghe những lập luận đó. Họ có thể làm theo hoặc không làm theo kết luận của anh. Trong trường hợp họ không làm theo, vẫn dưới giả thiết là lãnh đạo văn minh và có bản lĩnh, lãnh đạo cũng sẽ phải đưa ra những lập luận ít nhất cũng vững chắc bằng những lập luận của anh để bảo vệ quyết định của mình.
Tôi quan niệm vai trò của trí thức là như vậy, anh ta có vai trò gây sức ép lên người lãnh đạo, nhưng cũng như lãnh đạo, anh ta không độc quyền chân lý.
Giáo sư có nói cần khuyến khích mọi thành phần trong xã hội phát biểu ý kiến của mình và lãnh đạo phải lắng nghe tất cả những ý kiến đó. Nhưng điều quan trọng là cuối cùng lãnh đạo cần phải có một quyết định, vậy việc quyết định nên căn cứ vào đâu?
Nếu có một thuật toán để ra quyết định trong mọi trường hợp thì chắc không cần đến lãnh đạo nữa mà thay bằng một cái máy tính. Người lãnh đạo có bản lĩnh sẽ có những hành động nhất quán, chứ không được chăng hay chớ. Đi cùng với sự nhất quán là tính chủ quan, ở đây nếu lắng nghe ý kiến phản biện, người lãnh đạo sẽ tránh được những sai lầm không thể cứu vãn. Theo tôi phẩm chất quan trọng nhất của người lãnh đạo là tính lương thiện, ít nhất là lương thiện vừa đủ để không tự lừa mình bằng những điều viển vông và không tự bao biện cho những sai lầm của mình.
Để tận dụng được cái khả năng suy nghĩ của trí thức, lãnh đạo nên chăng chia sẻ thông tin với họ để nhận được lời tư vấn tốt nhất trước khi đưa ra quyết định?
Đối với người lãnh đạo, chia sẻ thông tin là một việc khó, như từ bỏ một phần quyền lực của mình. Thông tin hoàn toàn mở, anh lãnh đạo sẽ phải tranh luận với anh trí thức trong tình huống cân bằng vũ trang và chưa chắc anh lãnh đạo đã thắng.
Nhưng thực ra, cởi mở thông tin, tranh luận với trí thức, với những người nằm ngoài bộ máy chính là một cách tiếp năng lượng cho anh lãnh đạo, vẫn với giả thiết lãnh đạo văn minh và có bản lĩnh. Để làm được việc, anh lãnh đạo luôn phải phụ thuộc vào bộ máy của mình. Nếu không cởi mở, dừng tranh luận, những quyết định của anh sẽ dần dần chịu ảnh hưởng của bộ máy, phục vụ lợi ích của bộ máy chứ không ưu tiên phục vụ xã hội nữa.
Năm qua là năm có nhiều hoạt động phản biện của giới trí thức trong nước cũng như ngoài nước. Nhiều bản kiến nghị về các vấn đề vĩ mô đã được các trí thức ký tên gửi các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Giáo sư đánh giá thế nào về các hoạt động này? Là một trí thức, giáo sư có muốn đóng góp tiếng nói của mình vào trào lưu chung đó?
Cá nhân tôi thường tránh bàn luận các vấn đề mà tôi không biết rõ. Tôi quan tâm nhiều hơn tới những lĩnh vực mà tôi có thể trực tiếp tham gia hành động thay vì chỉ nêu ý kiến. Nhưng tôi cho rằng, việc đưa ra các phản biện có lập luận chặt chẽ… là những đóng góp lớn cho xã hội, cho đất nước của giới trí thức. Tuy nhiên, trước khi lên tiếng về một vấn đề nào đó, người trí thức hơn ai hết cần phải hết sức ý thức về ảnh hưởng của nó. So sánh thì rất khập khiễng vì thường thì chúng ta không nói đến chuyện sống chết. Nhưng tôi luôn nhớ câu Chế Lan Viên viết trong bài thơ Ai? Tôi?: “Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng, Chỉ một đêm, còn sống có 30, Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó? Tôi! Tôi – người viết những câu thơ cổ võ, Ca tụng người không tiếc mạng mình, trong mọi cuộc xung phong”.
Cảm ơn giáo sư!

Thư Hiên (thực hiện)
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 05:57
Nhãn: Trí thức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét