Bài đăng phổ biến

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

HẢI DƯƠNG : Kỳ án hiếp dâm ở Tứ Kỳ

                                                                     
Hải Dương:  Kỳ án "hiếp dâm" ở Tứ Kỳ: Những mâu thuẫn trong bản án
          GiadinhNet - Tháng 9 năm 2005 tại địa bàn xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương đã xảy ra một vụ hiếp dâm ở bờ đê sông Vạn.
          23 ngày sau, Công an huyện Tứ Kỳ đã điều tra và bắt được 6 đối tượng. Mọi việc tưởng như chấm hết, khi những kẻ xấu đã bị trừng trị. Nhưng không! Người thân các phạm nhân cho đến tận bây giờ vẫn cho rằng con em mình bị oan.  
         Tất cả bắt đầu từ một mẩu giấy ghi nguệch ngoạc:“Bố mẹ ơi! Con bị oan!” được ném ra từ ô tô của Cơ quan điều tra trong 6 người lúc bị bắt.
         Mâu thuẫn ngày tháng

         Hãy khoan chưa nói đến những tình tiết trong đêm xảy ra vụ hiếp dâm. Ngay ở những tài liệu mà PV chúng tôi thu được trong quá trình xét xử đã có nhiều mâu thuẫn.
         Cụ thể trong lời khai của các bị cáo ghi: Phạm Quốc Trưởng bị bắt 14 giờ chiều ngày 26/9/2005 tại nhà. Nguyễn Văn Thuyên: 2 chiều thứ 2 ngày 26/9/2005 tại Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Tứ Kỳ. Nguyễn Văn Thìn: 14 giờ chiều ngày 26/9/2005 tại nhà. Mai Thanh Hải: 9 giờ sáng ngày 27/9/2005. Lê Văn Phương: đến cơ quan điều tra tối ngày 26/9/2005. Vũ Đình Ý: ngày 27/9/2005 tại cổng trường THCS Minh Đức.
          Cuối năm 2010 chúng tôi về Tứ Kỳ, trong quá trình tìm hiểu đã gặp được Hoàng Văn Dũng, người cách đây 5 năm cũng bị cơ quan điều tra bắt cùng ngày với Nguyễn Văn Thuyên. Sau chừng ấy thời gian, Dũng vẫn nhớ như in cái ngày đó. Dũng kể: “Em bị bắt cùng với Thuyên trong giờ học tiết 2 buổi chiều thứ 2 ngày 26/9/2005”. Ông Vũ Đình Thuận bố của Vũ Đình Ý cũng khẳng định: Con ông bị bắt vào ngày 27/9/2005. 

          Vậy mà trong bản án sơ thẩm số 29/2006/STHS và cả bản án phúc thẩm của Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương số 37/2007/HSPT đều khẳng định các bị cáo bắt giam từ ngày 29/9/2005.
          Một chi tiết đáng lưu ý là Nguyễn Văn Thuyên bị bắt tại tiết học thứ 2 chiều ngày 26/9/2005 nhưng Cơ quan điều tra đã có bản khai của Thuyên hồi 8 giờ ngày 26/9/2005.
           Trong quy trình xét xử vụ án này, ông Vũ Đình Thuận không khỏi băn khoăn về tính khách quan của cơ quan thực thi pháp luật. Ông Thuận cho biết: “Đây là một vụ án không có chứng cứ trực tiếp, nhưng những chứng cứ liên quan thì vẫn có;  Tại sao cơ quan điều tra không có trưng cầu giám định 2 nửa chiếc áo nịt ngực của người bị hại, không làm rõ, xác định cụ thể loại tiền bị hại bị mất, không trưng cầu giám định tỷ lệ phần trăm mất sức khoẻ của bị hại làm căn cứ để mà xét xử”?
            Cái ngày Ý bị bắt giữ, ông Thuận không khỏi ân hận khi đã vội vàng ký vào bản xác nhận để rồi đó là chữ ký hợp thức hoá chính thức đưa con ông vào vòng lao lý.
           Tại thời điểm bị bắt Ý chưa được 16 tuổi, ngoài những quy định chung được áp dụng cho tất cả các bị cáo chưa thành niên, trong trường hợp này khi lấy lời khai bắt buộc phải có mặt của giám hộ. Nhưng lúc ông Thuận hay chuyện thì bản khai đã được thực hiện xong.
          “Nghe chuyện tày trời, tôi giận con lắm, vừa giận vừa xấu hổ. Ngay thời điểm đó, thiết nghĩ con mình hư đốn hãy để cho pháp luật trừng trị. Đến cơ quan điều tra, đã thấy bản khai của con, tôi cũng chỉ kịp đọc qua qua rồi cũng ký vào. Cũng chỉ vì chữ ký đó mà làm tôi day dứt bao nhiêu năm nay kể từ ngày nhận thấy con mình mang án oan sai”.
           Những dấu chấm hỏi  
          Tại bút lục 300, Nguyễn Thị X- thôn P. L, xã Nghĩa An, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương (người bị hại) khẳng định: “Khi chúng tôi ngồi khoảng 30 phút, tôi có quay ra hướng cánh đồng nhìn thấy có 5 thanh niên  đang bò lóp ngóp từ cánh đồng lên bờ đê. Khi tôi nhìn thấy 5 thanh niên đó thì họ đã đến gần chúng tôi. Tôi có bảo anh H. (bạn trai đi cùng) “Anh H. ơi có mấy đứa bò lóp ngóp kia kìa”; Anh H. nói “Kệ nó, không sao đâu”. 
           Trước đó, trong lá đơn đề nghị gửi Công an huyện Tứ Kỳ của chị Nguyễn Thị X. lại viết: “Đang ngồi chơi thì có năm thanh niên đến đuổi đánh anh H. (bạn cô X.- PV) làm anh H. bỏ chạy. Hai thanh niên đuổi theo. Ba người còn bịt mồm... rồi thay nhau hãm hiếp tôi. Sau đó hai thằng đuổi đánh anh H. cũng quay lại hiếp tôi”. Như vậy theo lời khai của chị X. thì chỉ có 5 thanh niên làm chuyện đồi bại ấy. Nhưng vụ án này lại có tới 6 bị cáo bị tuyên phạt vì tội hiếp dâm. Sự khó hiểu này là do đâu?
          Tất cả các tài liệu của cơ quan điều tra đều khẳng định: Sau khi lên thôn Tông về, cả bọn rủ nhau đến cống Thổ Kỳ (trạm bơm) thôn Quàn, xã Minh Đức ngồi chơi. Khi nhìn thấy đôi thanh niên chở nhau ra bờ đê sông Vạn thuộc địa phận thôn Quàn, xã Minh Đức để tâm sự, Trưởng bảo cả bọn đi về phía đôi trai gái ấy.
          Trong khi đó anh H. lại khai như sau: “Tôi rủ X. đi chơi và tôi lai X. ra đê thôn Vũ Xa rồi theo đường đê đi một đoạn nữa mới qua khu vực bụi tre... Qua bụi tre khoảng 200m thì dừng lại”. Chị X. cũng khẳng định rằng: “Anh H. lai tôi ra đê, đoạn đê cách thôn đó khoảng 500, thì chúng tôi ngồi ở đó”. Qua các lời khai của người bị hại cùng với xác nhận của người dân địa phương về thực tế chiều dài đoạn đê, khẳng định đôi nam nữ này đã đi theo bờ đê thôn Tông qua nơi có mấy bụi tre, ra bờ đê sông Vạn cách bụi tre khoảng 200m thì dừng lại. 
           Nhìn qua thực tế hiện trường vụ án qua bản đồ do Xí nghiệp trắc địa bản đồ 204 đo đạc đã được Sở địa chính Hải Dương, UBND huyện Tứ Kỳ và UBND xã Minh Đức xác nhận độ chính xác, chúng tôi nhận thấy: Từ cống Thổ Kỳ nơi các bị cáo ngồi chơi đến chỗ đôi trai gái ngồi tâm sự cách nhau 820m. Đường đi của đôi trai gái và các bị can là từ hai phía đối ngược nhau. Chưa nói đến ban đêm, ban ngày cũng khó có thể quan sát được đường đi của đôi nam nữ. 
                                                                                                                     Thúy Quang thực hiện

         Kỳ án “hiếp dâm” ở Hải Dương: Những dấu hiệu bất thường
           Đã gần 6 năm trôi qua, nhưng theo ông Huệ, hiện trường vụ án không có gì thay đổi lớn.   Sau khi quan sát hiện trường qua bản đồ do xí nghiệp trắc địa bản đồ 204 thực hiện, ngày Vũ Đình Ý được trở về sau khi đã thụ án, tôi cùng Ý và ông Nguyễn Văn Huệ- Bí thư chi bộ 2 (thôn Phúc Lâm, xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ) trở lại hiện trường vụ án.    
            Thời điểm xảy ra vụ án hiếp dâm là đêm 3/9/2005. Đã gần 6 năm trôi qua, nhưng theo ông Huệ, hiện trường vụ án không có gì thay đổi lớn. Nơi được cơ quan điều tra xác nhận là địa điểm xảy ra vụ hiếp dâm nằm khá xa khu dân cư. Qua bao nhiêu năm, cống Thổ Kỳ nơi đặt trạm bơm ở thôn Quàn và những rặng tre um tùm xanh lá, các địa điểm vật chứng trong vụ án vẫn còn đó.
           Trở lại hồ sơ vụ án, tại bút lục 304, chị X (người bị hại) khai rằng: “Anh H lai tôi ra đê đoạn cách thôn đó (thôn Tông- PV) khoảng 500m thì chúng tôi ngồi ở đó”. Tại bút lục số 266, anh H khai rằng: “Đi đến cổng đám cưới (một đám cưới trong thôn Tông) tôi lại không vào nữa vì ngại không quen biết với chú rể, sau đó tôi rủ X đi chơi và tôi lai X ra đê thôn Vũ Xá rồi theo đường đê đi một đoạn nữa qua khu có mấy bụi tre”... “Qua bụi tre khoảng 200m thì dừng lại”.
          Qua lời khai của chị X và anh H, chúng tôi đã thị sát hiện trường và khẳng định đường đi của đôi trai gái này không hề qua trạm bơm (thôn Quàn, xã Minh Đức) - nơi 6 thanh niên đang đứng chơi ở đó .
           Ông Vũ Trọng Loan ở thôn Vũ Xá (Quang Khải, Tứ Kỳ), người có diện tích chuyển đổi đất ở khu vực này xác nhận độ dài từ trạm bơm đến nơi đôi trai gái ngồi tâm sự là 1.120m. Bà Nguyễn Thị Tách ở xóm 1 (nhà cạnh trạm bơm, thôn Quàn) và ông Nguyễn Văn Quyến ở xóm Chùa (thôn Quàn) đều khẳng định không thể nhìn thấy gì nếu đứng ở khu vực kể trên nhìn ra hiện trường vụ án. “Thực tế chỉ nhìn được khoảng 300m vì đường cong, kết hợp với cây cối che khuất tầm nhìn”, bà Tách cho biết. “Không những đoạn đường này cong mà tầm nhìn còn bị khuất bởi vướng cây vải và nhãn. Dọc theo tuyến đường này, hai xã Quang Khải và Minh Đức đã cho chuyển đổi trồng cây lâu niên vào khoảng năm 2000, nên tán cây cao khoảng 3-4m”, ông Vũ Trọng Loan khẳng định.
             Qua thực tế của chúng tôi tại hiện trường, đường đi từ trạm bơm (cống Thổ Kỳ) đến bụi tre nơi đôi trai gái năm xưa ngồi tâm sự bị cản trở bởi hàng nhãn, vải xen kẽ với những hàng chuối bên trái bờ sông. Thật khó có thể nói là đứng ở trạm bơm thôn Quàn mà quan sát thấy một đôi trai gái ngồi tâm sự được.
            Những bản cung bất thường
            Quay lại hồ sơ vụ án này, ở kỳ 1 loạt bài này, chúng tôi đã đề cập đến việc mâu thuẫn về ngày tháng bắt giữ các bị cáo. Các bị cáo và những người làm chứng khẳng định các bị cáo bị bắt lần lượt từ ngày 26/9/2005 đến ngày 27/9/2005. Trong khi đó, bản kết luận điều tra tại toà khẳng định các bị cáo đều bị bắt trong ngày 29/9/2005. Để rồi từ đó, các bị cáo thực thi bản án kể từ ngày 29/9/2005. Vì sao có sự mâu thuẫn về ngày tháng đó? 
            Chưa nói sự mâu thuẫn về ngày tháng đó không thấy được làm sáng tỏ tại các phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm thì ngay trong quá trình làm thủ tục tố tụng đã có những dấu hiệu bất thường. Luật sư Hoàng Văn Thâu, Trưởng phòng Luật sư Hải Lý (thuộc Đoàn luật sư tỉnh Hải Dương), người bào chữa cho các bị cáo đã chỉ ra những bất thường: “Vụ án hình sự nêu trên, được Quyết định KTVAHS ngày 26/9/2005, ngày 28/9/2005 cả 6 học sinh này bị KTBC và bị bắt để tạm giam. Nhưng, kể từ tiết học thứ hai, ngày 26/9/2005 (khoảng 14 giờ), cơ quan CSĐT Công an huyện Tứ Kỳ đã tạm giữ Phạm Quốc Trưởng, Nguyễn Văn Thìn và Nguyễn Văn Thuyên. Ngày hôm sau (27/9/2005), tạm giữ tiếp Vũ Đình Ý và Mai Thanh Hải mà không hề có lệnh tạm giữ và phê chuẩn việc tạm giữ của Viện KSND cùng cấp”.
             Luật sư Phạm Văn Lợi, Trưởng văn phòng Luật sư Việt Trung (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) cho rằng: “Trong thời gian từ 26 - 29/9/2005, Cơ quan điều tra huyện Tứ Kỳ đã có 23 biên bản ghi lời khai của các bị cáo không có giám hộ hợp pháp. Đặc biệt, thời điểm bị cáo Vũ Đình Ý bị bắt giữ, bị cáo chưa được 16 tuổi. Ngay từ ban đầu, CQĐT huyện Tứ Kỳ khi thực hiện các biên bản hỏi cung bị cáo Ý đã xác định ngày tháng năm sinh của bị cáo 18/10/1990. Trường hợp này, bắt buộc khi lấy lời khai, hỏi cung bị cáo phải có mặt của giám hộ đương nhiên của bị cáo là bố mẹ đẻ. Họ có đầy đủ điều kiện để tham gia tố tụng với tư cách là giám hộ không cố ý không tham gia. Nhưng CQĐT lại dùng thầy cô giáo với tư cách là giám hộ. Theo quy định, muốn xác định các thầy cô giáo làm giám hộ cho các bị cáo phải có quyết định. Nhưng trong hồ sơ vụ án không thể hiện điều này”.
           Tại phần thủ tục xét hỏi tại phiên toà sơ thẩm ngày 08/12/2006, các giám hộ cho 6 bị cáo là ông Nguyễn Đại Phong, bà Lương Thị Chung, bà Trần Thị Nga, ông Nguyễn Quang Xế, ông Nguyễn Mạnh Hùng, bà Nguyễn Thị Mai đều công tác tại Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Tứ Kỳ. Bà Phạm Thị Hoài, công tác tại Trường THPT bán công Hưng Đạo.
           Ông Nguyễn Văn Khải, công tác tại Trường CĐ Sư phạm Hải Dương. Cả 8 người giám hộ lần lượt được chủ toạ phiên toà hỏi về quá trình giám hộ cho các bị cáo. Điều đặc biệt là phần trả lời của các giám hộ đều cho thấy không có một ai có mặt đầy đủ trong cả thời gian điều tra viên lấy bản cung. Tại phiên toà, bà Trần Thị Nga, người giám hộ cho bị cáo Vũ Đình Ý cho biết: “Tôi không dự từ đầu đến cuối nhưng lúc đầu tôi có mặt và gần cuối tôi có mặt. Tôi có đọc lại, tôi hỏi các em, các em không có ý kiến gì và nhất trí thì tôi ký”.
           Còn bà Nguyễn Thị Mai cho biết như sau: “Tôi giám hộ cho em Thìn. Trong lúc tôi tham gia giám hộ, tôi ký vào biên bản hỏi cung của Thìn nhưng tôi không nhớ rõ mặt học sinh”. Chủ toạ hỏi: “Tại sao bà không biết mặt học sinh mà bà ký vào biên bản?”. Bà Mai trả lời: “Tôi không biết, tôi chỉ ký chứ không được tham gia từ đầu”.
            Ông Nguyễn Văn Khải, người giám hộ cho bị cáo Phương trả lời trước toà rằng: “Tôi không tham gia từ đầu, nhưng khi gần kết thúc tôi có tham giam giám hộ em Phương. Tôi và em Phương được nghe cán bộ điều tra đọc bản khai của em Phương và tôi có hỏi em Phương, em không thắc mắc gì nên tôi ký”... Lần lượt các giám hộ khác cũng cho biết không ai dự trọn vẹn một cuộc lấy cung nào.
                                                                                                                           Theo Gia dinh
 
                    
Kỳ án “hiếp dâm” ở Tứ Kỳ, Hải Dương: Đối chứng
           GiadinhNet - Giữa hồ sơ vụ án, kết luận điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra, Bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân với lời khai của bị hại và nhân chứng khi đối chứng lại thì lộ rõ rất nhiều mâu thuẫn. 
            Đó là những mâu thuẫn về thời gian, về không gian và cả sự việc cụ thể.
           Thời gian  
           Người bị hại, chị Nguyễn Thị X. trong lời khai trước phiên toà sơ thẩm, đã xác định thời gian xảy sự việc đám thanh niên làm trò đồi bại với mình: "Tối hôm đó, tôi và anh H. đi chơi. Khi ra đến đê, đang ngồi tâm sự, tôi thấy mấy người đi lấp loáng ở sau đê, sau đó có người đến hỏi tôi, chị ở đâu? Tôi bảo ở Hải Dương. Sau đó có người cầm gậy vụt anh H. anh H. tránh được và bỏ chạy, có 2, 3 tên đuổi theo anh H. còn lại mấy tên khác, tôi không nhớ rõ mặt xông vào vật tôi ra, người giữ chân, người giữ tay. Tôi kêu cứu thì có đứa nói: "Bà mà kêu lên, tôi đâm chết". Tôi sợ quá không dám kêu nữa... lúc đó khoảng 8 giờ 30 phút đến 9 giờ tối ngày 3/9/2005”.  
            Lời khai của chị X. phù hợp với lời khai của bà Vũ Thị Tịnh ở thôn Tông, xã Quang Khải (bút lục 678): "...tiếng người con gái lạ xuất hiện bên kia bờ mương, hỏi mượn đèn pin, lúc ấy khoảng hơn 9 giờ một ít...".   
            Thực tế tại hiện trường vụ án, từ nơi xảy ra phạm tội vào đến bờ mương gần nhà trông vườn của bà Tịnh khoảng 200m. Sự việc xảy ra vào khoảng 8 giờ 30 phút. Sau khi sự việc xảy ra, chị X mới dong xe máy vào khu bờ mương gần nhà trông vườn của bà Tịnh, vào "thời điểm ấy mới hơn 9 giờ một ít".  
           Ở một khía cạnh khác, một lời khai rất quan trọng của nhân chứng lại mở ra tình tiết mới của sự việc. Chị Vũ Thị Ngọc thôn Quàn, xã Minh Đức đã cung cấp cho Văn phòng Luật sư Hải Lý thuộc Đoàn luật sư tỉnh Hải Dương- đơn vị có luật sư bào chữa cho các bị cáo rằng: "Vào khoảng 8 giờ 30 phút tối ngày 3/9/2005, khi đi nổ bỏng ngô về đến gần quán máy xát nhà ông Kiềm, chị Ngọc thấy các bạn là Hải, Phương, Thìn, Thuyên, Trưởng đang ngồi chơi nói chuyện với một bạn nữa, mặc áo đen ngồi đối diện nên chị Ngọc không rõ mặt là ai... chị Ngọc đã đưa bỏng ngô cho các bạn ăn cho vui (Bút lục 682)", (Trích từ Đơn kháng cáo của trưởng văn phòng luật sư Hải Lý, thành phố Hải Dương).   
             Trong khi đó, bản Kết luận điều tra vụ án số 24/KLĐT của cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Hải Dương ngày 18/1/2006 thì khẳng định: "Vào khoảng 20 giờ 30 ngày 3/9/2005... đến cống Thổ Kỳ, cả bọn ngồi chơi ở đây. Khi quan sát thấy anh H. đi xe máy chở chị X. ra bờ đê sông Vạn đỗ xe máy, ngồi tâm sự. Ngay lập tức Trưởng bảo Hải, Ý, Thìn, Thuyên, Phương mỗi người cầm một đoạn ông tuýp sắt để cùng Trưởng đi về phía anh H. chị X... Phương, Thuyên vung ống tuýp sắt vụt anh H...". 
           Một mâu thuẫn về thời gian nữa: Tại bản kết luận điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra và bản Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương cùng xác định: "...Sau khi gặp các bị cáo này trên đường từ thôn Tông về đến gần ao cá của ông Thép (thôn Quàn, xã Minh Đức) ở bên đường, vào lúc gần 10 giờ tối ngày 3/9/2005..." (Bút lục 677). Riêng bà Huy (thôn Quàn, xã Minh Đức) đã khẳng định tại Bút lục số 681 rằng: "Không hề bán rượu và đồ nhắm rượu cho cháu Trưởng và các bạn của cháu vào tối khuya ngày 3/9/2005...".
            Sự việc    
          Trong các lời khai của chị Nguyễn Thị X. đều xác định bọn tội phạm bò lổm ngổm từ dưới chân đê phía đồng lên mặt đê... khi đến gần chỗ chị X. và anh H. ngồi, chị X. thấy bọn chúng đều mặc quần đùi, cởi trần, không có đứa nào mặc áo.
         Thế nhưng, bản kết luận điều tra và bản Cáo trạng đều xác định: "Từ phía bụi tre ra chỗ anh H. chị X. ngồi, cả bọn đi làm hai tuyến: Phương, Thuyên, Hải đi trên mặt đê, còn Trưởng, Ý, Thìn đi dưới chân đê... Cả 6 bị can này, tối ngày 3/9/2005, khi đi chơi và định đi đánh nhau đều mặc quần dài, áo dài hoặc áo cộc tay, không có ai cởi trần...".
           Cũng trong các lời khai trên, chị X. khẳng định: "Khi bọn chúng thực hiện hành vi đồi bại với tôi xong, thì đứa nào cũng cầm chiếc quần đùi độc nhất và chạy đi; khi đứa đầu tiên chạy đi, thì có một đứa nói theo: "Đừng về làng vội, đi chơi đâu đó đến khuya hãy về nhà ngủ""(Bút lục 676). Nội dung này lại mâu thuẫn với kết luận điều tra và bản Cáo trạng khi xác định là: "... khi thực hiện hành vi hiếp dâm chị X. xong, cả bọn vẫn ở đó, đứa thì đứng, đứa thì ngồi chung quanh, khi một đứa móc túi quần của chị X. lấy tiền, thì cả bọn cùng về làng...". 
            Căn cứ vào lời khai hai người bị hại, thì cả anh H. và chị X. đều xác định: "Có một đứa đánh anh H. khi anh H. bỏ chạy thì có hai đứa đuổi theo đánh anh H...". Thế nhưng một lần nữa bản kết luận điều tra và bản Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh lại xác định: "Bị cáo Phương và Thuyên là người vung ống tuýp sắt lên định vụt anh H. khi anh H. sợ bỏ chạy xuống bờ sông, thì Hải, Phương, Thuyên, mỗi người cầm một ống tuýp đuổi theo anh H.". Như vậy là có điểm khác nhau về số người phạm tội. Giả thiết là đúng nhóm này phạm tội thật thì ba kẻ định đánh đuổi anh H. phải là một trong ba người dưới chân đê lên khi anh H. chạy xuống phía đó là Trưởng, Thìn, Ý chứ không thể là Hải, Phương, Thuyên.  
            Ở một tình tiết khác, chị Nguyễn Thị X. cho rằng bọn tội phạm móc túi quần của chị lấy mất 240.000 đồng, gồm 4 tờ giấy bạc loại 50.000 đồng và 2 tờ giấy bạc loại 20.000 đồng. Bản Kết luận điều tra và bản Cáo trạng đều khẳng định bị can Phạm Quốc Trưởng là kẻ đã cướp số tiền 240.000 đồng. Nhưng, số giấy bạc lấy được, Trưởng đã khai mâu thuẫn với lời khai của chị X. Cụ thể, lúc đầu Trưởng khai lấy được 240.000 đồng bao gồm một tờ giấy bạc loại 100.000 đồng, hai tờ giấy bạc loại 50.000 đồng, hai tờ giấy bạc loại 20.000 đồng. Sau đó Trưởng lại khai là: ...có 2 tờ giấy bạc loại 100.000 đồng và 2 tờ giấy bạc loại 20.000 đồng.  
            Có quá nhiều mâu thuẫn trong vụ án này. Đáng tiếc những mâu thuẫn này đã không được làm rõ trong phiên toà phúc thẩm một cách thoả đáng.
                                                                                                           An Quỳnh thực hiện


Kỳ án “hiếp dâm” ở Tứ Kỳ, Hải Dương: Đi tìm cô gái bị hại
          GiadinhNet - Ra khỏi trại giam, Vũ Đình Ý mong muốn được gặp lại X., cô gái bị hại trong vụ án “hiếp dâm cướp của ở Tứ Kỳ”. Ý tìm gặp không phải vì sự hằn thù, không phải vì ghét bỏ mà gặp lại để mong có thêm chứng cứ nào đó để mình và các bạn thắp thêm cơ hội được minh
oan.
          Cuộc gặp sau hơn 5 năm   
          Được mãn hạn tù từ tháng 12/2010, sau 5 năm trời, Ý lại được ăn cái Tết ấm cúng cùng gia đình, người thân. Trong đầu Ý lúc nào cũng có mong muốn được một lần gặp lại cô gái bị hiếp dâm đêm 3/9/2005, mong được chia sẻ thêm thông tin bổ sung vào hồ sơ để Ý và các bạn tiếp tục nỗ lực kêu oan. Nhưng thông tin về chị X càng ngày càng mất hút. Kể từ sau phiên toà phúc thẩm, không ai trong số những gia đình có con phải ngồi tù biết được tung tích của chị X.   
          Từ ngày được tự do, Ý làm chân vận chuyển gas cho một cửa hàng trên thị trấn. Trong quá trình làm việc, Ý không quên hỏi han về tung tích cô gái mà mình gặp tại phiên toà 5 năm trở về trước nhưng vẫn không ai hay biết.  
           Mấy lần sang quê chị X ở Phù Lịch (huyện Ninh Giang, Hải Dương) để hỏi thăm, Ý lại đứng trước cổng nhà bố mẹ đẻ của chị X mà không dám vào nhà. “Sau phiên toà, nhiều người trong gia đình chúng em vì quá thương con đã có to tiếng với chị X, trách rằng vì chị ấy mà chúng em phải ngồi tù oan. Cho nên em sợ mâu thuẫn giữa 2 gia đình chưa được giải toả nên không dám vào nhà bố mẹ chị ấy hỏi thăm”, Ý tâm sự. Một số bà con lối xóm nhà chị X cho biết, chị này đã theo chồng sinh sống ở Hoà Bình từ ngày đấy đến nay không thấy quay về. Vậy là chị X đã bặt vô âm tín.
           Một ngày đầu tháng 3 này, sau nhiều lần đắn đo, Ý đã nhờ cha mẹ và anh Nguyễn Văn Huệ, Bí thư chi bộ 2 (thôn Phúc Lâm, xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ) sang nhà bố mẹ chị X để làm “công tác tư tưởng” và hỏi thăm chị X. Khác với suy nghĩ ban đầu của mọi người, bố chị X đã mở lòng và cố gắng tạo điều kiện để 2 “người cũ” gặp lại nhau.
         Trong cái tiết trời se lạnh của những đợt rét cuối cùng, tôi và Ý phóng xe máy đến xã Phù Lịch tìm gặp lại nạn nhân năm nào, người đóng vai trò rất quan trọng trong vụ án này. Chúng tôi có mặt tại nhà bố mẹ chị X lúc đồng hồ đã điểm quá trưa. Cả gia đình vừa dùng bữa xong, bố chị X ngoài 60 tuổi, điềm tĩnh chậm rãi nói: “Thật may cho các anh, con gái tôi từ Lạc Thuỷ (Hoà Bình) vừa về thăm nhà được mấy bữa nay. Nhưng chút nữa mới về, nó ra ngoài có việc”.
           Nôn nao chờ người con gái năm nào gặp chuyện không may, tôi nhận thấy được vẻ khá căng thẳng hiện lên trên gương mặt Ý khi chốc chốc lại nhìn ra phía cổng. Có người phụ nữ bước vào nhà, nếu không được người cha giới thiệu thì không ai nghĩ đó là cô gái bị hại năm nào. Chị X năm nay tuy mới 33 tuổi nhưng có lẽ vì cuộc sống vất vả hay vì cả những ưu tư dằn vặt của cái đêm buồn ấy đã khiến chị già hơn so với tuổi khá nhiều. Chị so với Ý giống như hai cô cháu.
             “Tôi không biết người này”
           Sau một hồi lâu ngập ngừng, Ý chợt hỏi chị X: “Chị còn nhớ em nữa không?”. Tôi đọc được vẻ ngơ ngác trên nét mặt của chị X. Chị nhìn lại Ý, rồi lại đưa mắt nhìn sang người khác, cái ánh mắt thể hiện sự không hiểu chuyện gì. Không thấy chị X trả lời, Ý lại cất tiếng: “Em gặp chị ở... toà!”. Lúc này chị X mới xua tay lắc đầu: “Tôi không biết người này”.
          Tôi gặng hỏi về cái đêm buồn 5 năm trở về trước, chị X buồn không nói, nước mắt trào dâng. Sau một hồi định thần lại, chị cho biết: “Sự việc đã xảy ra lâu rồi, bây giờ tôi cũng không thể nhớ chính xác nó như thế nào. Hồi đó tôi đã khai báo với cơ quan điều tra và luật sư cả rồi”.
          - Tối hôm ấy, anh chị đi xe máy ra bờ đê ngồi, trước khi bị đuổi đánh, anh H. có khoá cổ xe, vậy làm thế nào mà chị dắt được xe máy về nhà bà Tịnh nhanh thế? - Tôi hỏi.
-         Không biết nữa - Chị X trả lời.
-  Trạc tuổi của đám thanh niên làm trò đồi bại ấy với chị khoảng bao nhiêu tuổi, có phải bọn trẻ mới lớn tầm Ý đây không?
            - Tôi hỏi tiếp.
            - Trời tối, hoảng hốt. Tôi không biết.
            - Chị X vừa nói, vừa chực khóc.
            Có lẽ vì thời gian đã khá lâu, vả lại đó là sự việc đáng quên nên bây giờ nhắc lại, chị X đã không nói thêm được điều gì. Duy chỉ có một điều đến bây giờ chị vẫn nhớ rõ mồn một rằng chị không hề khai báo với cơ quan điều tra về sự việc đêm hôm đó. Ngay sau khi bị ức hiếp, cướp tiền, chị đã về nhà ngủ và không kể chuyện này cho bố mẹ hay bất cứ một người nào khác. “Đây là chuyện không hay, bố mẹ tôi còn không dám kể, huống gì nói với người khác hay khai báo với cơ quan điều tra. Cho nên tôi không hề chủ động viết một lá đơn trình báo nào hết”, nói rồi chị X lại lặng thinh.
           Nãy tới giờ, người cha mái đầu đã điểm bạc ngồi trầm ngâm nghe con gái trình bày. Bất chợt, ông phá vỡ không khí im lặng đến nặng nề: “Nói thật với các anh, nó (chị X) vốn không phải là người khôn ngoan, nhanh nhẹn, tháo vát gì cho cam. Học hành không đến nơi đến chốn, hiện giờ nó làm gì biết chữ. Đã biết chữ đâu! Chỉ tập toẹ viết được đôi ba chữ nhưng chữ khó đọc và sai chính tả nhiều lắm. Ngay cả bây giờ đi làm, tính tiền công, cộng trừ nhân chia cũng phải nhờ em gái làm hộ. Chuyện đơn từ trình báo chắc là do ai đó hướng dẫn”.
            Lục trong hồ sơ vụ án này, tôi tìm được lá đơn nguệch ngoạc sai chính tả khá nhiều, phía dưới có chữ ký của chị X thì ắt hẳn là chị viết rồi. Nhưng trình độ của một người đọc chưa thông, viết chưa thạo lại viết một lá đơn khá lôgích theo mẫu thì có lẽ đúng như bố chị nhận định: Có ai đó hướng dẫn.
           Bố chị X cho biết: “Sự việc xảy ra mà tôi đâu có hay biết gì. Ngay cả phiên toà ở huyện xét xử liên quan đến con gái mình, tôi cũng không hề biết gì cả. Cho đến khi lên tới tỉnh tôi mới hay biết. X giấu bố mẹ. Nhưng đây cũng là vụ án “người ta” chủ động làm việc chứ chúng tôi, người nhà của bị hại không hề hay biết gì. Nếu biết trước, bản thân tôi sẽ chủ động im lặng giải quyết vấn đề này bởi sự việc không hay gì đối với con gái mình. Giá như ngày ấy, bố mẹ các bị cáo mà sang trao đổi với chúng tôi thì có khi sự việc lại khác đi”.
           Chuyện đời của chị X cũng “làm cho gia đình phải bao phen”, bố chị X cho biết như vậy. Là con thứ 2 trong gia đình, 8 năm trước, chị X đã cưới một chàng trai Hoà Bình và có một cô con gái. Cuộc sống tưởng chừng êm ấm thì lại có “cái đêm hôm ấy” làm đảo lộn cuộc sống của chị và cả gia đình.
           “Đến bây giờ chồng X vẫn chưa biết sự việc này. Ngay từ đầu, chúng tôi không muốn làm to chuyện. Bây giờ cũng thế. Nhưng nếu thực sự các cháu này bị oan thật thì chúng tôi sẵn lòng hợp tác với cơ quan điều tra tìm ra đúng thủ phạm. Nếu quả thực các cháu bị ngồi tù oan thì tôi cũng áy náy, day dứt lắm”, người cha già tâm sự.
            Tôi hỏi: “Nếu biết 6 thanh niên này bị oan ức thật thì chị có nhiệt tình giúp đỡ cơ quan điều tra tìm hung thủ đích thực không?”. Chị X trả lời gãy gọn và rõ ràng: “Có chứ ạ!”, khác với giọng điệu nho nhỏ, buồn buồn khi cố nhớ lại chuyện cũ.  
                                                                                     An Quỳnh thực hiện
             
           Kỳ án "hiếp dâm" ở Tứ Kỳ, Hải Dương: Quan điểm của luật sư
           Vì đây là một "vụ án kỳ lạ" nên các luật sư vẫn còn nhớ rõ các tình tiết trong vụ án.
           Xung quanh những chi tiết bất thường của vụ án "hiếp dâm và cướp của ở Tứ Kỳ", chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Hoàng Văn Thâu, Trưởng văn phòng luật Hải Lý và luật sư Đỗ Văn Chung, Trưởng văn phòng luật Thiên Bình (Hải Dương) - những luật sư từng bào chữa cho 6 bị cáo.
          Tuy vụ án này đã trôi qua hơn 5 năm, thời gian xét xử vụ án này cũng gần bằng chừng ấy thời gian, nhưng vì đây là một "vụ án kỳ lạ" nên các luật sư vẫn còn nhớ rõ các tình tiết trong vụ án.

                            Luật sư Hoàng Văn Thâu: “Tòa đã bỏ đi căn cứ trực tiếp”
          Là người tham gia bào chữa cho các bị cáo cả hai phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm, luật sư Hoàng Văn Thâu đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với chúng tôi về vụ án này.
         Ông cho rằng, cả hai phiên toà đã bỏ qua căn cứ trực tiếp. Vậy theo ông, những căn cứ trực tiếp đó là gì?
         - Các chứng cứ trực tiếp không được đưa ra đánh giá tại phiên toà rất rõ. Cô X là người bị hãm hiếp vậy thì cơ quan chức năng phải đưa bị hại đi giám định để chứng minh có phải bị như thế không. Chiếc áo ngực của bị hại cũng phải được đưa ra giám định.
         Ông có thể chỉ ra những mâu thuẫn trong vụ án này?
         - Đó là những mâu thuẫn về thời gian, mâu thuẫn giữa các lời khai. Xem hồ sơ, có đủ cơ sở để chứng minh cơ quan điều tra đã vi phạm trật tự tố tụng. Tôi lấy dẫn chứng: Khi bắt phải có lệnh phê chuẩn; Ghi lời khai của 6 bị can đã vi phạm thủ tục; Dùng thầy, cô giáo giám hộ, khai xong mới xin chữ ký người giám hộ. Các giám hộ không chứng kiến toàn bộ những lần lấy lời khai. Đúng ra, bố mẹ các bị cáo mới là người giám hộ. Chúng tôi không thấy một lá đơn từ chối làm giám hộ nào từ phía bố mẹ bị cáo nào, vậy tại sao họ không được làm giám hộ? Thêm nữa, phiên toà sơ thẩm đã lùi ngày xử quá hạn 2 tháng 14 ngày mới đưa ra xét xử.
          Những mâu thuẫn này được ông trình bày trước toà thế nào?
          - Tôi cung cấp chứng cứ tại toà, nhưng chủ toạ bảo làm thế là chậm, đáng ra phải cung cấp trước phiên toà.
         Được biết, luật sư đã có buổi làm việc với cô X, vậy tại sao buổi làm việc ấy bị cơ quan điều tra coi là không hợp pháp?
         - Khi làm việc với cô X tại địa bàn xảy ra sự việc đêm 3/9/2005, tôi nói với cô X: "Sự việc như thế nào cô tường thuật lại cho tôi ghi, sau đó đưa cho cô xem lại. Thấy đúng cô ký xác nhận cho tôi. Để đảm bảo nguyên tắc phải thông qua chính quyền xã". Cô ấy nói: "Bố mẹ mà biết thì cháu chết chắc (Lúc đó bố mẹ bị hại chưa biết chuyện). Cứ làm việc thế này không cần phải ra chính quyền".
          Buổi làm việc với bị hại có kết quả thế nào, thưa luật sư?
          - Cô ấy nói: "Bọn mà hãm hiếp cháu đứa nào cũng mặc quần đùi, cởi trần. Hiếp xong cầm quần đùi chạy. Có một đứa nói đừng về làng vội, hãy đi chơi đâu, khuya hãy về. Có một đứa gần sau cùng, làm chuyện ấy 2 lần, đó là một tên béo khoẻ, cũng mặc quần đùi. Hai thanh niên cầm gậy đuổi anh H chạy sang bên kia. Một tên doạ "bà mà hô lên, tôi đánh bà chết", thằng ấy cũng mặc quần đùi". Đối chiếu những tình tiết này tôi thấy đủ căn cứ chứng minh các bị cáo vô tội. Tụi trẻ này qua thôn bên đánh nhau, gặp ông Thép, gặp cô bạn trên Hà Nội, nổ bỏng ngô để ăn, gặp bà cụ bảo là không bán ngô. Như vậy đủ lý do để chứng minh tụi trẻ mặc quần áo. Thời điểm này đúng với thời điểm xảy ra sự việc.
          Thưa luật sư, sau thời gian ở tù, 6 thanh niên này phải làm gì để được minh oan?
          - Họ cùng gia đình phải gửi đơn kiến nghị, đề nghị điều tra lại vụ án, mở phiên toà giám đốc thẩm. Trên thực tế, các gia đình và cả tôi cũng đã gửi đơn kiến nghị, nhưng đã được trả lời đơn. Họ nói rằng sẽ nghiên cứu xem xét giải quyết. Chúng tôi hy vọng sẽ có phiên xử giám đốc thẩm. Chúng tôi tự tin có đủ bằng chứng để chứng minh 6 thanh niên vô tội.

                          Luật sư Đỗ Văn Chung: “Chưa đủ căn cứ kết tội”
        "Tôi là người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc làm thẩm phán kể cả trong quân đội lẫn ngoài quân đội. Sau khi nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, quan điểm của tôi là nếu xét về hình thức là có thiếu sót về mặt tố tụng.
         Hình thức cũng đóng vai trò quan trọng, nhưng cái quan trọng hơn nếu xét về chứng cứ, tôi khẳng định chưa đủ căn cứ kết tội các bị cáo này hiếp dâm cướp của cô X. Thời điểm sau khi vụ án xảy ra, tôi đã khảo sát xem xét tại hiện trường. Tôi đánh giá vụ án thế này, cô X bị hiếp dâm là có thật. Ở triền đê đó, nhiều đôi trai gái ra đấy tình tự với nhau, vắng vẻ, một số người đi ăn đêm đã "đánh hôi", là chuyện thỉnh thoảng có. Có những vụ, thậm chí có người về phát ốm phát đau mới vỡ lẽ. Cho nên cô X bị hãm hiếp thật, ở hiện trường còn cây gậy. Vấn đề là đối tượng nào có hành vi đó?", luật sư Đỗ Văn Chung cho biết như vậy.
           Qua nghiên cứu hồ sơ, luật sư có thể chỉ ra những điều bất thường trong vụ án này?
          - Nếu dựng lại hiện trường, vào ban đêm, từ trạm bơm cống Thổ Kỳ nhìn đến hiện trường mà rõ như thế là hơi khó vì xa đến hơn 900m. Lúc đó sẽ thấy cáo trạng không phù hợp với hiện trường. Việc bắt các bị can cũng sau sự việc đó đã mấy ngày rồi. Cái đáng nói là bất kỳ bị can nào cũng đều khai giống nhau. Chính vì giống nhau quá làm nên cái bất thường.
          Trong hồ sơ vụ án, các bị cáo đã ký khai nhận mình làm việc đó. Như vậy sẽ bất lợi cho họ nếu muốn kêu oan?
          - Lời khai bị cáo không phải căn cứ buộc tội. Bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh mình phạm tội. Mà người chứng minh bị cáo phạm tội hay không phạm tội bao gồm công an, kiểm sát, toà án. Trong một vụ án, bị cáo không nhận tội không phải là tình tiết tăng nặng. Trường hợp bị cáo đã nhận tội mà có tài liệu chứng minh bị cáo không phạm tội (vì bị cáo sợ hay một lý do nào khác mà ký vào bản khai, nhưng những chứng cứ khác không phù hợp) thì không thể kết tội được.
           Luật sư cho rằng, chưa đủ bằng chứng kết tội các bị cáo. Vậy nhận định của ông về vụ án này?
         - Tôi với tư cách là người luật sư đã làm hết trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, tôi vẫn có cảm giác chưa hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý, chứ không phải bênh bị cáo. Đương thời làm công tác xét xử, với hồ sơ này tôi không dám kết tội các bị cáo. Nếu các bị cáo thấy mình không thực hiện hành vi hiếp dâm, có quyền làm đơn khiếu nại lên Toà án Nhân dân tối cao, lên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan khác. Xin cảm ơn hai ông về cuộc trò chuyện nà                                                                                      Theo An Quỳnh/Gia đình

               Hải Dương: "Nếu là chủ tọa, tôi không dám kết tội các bị cáo"
         Luật sư bào chữa:
           Kỳ án "hiếp dâm" ở Tứ Kỳ, Hải Dương: "Nếu là chủ tọa, tôi không dám kết tội các bị cáo"
           Xung quanh những chi tiết bất thường của vụ án "hiếp dâm và cướp của ở Tứ Kỳ", Gia đình và xã hội Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với luật sư Hoàng Văn Thâu, Trưởng văn phòng luật Hải Lý và luật sư Đỗ Văn Chung, Trưởng văn phòng luật Thiên Bình (Hải Dương) - những luật sư từng bào chữa cho 6 bị cáo. Tuy vụ án này đã trôi qua hơn 5 năm, thời gian xét xử vụ án này cũng gần bằng chừng ấy thời gian, nhưng vì đây là một "vụ án kỳ lạ" nên các luật sư vẫn còn nhớ rõ các tình tiết trong vụ án.
          “Tòa đã bỏ đi căn cứ trực tiếp”
          Là người tham gia bào chữa cho các bị cáo cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, luật sư Hoàng Văn Thâu đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với chúng tôi về vụ án này.
Ông cho rằng, cả hai phiên tòa đã bỏ qua căn cứ trực tiếp. Vậy theo ông, những căn cứ trực tiếp đó là gì?
        - Các chứng cứ trực tiếp không được đưa ra đánh giá tại phiên tòa rất rõ. Cô X là người bị hãm hiếp vậy thì cơ quan chức năng phải đưa bị hại đi giám định để chứng minh có phải bị như thế không. Chiếc ao nịt vú của bị hại cũng phải được đưa ra giám định. Ông có thể chỉ ra những mâu thuẫn trong vụ án này?
         - Đó là những mâu thuẫn về thời gian, mâu thuẫn giữa các lời khai. Xem hồ sơ, có đủ cơ sở để chứng minh cơ quan điều tra đã vi phạm trật tự tố tụng. Tôi lấy dẫn chứng: Khi bắt phải có lệnh phê chuẩn; Ghi lời khai của 6 bị can đã vi phạm thủ tục; Dùng thầy, cô giáo giám hộ, khai xong mới xin chữ ký người giám hộ. Các giám hộ không chứng kiến toàn bộ những lần lấy lời khai. Đúng ra, bố mẹ các bị cáo mới là người giám hộ. Chúng tôi không thấy một lá đơn từ chối làm giám hộ nào từ phía bố mẹ bị cáo nào, vậy tại sao họ không được làm giám hộ? Thêm nữa, phiên tòa sơ thẩm đã lùi ngày xử quá hạn 2 tháng 14 ngày mới đưa ra xét xử. Những mâu thuẫn này được ông trình bày trước tòa thế nào?
        - Tôi cung cấp chứng cứ tại tòa, nhưng chủ tọa bảo làm thế là chậm, đáng ra phải cung cấp trước phiên tòa.
         Được biết, luật sư đã có buổi làm việc với cô X, vậy tại sao buổi làm việc ấy bị cơ quan điều tra coi là không hợp pháp?
         - Khi làm việc với cô X tại địa bàn xảy ra sự việc đêm 3/9/2005, tôi nói với cô X: "Sự việc như thế nào cô tường thuật lại cho tôi ghi, sau đó đưa cho cô xem lại. Thấy đúng cô ký xác nhận cho tôi. Để đảm bảo nguyên tắc phải thông qua chính quyền xã". Cô ấy nói: "Bố mẹ mà biết thì cháu chết chắc (Lúc đó bố mẹ bị hại chưa biết chuyện). Cứ làm việc thế này không cần phải ra chính quyền".
Buổi làm việc với bị hại có kết quả thế nào, thưa luật sư?
         - Cô ấy nói: "Bọn mà hãm hiếp cháu đứa nào cũng mặc quần đùi, cởi trần. Hiếp xong cầm quần đùi chạy. Có một đứa nói đừng về làng vội, hãy đi chơi đâu, khuya hãy về. Có một đứa gần sau cùng, làm chuyện ấy 2 lần, đó là một tên béo khỏe, cũng mặc quần đùi. Hai thanh niên cầm gậy đuổi anh H chạy sang bên kia. Một tên dọa "bà mà hô lên, tôi đánh bà chết", thằng ấy cũng mặc quần đùi".
          Đối chiếu những tình tiết này tôi thấy đủ căn cứ chứng minh các bị cáo vô tội. Tụi trẻ này qua thôn bên đánh nhau, gặp ông Thép, gặp cô bạn trên Hà Nội, nổ bỏng ngô để ăn, gặp bà cụ bảo là không bán ngô. Như vậy đủ lý do để chứng minh tụi trẻ mặc quần áo. Thời điểm này đúng với thời điểm xảy ra sự việc.
         - Thưa luật sư, sau thời gian ở tù, 6 thanh niên này phải làm gì để được minh oan?
         - Họ cùng gia đình phải gửi đơn kiến nghị, đề nghị điều tra lại vụ án, mở phiên tòa giám đốc thẩm. Trên thực tế, các gia đình và cả tôi cũng đã gửi đơn kiến nghị, nhưng đã được trả lời đơn. Họ nói rằng sẽ nghiên cứu xem xét giải quyết. Chúng tôi hy vọng sẽ có phiên xử giám đốc thẩm. Chúng tôi tự tin có đủ bằng chứng để chứng minh 6 thanh niên vô tội.
            “Chưa đủ căn cứ kết tội”
           "Tôi là người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc làm thẩm phán kể cả trong quân đội lẫn ngoài quân đội. Sau khi nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, quan điểm của tôi là nếu xét về hình thức là có thiếu sót về mặt tố tụng. Hình thức cũng đóng vai trò quan trọng, nhưng cái quan trọng hơn nếu xét về chứng cứ, tôi khẳng định chưa đủ căn cứ kết tội các bị cáo này hiếp dâm cướp của cô X. Thời điểm sau khi vụ án xảy ra, tôi đã khảo sát xem xét tại hiện trường. Tôi đánh giá vụ án thế này, cô X bị hiếp dâm là có thật.
           Ở triền đê đó, nhiều đôi trai gái ra đấy tình tự với nhau, vắng vẻ, một số người đi ăn đêm đã "đánh hôi", là chuyện thỉnh thoảng có. Có những vụ, thậm chí có người về phát ốm phát đau mới vỡ lẽ. Cho nên cô X bị hãm hiếp thật, ở hiện trường còn cây gậy. Vấn đề là đối tượng nào có hành vi đó?", luật sư Đỗ Văn Chung cho biết như vậy.
        -  Qua nghiên cứu hồ sơ, luật sư có thể chỉ ra những điều bất thường trong vụ án này?
        - Nếu dựng lại hiện trường, vào ban đêm, từ trạm bơm cống Thổ Kỳ nhìn đến hiện trường mà rõ như thế là hơi khó vì xa đến hơn 900m. Lúc đó sẽ thấy cáo trạng không phù hợp với hiện trường. Việc bắt các bị can cũng sau sự việc đó đã mấy ngày rồi. Cái đáng nói là bất kỳ bị can nào cũng đều khai giống nhau. Chính vì giống nhau quá làm nên cái bất thường.
        - Trong hồ sơ vụ án, các bị cáo đã ký khai nhận mình làm việc đó. Như vậy sẽ bất lợi cho họ nếu muốn kêu oan?
        - Lời khai bị cáo không phải căn cứ buộc tội. Bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh mình phạm tội. Mà người chứng minh bị cáo phạm tội hay không phạm tội bao gồm công an, kiểm sát, tòa án. Trong một vụ án, bị cáo không nhận tội không phải là tình tiết tăng nặng. Trường hợp bị cáo đã nhận tội mà có tài liệu chứng minh bị cáo không phạm tội (vì bị cáo sợ hay một lý do nào khác mà ký vào bản khai, nhưng những chứng cứ khác không phù hợp) thì không thể kết tội được.
        - Luật sư cho rằng, chưa đủ bằng chứng kết tội các bị cáo. Vậy nhận định của ông về vụ án này?
        - Tôi với tư cách là người luật sư đã làm hết trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, tôi vẫn có cảm giác chưa hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý, chứ không phải bênh bị cáo. Đương thời làm công tác xét xử, với hồ sơ này tôi không dám kết tội các bị cáo.
        Nếu các bị cáo thấy mình không thực hiện hành vi hiếp dâm, có quyền làm đơn khiếu nại lên Tòa án Nhân dân tối cao, lên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan khác.
         - Xin cảm ơn hai ông về cuộc trò chuyện này.
                                                                                                                      An Quỳnh (Thực hiện)


























Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét