Bài đăng phổ biến

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

HẢI DƯƠNG CHÍNH THỨC LÊN TIẾNG

Hải Dương chính thức lên tiếng về khu vườn “triệu đô”
                          Thứ bảy, 26/05/2012, 15:22
               Liên quan đến những thông tin về khu vườn “triệu đô” tại Hải Dương, UBND huyện Ninh Giang đã chính thức có văn bản gửi các cơ quan chức năng báo cáo chi tiết về sự việc này. 
Hải Dương chính thức lên tiếng về khu vườn “triệu đô”
                         

                                                         Khu vườn "triệu đô"

Công văn số 49/BC-UBND ngày 24/5/2012 của UBND huyện Ninh Giang gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh Hải Dương… nêu rõ:
Trong những ngày qua, có nhiều thông tin về việc ông Bùi Thanh Tùng, cán bộ Sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương xây dựng nhà trên đất nông nghiệp thuộc thôn Đông Tân, xã Ninh Thành, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.
Trước thông tin trên, UBND huyện Ninh Giang đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND xã Ninh Thành kiểm tra nguồn gốc và quá trình sử dụng diện tích đất này.
Kết quả kiểm tra cho thấy, khu đất như các thông tin đã phản ánh có tổng diện tích 4.152m2, gồm các thửa 44, 45, 43, 42, 20, 77 thuộc tờ bản đồ số 3. Trong đó loại đất vườn (cây lâu năm) là 3393m2; đất nuôi trồng thủy sản (ao) là 759m2. Diện tích đất này nằm xen trong khu dân cư thôn Đông Tân, xã Ninh Thành. Người sử dụng hiện nay là ông Bùi Thanh Tùng (con trai ông Bùi Thanh Quyến, Bí thư tỉnh ủy Hải Dương).
Nguồn gốc và quá trình sử dụng diện tích đất trên như sau: Là đất ổn định lâu dài cho 5 hộ gồm: hộ bà Trần Thị Ngát, Bùi Thị Điệp, Nguyễn Thị Thúy, Bùi Văn Nuôi, Trần Văn Hiệu). Sau đó được chuyển đổi theo dự án “chuyển đổi cơ cấu cây trồng” được UBND huyện Ninh Giang phê duyệt tại Quyết định số 933/QĐ-UBND ngày 28/10/2002. Diện tích này (trong đó có nhà cấp 4) được 5 hộ sử dụng ổn định. Đến cuối năm 2010, đầu năm 2011, các hộ trên chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông Bùi Thanh Tùng theo đúng quy định của pháp luật.

                                    Hợp đồng chuyển nhượng của các hộ dân (Ảnh: Vũ Văn Tiến)  

Cụ thể, diện tích và số tiền chuyển đổi như sau: Hộ ông Trần Văn Hiệu, diện tích 1560m2 (số tiền chuyển đổi là 304.200.000đ); hộ bà Nguyễn Thị Thúy, diện tích 768m2 (số tiền chuyển đổi là 160.003.000đ); hộ ông Bùi Văn Nuôi, diện tích 552m2 (số tiền chuyển đổi là 115.012.800đ); hộ bà Trần Thị Ngát, diện tích 840m2 (số tiền chuyển đổi là 175.008.000đ); hộ bà Bùi Thị Điệp, diện tích 432m2 (số tiền chuyển đổi là 90.000.000đ). Tổng cộng số tiền các hộ dân trên chuyển đổi cho ông Bùi Thanh Tùng là: 844.228.600đ.
 
Trên cơ sở hồ sơ chuyển nhượng đúng pháp luật, được UBND xã xác nhận; Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ninh Giang thẩm định. Căn cứ các quy định pháp luật về đất đai, Quyết định của UBND tỉnh Hải Dương; trên cơ sở quá trình sử dụng đất và hiện trạng đất; xét đề nghị của ông Bùi Thanh Tùng về chuyển mục đích sử dụng đất, UBND huyện Ninh Giang cấp GCNQSDĐ cho ông Bùi Thanh Tùng (GCNQSDĐ số 495738, ngày 19/7/2011) với diện tích đất là 4.152m2 và hợp thành 1 thửa (thửa số 45).
Trong 4.152m2 có 500m2 được chuyển mục đích sang đất ở (được phê duyệt tại Quyết định số 933/QĐ-UBND ngày 29/7/2011) và ông Bùi Thanh Tùng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo đúng quy định của pháp luật. 

Theo Tinmoi

Chỉ đạo tìm hiểu sự thật "khu vườn trăm tỷ" ở Hải Dương

                       Thứ năm, 25/05/2012, 19:54

UBND và huyện ủy huyện Ninh Giang đã chỉ đạo các các đơn vị có chức năng về thôn Đông Tân, xã Ninh Thành để tìm hiểu thực hư vụ việc. 
Còn ông Bùi Thanh Tùng, con trai ông Quyến thì khẳng định sẵn sàng trả lời trước các cơ quan chức năng khi được yêu cầu.
Vấn đề là, ở tỉnh Hải Dương thì ai dám yêu cầu con trai ông bí thư tỉnh ủy xác minh tài sản cá nhân?
Sáng qua, khi PV một tờ báo điện thoại cho ông Bùi Thanh Quyến, bí thư tỉnh ủy Hải Dương để xác minh thông tin về khu biệt thự vườn trăm tỷ, ông Quyến đã dập máy xuống mà không nói câu nào.
Sau đó, số điện thoại đó chỉ nghe reo mà ông Quyến không cầm máy nữa.
Và con trai ông, Bùi Thanh Tùng, trưởng một phòng thuộc một sở Hải Dương, lên tiếng về khu nhà vườn đó. Nhưng giải thích của ông Tùng càng làm dư luận nghi ngờ.
Chỉ là một trưởng phòng cấp sở, ông Tùng làm ăn gì mà có khối tài sản đồ sộ đến thế? Chưa hết, nếu khu nhà vườn trăm tỷ này cũng của ông Tùng, thì phải ghi tên ông vào hàng đại gia "vượt khó", vì đối diện khu này, ông còn sở hữu một biệt thự nữa.
Tuy nhiên, trước dư luận về khu vườn triệu đô, ông Tùng khẳng định sẵn sàng giải trình với cơ quan chức năng khi có yêu cầu.
           Khu vườn cây cảnh, đá quý được cho là của con trai Bí thư tỉnh Hải Dương.

Tháng 7/2011, ông Nguyễn Xuân Thuấn - Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang - đã ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích 4.152 m2 tại thôn Đông Tân, xã Ninh Thành mang tên ông Bùi Thanh Tùng.
Bắt đầu từ cuối năm 2011 cho đến thời điểm này (tháng 5/2012), ông Tùng tiến hành cho vận chuyển cây quý, đá cảnh và vật liệu xây dựng để thực hiện dự án xây dựng nhà vườn rất "hoành tráng".
Đi qua hai bên cánh đồng trên đoạn đường nhựa thôn Đông Tân, ngay đầu làng, chúng tôi chứng kiến cảnh người xe vào ra vận chuyển các vật dụng phục vụ cho việc xây dựng nhà vườn rất tấp nập và quy mô. Người dân trong thôn cho biết, gia đình ông Quyến (Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thanh Quyến, bố đẻ ông Bùi Thanh Tùng - PV) tiến hành xây dựng khu vườn từ năm ngoái.

Cây lâu năm (to, bên trái ảnh) được dư luận đồn đoán là cây sưa già

Việc ông Tùng đầu tư xây dựng ở khu đất này, người dân trong làng đều biết, nhưng việc cây trong vườn có phải là gỗ sưa không thì những người nông dân nơi đây không rành. “Các anh muốn hỏi là đá quý gì, gỗ gì thì lên xã, lên huyện mà hỏi!”, một người dân nói.
Tại buổi làm việc với PV Dân trí, ông Thuấn - Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang - cho biết: “UBND huyện đã cấp “sổ đỏ” cho diện tích đất 4.152 m2 tại thôn Đông Tân mang tên Bùi Thanh Tùng. Tôi khẳng định việc này vì chính tay tôi ký cấp mang tên anh Tùng vào tháng 7/2011 chứ không hề có cái tên nào là của ông Bùi Thanh Quyến trên diện tích đất ấy cả”.
Theo ông Thuấn, trong sổ đỏ có ghi diện tích đất thổ cư là 500m2 dùng cho việc xây nhà. "Mà ngôi nhà anh Tùng xây trên khu đất cũng chưa đến 500m2. Diện tích đất còn lại được chúng tôi cấp để trồng cây lâu năm", ông Thuấn nói. Khi PV đề nghị được cho xem bản lưu sổ đỏ tại UBND huyện thì ông Thuấn lại hẹn để dịp khác.
 Hàng loạt cây quý lâu năm bên trong khu vườn triệu đô.

Tìm hiểu về lịch sử của diện tích 4.152 m2 đất ông Tùng đứng tên, chúng tôi được ông Vũ Thành Lượng - Chủ tịch UBND xã Ninh Thành - chia sẻ: “Khu nhà vườn  nằm phía trước ngôi chùa làng có tên Mỗ Đàn.
Trên diện tích đất này trước đó có nhiều hộ canh tác. Đến năm 2003, các hộ làm đề nghị trình lên xã xin chuyển đổi mục đích sử dụng để đào ao, thả cá. Cách đây khoảng 2 năm, anh Tùng con trai ông Quyến mua lại và làm thủ tục trình lên huyện để được cấp sổ đỏ”.
Về câu hỏi, khi tiến hành xây dựng, chủ đầu tư nhà vườn có báo cáo lên xã và cơ quan chức năng của huyện về việc tiến hành xây dựng nhà vườn và xin cấp phép theo quy định, ông Lượng nói: “Tính cho đến thời điểm này, toàn xã Ninh Thành chưa hề có một nhà nào, hộ nào được cấp phép xây dựng mà cũng chẳng có người nào đến xã làm đề nghị xin phép xây dựng công trình cả”.
 Trước đồn đoán về việc ông tiêu xài "rộng tay", mua xe sang, sắm nhà to và sưu tầm cây gỗ quý hàng trăm năm tuổi, ông Tùng nói sẽ giải trình báo cáo cụ thể sự việc khi cơ quan chức năng hay tổ chức Đảng yêu cầu.
Liên quan đến việc ông Bùi Thanh Tùng tiến hành mua đất để xây nhà và trồng cây cảnh lâu năm quý hiếm, huyện uỷ - UBND huyện Ninh Giang đã chỉ đạo các đơn vị liên quan về thôn Đông Tân, xã Ninh Thành để tìm hiểu thực hư sự việc.

          Theo Dân Trí
Những vụ thu hồi đất làm KCN rồi bỏ hoang ở Hải Dương
Thứ năm, 24/05/2012, 17:10
Liên quan đến các vụ tố cáo tiêu cực về đất đai ở Hải Dương thời điểm 2003-2007 bị dân kiện cho mãi đến năm nay, có hai người bị nêu tên vì trách nhiệm trong việc duyệt dự án khu công nghiệp. Đó là ông Mai Đức Chọn, trưởng ban quản lý Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương và ông Lê Huy Đồng, phó trưởng ban thời điểm đó.
Thu hồi đất màu mỡ của dân rồi bỏ hoang
Hàng trăm hecta đất nông nghiệp ở khu vực xã Lai Vu (huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) đã bị thu hồi để làm KCN Tàu thủy Hải Dương (thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam – VINASHIN. Nhưng suốt tám năm qua, mảnh đất này vẫn bị bỏ hoang. Quá xót xa, đầu tháng 1 năm nay, nhân dân xã Lai Vu rồng rắn vác cuốc ra KCN tàu thủy để …vỡ đất khai hoang. Họ lên kế hoạch trong năm nay, sẽ biến KCN bỏ hoang này thành… vựa chuyên canh SXNN. 
           Hàng trăm hộ dân xã Lai Vu, ai có cuốc dùng cuốc, ai có xẻng dùng xẻng, đã cùng nhau ùa ra KCN Tàu thủy Hải Dương vỡ đất khai hoang. Chỉ trong vài ngày, nông dân đã cùng nhau vỡ hoang được diện tích hơn một mẫu đất, thuộc khu vực giáp với cổng chính của KCN Tàu thủy Hải Dương. 
 


KCN của công ty cổ phần Đại An - Hải Dương mới chỉ được lấp đầy hơn
1/3 diện trên tổng số trên 640 ha đã được phê duyệt. Ảnh: khudothimoi 

            Nông dân cùng nhau san lấp, đào hố, huy động lực lượng tập hợp cây chuối con tại các thôn trong xã đưa ra trồng tại các lô đất bỏ hoang trong KCN. Nhiều lô đất vốn là đất hai vụ lúa cực kỳ màu mỡ trước đây bị san lấp rồi bỏ hoang hóa cho cỏ dại mọc gần 10 năm qua đã được phủ xanh bằng chuối.
Chị Bùi Thị Loan, nông dân thôn 1, xã Lai Vu đang rất hăng hái vỡ hoang đất tại KCN này cho biết, hơn 8 năm qua, trong khi hàng trăm hộ dân xã Lai Vu thiếu đất SX, thiếu việc làm, thì hàng trăm hecta đất sau khi bị thu hồi để thực hiện Dự án KCN Tàu thủy Hải Dương gần như không triển khai xây dựng, mà bỏ phế thành bãi chăn thả gia súc. Riêng gia đình chị Loan cũng bị thu hồi 4/5 sào đất hai vụ lúa để nhường đất cho KCN tàu thủy.
Suốt 8 năm qua, KCN không triển khai, hi vọng có việc làm sau khi KCN mọc lên bị dập tắt, đất sản xuất không còn, cả gia đình 5 miệng ăn chỉ trông vào thu nhập từ việc đi làm thuê tắc bụp của hai vợ chồng…
Cũng ngần ấy thời gian, hàng trăm hộ dân bị thu hồi đất tại xã Lai Vu lâm tình cảnh tương tự như gia đình chị Loan. Đã thế, tình trạng hàng trăm hecta đất KCN bị thu hồi rồi bỏ hoang càng khiến nông dân thêm bức xúc và xót xa.
Mấy năm gần đây, nhiều nông dân trong xã Lai Vu cũng đã tự phát đưa trang trại ra KCN nhằm giảm thiểu ô nhiễm trong khu dân cư, hoặc tận dụng bãi cỏ để chăn nuôi gia súc. 
Ý tưởng khai hoang, tận dụng đất bỏ hoang của KCN này để tái SX nông nghiệp từ lâu đã nung nấu trong lòng nông dân Lai Vu. Vào những ngày giáp Tết này, ý tưởng đó càng bùng lên, nông dân người này bảo người kia, đã cùng nhau vác cuốc ra KCN vỡ đất.
Nông dân cho biết, họ đã lên kế hoạch rất bài bản để khai hoang KCN này, biến thành vùng SX nông nghiệp. Theo đó, người dân thuộc 3 thôn bị thu hồi đất cho KCN Tàu thủy của xã Lai Vu sẽ cùng nhau lập ra Ban điều hành SX, mỗi thôn 3 người.  

“Ngày hội khai hoang” tại KCN Tàu thủy ở Lai Vu

             Trước Tết, bà con quyết tâm hoàn thành việc vỡ đất để phá cỏ dại. Sau Tết, họ sẽ thuê máy cày để xới lại và san phẳng thành các thửa lớn để SX chuyên canh các loại cây công nghiệp. Sau đó, Ban điều hành sẽ chịu trách nhiệm chia đất cho các hộ dân, hoặc cho các hộ dân đấu thầu để trồng các loại cây ngắn ngày nhằm cải tạo đất như đậu tương, sắn dây, đu đủ… Các diện tích đất cao sẽ trồng cây ăn quả như tre lấy măng, na, ổi…, đồng thời đưa các trang trại chăn nuôi có nhu cầu ra KCN này.  
             Việc SX sẽ có Ban điều hành chịu trách nhiệm hỗ trợ nông dân mua giống, phân bón, đến SX tiêu thụ sản phẩm… Họ đặt mục tiêu trong năm 2012, nếu tình hình triển khai xây dựng của Dự án KCN Tàu thủy vẫn không có gì biến chuyển, thì sẽ biến KCN này thành vựa SX nông nghiệp của xã!

Chị Bùi Thị Loan, nông dân thôn 1, xã Lai Vu: 

“Với diện tích đất ruộng bị thu hồi của gia đình tôi khoảng 4 sào, nếu tính mỗi sào một năm là 5 tạ thóc, thì 8 năm qua là 16 tấn.

Chỉ cần tính giá thóc trung bình khoảng 4.000 đ/kg, tức đã tương đương với hơn 60 triệu đồng. Trong khi đó, lúc thu hồi đất, mỗi sào chúng tôi chỉ được đền bù khoảng 6 triệu đồng, 4 sào là 24 triệu.

Như thế, nếu quy ra thóc thì tới giờ, giá trị SX được trên diện tích ruộng bị thu hồi đã hơn gấp đôi tiền đền bù đất. Thế mà 8 năm qua, đất đó bỏ hoang, chả sinh ra đồng nào”.
 

Vụ kiện kéo dài 9 năm
Trở lại với câu chuyện bi hài của Dự án KCN Tàu thủy Hải Dương ở xã Lai Vu. Cuối năm 2003, UBND tỉnh Hải Dương đã quyết định thu hồi hơn 200 hecta đất nông nghiệp tại 3 thôn của xã Lai Vu để giao cho Vinashin.
Tuy nhiên sau đó, đa số những nông dân bị thu hồi đất cho rằng, trình tự, thủ tục thu hồi đất và công tác GPMB tại đây là sai trái pháp luật. Vì vậy, chỉ có một số ít hộ dân bị thu hồi đất chịu nhận tiền đền bù, còn lại hơn 300 hộ dân khác không nhất trí nhận tiền. Sự việc trên kéo dài đến tận năm 2012. 
Nông dân xã Lai Vu, lúc đỉnh điểm đã có hàng trăm người kéo lên các cấp có thẩm quyền ở cả TƯ và địa phương đòi giải quyết quyền lợi.
Việc khiếu nại kéo dài, đã gây mệt mỏi, tốn kém tiền của, thậm chí đình trệ cả lao động, SX nhưng tới nay vẫn chưa được giải quyết.
Trong khi đó cho đến đầu năm 2012, hiện trạng xây dựng và sử dụng đất thu hồi tại KCN Tàu thủy tại Lai Vu vẫn “án binh bất động”, với diện tích hoang hóa ước vẫn chiếm tới 2/3 tổng diện tích – tương đương với trên 100 hecta đất nông nghiệp màu mỡ suốt 8 năm qua vẫn bỏ hoang cho cỏ dại mọc. 

Ẩu như KCN

           Lật lại tình trạng lấy đất nông nghiệp của dân để làm KCN mà chưa được dân đồng tình ở Hải Dương thời “cao điểm” 2005, tại thôn Vũ La, xã Nam Đồng, Nam Sách, nhiều bà con không đồng tình cho xây nhà máy tại địa phương.
Đi dọc Quốc lộ 5 từ Hà Nội về Hải Dương, đếm ngót nghét cũng vài ba chục nhà máy. Riêng tỉnh Hải Dương, gần chục khu công nghiệp (KCN) như KCN Phúc Điền, Đại An, Nam Sách, Tân Trường, v.v... Theo quyết định của UBND tỉnh Hải Dương, hơn 2.000m2 đất tại thôn Vũ La được cấp cho Nhà máy Nhựa Hồng Hà để xây dựng nhà máy mới.
Chỉ ra cánh đồng đầu làng, nông dân Phạm Văn Hân rầu rĩ nói: “Đợi hết vụ gặt là mấy mẫu ruộng này bị san hết. Chúng tôi kiến nghị nhiều tháng rồi. Xã không hề thông qua dân để dân được bày tỏ”.
Tại thôn Vũ La, đàn ông đi xây dựng, phụ nữ đa phần theo nghề bánh đậu truyền thống, người già làm ruộng, thu nhập ít và không ổn định. Nhà máy về tạo công ăn việc làm, sao dân không đồng tình?
Năm 2003, KCN Nam Sách rộng gần 64 ha xây dựng trên địa bàn hai xã ái Quốc và Nam Đồng. Các xưởng sản xuất găng tay, nhựa, bao bì trong KCN hoạt động thâu đêm suốt sáng, tiếng rầm rì len lỏi vào giấc ngủ của từng người.

             “Chìa tay” cho doanh nghiệp? 
Ông Nguyễn Huy Đồng– Phó trưởng Ban Quản lý dự án các KCN Hải Dương thời điểm đó (2005) chia sẻ với báo chí: “Nhà máy Hồng Hà nằm trong KCN Nam Sách không thuộc phạm vi quy hoạch và quản lý của KCN. Vì thế, phải chuyển đi. Di dời đi đâu là do nhà máy tự tìm”.
Đặt nhà máy cách khu dân cư 200m có gây ô nhiễm như dân lo ngại? Khi báo chí đến Sở Tài nguyên&Môi trường tỉnh Hải Dương thì được ông Nguyễn Hoài Khanh – Trưởng phòng Quản lý môi trường, giải thích, không có tiêu chuẩn về khoảng cách tối thiểu cho phép giữa khu dân cư và khu công nghiệp.
Khi có kiến nghị của dân, Sở có yêu cầu nhà máy lập báo cáo. Ông Khanh nói: “Kết luận cho thấy Hồng Hà không gây ô nhiễm”. Dựa vào kết luận này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, ông Hoàng Bình, cho phép Hồng Hà được đặt tại vị trí mới, bất chấp sự phản đối của dân.

             Dân “lo bò trắng răng”?
Thực tế, Sở không trực tiếp kiểm tra tình hình ô nhiễm. Kết quả thế nào, Sở chỉ biết qua báo cáo từ Cty tư vấn. Nhưng số liệu đo đạc cụ thể, Sở lại không giữ.
Tìm đến Trung tâm Phân tích môi trường (số 2 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội), nơi thực hiện hợp đồng kiểm tra tình hình môi trường với Nhà máy Nhựa Hồng Hà, được biết, hợp đồng chưa hề được ký kết.
Còn ông Ngô Huy Du, GĐ Trung tâm, thừa nhận Trung tâm mới phân tích hiện trạng sản xuất chứ chưa hề đánh giá tác động môi trường của dự án. Nhà máy Nhựa Hồng Hà cũng chưa lập báo cáo tác động môi trường. Vậy mà báo cáo gửi lên UBND tỉnh lại khẳng định nhà máy mới không gây ô nhiễm (!?).
 
        Theo Tienphong/ Nongnghiep.

                                                       

1 nhận xét:

  1. Sống chết thì mặc chúng bay
    Có "MẦU" DỰ ÁN ông đây ký liền !

    Trả lờiXóa