Bài đăng phổ biến

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

NGƯỜI CON CHÍ HIẾU


NGƯỜI CON CHÍ HIẾU                                                                      
            Những người coi trọng tâm linh ở hai huyện Phú Tân, Tân Châu tỉnh An Giang, đều khuyên con cháu giữ tròn chữ HIẾU, bằng câu chuyện gần như cổ tích sau đây :
            Thằng nhỏ được mọi người gọi là Út Đực năm ấy mười ba tuổi, đã có việc mần trọng đại, động đến thổ địa nơi nó tá túc.
            Tía, má Đực đều là những người nghèo khổ, không ruộng vườn, quanh năm đi mần thuê đủ mọi công chuyện, lo có miếng ăn, đồ mặc cho cả gia đình.
            Má Đực sanh con gái đầu lòng chưa đầy hai năm thì cho ra đời tiếp cu Đực ngày nay. Sanh trai chưa tròn năm thì cô chị gái trúng bịnh hiểm nghèo, qua đời. Vừa lo buồn, vừa suy kiệt sức khỏe, má Đực mắc bịnh hậu sản. Nhà đang lúc quá nghèo, lấy đâu ra tiền chích thuốc, đào đâu ra thuốc Bắc tẩm bổ. Má Đực sống vật vờ gần nửa năm nữa, thì “đi theo” con gái về với Tiên Tổ. Thằng Đực đáng lẽ ngon trớn là thứ Ba, nay trở thành Út Đực.
            Khổ thân Ba Đực “gà trống nuôi con” từ khi thằng nhỏ được hai tuổi đầu  đến khi nó đủ chín tuổi, thì không thể trụ được bằng nghề cửu vạn lẻ. Ông đành nhờ người chú họ có chân trong Hội đồng, nói khó để Đại điền trang Năm Bành, cho vào mần công quanh năm trong trại, dựng giữa cánh đồng Tam Thiên Mẫu, nằm giáp xã Phú Vĩnh của huyện Tân Châu và Phú Lâm của Phú Tân.
            Nể lời ông Hội đồng và thương cảnh nhà nghèo ba con Út Đực, ông Năm Bành giành riêng cho hai ba con, hai gian nhà nhỏ trong khu trang trại. Hàng ngày ba Đực cùng hai người nữa chăm nom đàn heo nái, heo thịt gần trăm con. Thằng Đực còn nhỏ, được tiếp giúp một trung niên, chăn thả sáu con bò đực đại, chuyên để kéo xe trượt.
            Công việc đang xuôi chèo, mát mái, bốn năm nay, bỗng ba Đực ngã bịnh do suy kiệt sức khỏe và bịnh phổi. Chữa chạy bằng thuốc nam thì đâu có hết bịnh, ba Đực lăn đùng ra chết, để lại thằng Đực mới mười ba tuổi, ốm nhom, đen đúa, ngơ ngác như lạc vào rừng.

            Trước lúc vĩnh viễn ra đi, ba Đực nhờ các bạn cùng cảnh nghèo khổ tới đây làm mướn, thưa hộ với ông Năm Bành cho thằng con ốm nhom được tiếp tục nghề chăn bò.. Ông cũng trăng trối Út Đực nhớ ngày giỗ má, giỗ ba, cố gắng kiếm chén cơm, hột gà.. kêu ráy cho vợ chồng ông được ngậm cười nơi chín suối.
            Thực ra, thằng Đực có tên là Gạo – Chị tên Lúa, em tên Gạo – Nhưng vì nó không nói ra, nên ai cũng thuận miệng kêu nó là Đực , Út Đực.
 Đực đã hiểu tình cảnh của mình, không chăm chỉ mần ăn, ông chủ sẽ đuổi thì biết sống bằng nghề gì đây ?. Nên hàng ngày phụ giúp chú Ba Đáo chăn thả đàn bò.. và trong tiếp xúc cuộc sống, không ai chê xấu Đực điểm gì.!
            Ông Năm Bành hai ba ngày mới phóng xe từ Tân Châu vào trang trại kiểm tra, bảo ban, phân công việc cho ông Quản gia. Ông Bành thấy thằng Đực tuy ốm nhom, đen đúa, nhưng chăm chỉ, lễ độ, thì cười vui tán thưởng.
            Ba Đực chết chưa được nửa năm thì chú Ba Đáo trốn vào Kinh Vĩnh Tế đi theo cách mạng. Còn trơ lại một mình Út Đực, nhỏ thó với bầy bò sáu con, chăn thả quá vất vả. Ông chủ chẳng điều thêm người cùng mần.. Út Đực thì.. không dám nói.
            Từ ngày ba con Đực vào đây mần, Đực chỉ biết đến bữa ăn cơm do bà bếp của trang trại phục vụ chung mọi người. Chưa bao giờ Đực được trả tiền công hàng tháng, nên thực tế nó không một cắc dính túi.
            Nhớ lời Ba trăng trối trước khi nhắm mắt xuôi tay thì giỗ Ba là ngày mốt. Chỉ ngày giỗ Má là nó quên mất, bởi lúc đó Đực khóc ghê quá.
            Chiều nay, sau khi lùa đàn bò vô chuồng, Đực đảo qua khu trại gà, xem có hột gà nào mới đẻ thì “thó trộm”, để luộc cúng Ba, nhưng tìm đỏ mắt đâu thấy.. Đực không giám hỏi xin ông Quản gia của Năm Bành. Vào lán chính, thằng Đực định trộm mấy que nhang, nhưng trên ban thờ chỉ còn một que duy nhất.. Nó buồn bã về cái sạp vẫn ngủ của mình.
            Sáng sau, cơm xong, Đực lùa đàn bò đi sớm hơn mọi ngày, tới lạch nước bắt từ con kinh vô. Thây kệ sáu con bò ung dung gặm cỏ. Đực hì hục be, tát, mò mẫm tới gần trưa mới bắt được một con cua đại và con cá lóc cỡ chuôi liềm. Nó hý hửng ra mặt, tìm mãi mới được sợi dây trói còng cua lại. Riêng con cá lóc, Đực mói đất mềm thành một cái hố tròn, khá sâu, múc nước đổ vào nuôi tạm con cá lóc đến trưa mai.
            Xong  mọi việc, Út Đực rửa chân tay sạch sẽ, tới gốc cây gáo đại gần đó. Nó ngồi xếp bằng tựa như Sư Bác ngồi thiền, chắp tay trước ngực, mắt nhắm lại rồi trang nghiêm khấn vái :
            - Con lạy Thổ Thần, Thổ Địa .. Ngày mai là ngày giỗ kỵ Ba con.. Con đang nghèo quá.. túi không cắc bạc.. Con mò mãi mới bắt được một con cua đại và con cá lóc nhỏ xíu.. Con sẽ đem nướng chúng lên.. để cúng Thổ Thần, Thổ Địa.. và Ba con.. À.. mà nhang con cũng không kiếm được cây nào.. đành bứt ba cọng cói dại thay nhang cúng vậy. ..Lời mời của con xin được Thần Linh chứng giám.. Ngày mai con xin cúng tạ để Thần Linh và Ba con hiến hưởng..
            Vừa khấn xong, Út Đực ngồi thừ ra rồi khóc giống lên.. thảm thiết.
            Lúc sau, Đực như sợ lời khấn mời của mình chưa tới tai Thổ Thần, Thổ Địa.. và Ba nó. Đực ngồi lại ngay ngắn và khấn mời như trước, một lần nữa.
            Lời cúng mời động lòng từ bi của vị Thổ Địa đống cây gáo đại. Ngài gật gù khen lòng hiếu thảo của đứa trẻ ốm nhom, đen đúa.. Ngài cười và gật đầu lia lịa - nhưng nào Út Đực có biết.
            Ngay tối hôm đó, ngài Thổ Địa đống cây gáo đại chống gậy Trúc đầu Rồng đi mời các vị Thần Linh tứ phương khu vực đó, đặc biệt mời Thổ Thần cánh đồng Tam Thiên Mẫu.
            Tính tình ngài Thổ Địa hay hài hước, khi mời Thần Linh đều nói rõ :
            - Quan ngài đã từng dự nhiều tiệc cỗ linh đình, có khi cả sơn hào hải vị. Trưa mai, mời ngài dự một tiệc cỗ “vĩ đại” có một không hai.. chưa từng thấy ở Miền Tây lục tỉnh này.. của người con hiếu thảo cúng cha.
            Sáng hôm sau, Út Đực mang vào hai mảnh lá chuối tươi, một bó rơm nhỏ và một dúm muối cục. Đi ngang đường, Đực bứt ba cây cói dại, rồi vừa đi vừa bóc tách trông đến ngộ.
            Sau khi nướng cua, cá lóc, Đực trải lá chuối trên thảm cỏ rồi đặt ngay ngắn con cá lóc một bên, con cua một bên, dúm muối cục ở giữa, cắm ba cây cói dại phía trên.. thay nhang.
Bày lễ xong, Đực ngồi hướng vào gốc cây gáo đại, khấn lạy thống thiết hơn cả lời mời chiều qua.
Các vị Thần Linh có mặt đông đủ ở gốc cây gáo đại từ trước - Út Đực đâu có hay biết - Các vị đều trầm trồ khen ngợi lòng hiếu thảo của đứa con với người cha quá cố, không ngại nghèo túng.. Và đúng là một tiệc cỗ “vĩ đại” chưa ai gặp bao giờ.
 Đang lúc luận đàm, khen ngợi, bỗng các vị Thần Linh nghe thấy Út Đực khấn tiếp :
- Nếu các Quan Thần Linh.. và Ba con chấp nhận lễ vật.. chứng giám lời cầu khấn của con, xin báo ứng bằng việc.. gì đó.. cho con biết.
Ngài Thổ Thần cánh đồng Tam Thiên Mẫu cả cười, thay mặt các vị Thần Linh.. ứng nghiệm luôn : Ngài phẩy nhẹ chiếc quạt điều.. ba cây cói dại giả làm nhang đưng đưa trước gió.. Con cá lóc nướng đang để ngay ngắn, bỗng trở mình qua lại.. con cua đại thì nhấp nhổm như đang lạy tạ.
Út Đực tuy rợn tóc gáy, nổi da gà, tủm tỉm cười.. ngầm hiểu, rồi khóc nức nở, thống thiết.. Vừa mếu vừa vái lia lịa :
- Thế là con thực hiện báo hiếu được rồi.. Thế là...
Ngay lúc đó các vị Thần linh bàn nhau : Khi nào Út Đực đến tuổi trưởng thành, biết chí thú mần ăn.. sẽ ban thưởng cho nó.. giúp thoát khỏi cảnh nghèo.
Những năm sau đó, do Út Đực quên khuấy ngày giỗ Má, chỉ nhớ ngày giỗ Ba. Không năm nào Đực không tìm cách này hay cách khác phải có kỳ được một lễ vật đơn sơ do chính tay Đực mần ra.. để cúng Ba nó.
Ngày giỗ kỵ lầm thứ năm, với số lễ vật chỉ có mấy trái mận hồng xin được với gói muối tiêu. Đực vẫn mời mọc và khấn vái tha thiết. Vừa khấn xong, gió động ba nhánh cói dại đung đưa, thì có làn gió thoảng đưa Út Đực vào giấc ngủ say, mới ngả lưng.. Đực đã ngáy pho pho.
Khi Đực tỉnh dậy, thấy lễ vật vẫn còn nguyên vẹn, nhưng lạ chưa, một gói nhỏ vuông vức vải điều, được đặt cạnh ba nén nhang giả. Đực ráo rác nhìn quanh, tịnh không bóng người, sáu con bò vẫn ung dung gặm cỏ phía bờ kinh. Đực mạnh dạn mở gói ra, thì chao ôi, nó không tin ở chính mắt mình.. Đực hiểu ai là người cho nó món quà quý giá này.. từ những lần khấn lạy của nó.
Đực gói lại món quà quý cẩn thận, rồi bê đến tổ kiến đại gần gốc cây gáo. Nó dùng tay bới, móc đất đến sứt cả tay, vãi cả máu mới được một cái hố sâu. Cũng lạ làm sao, tổ kiến đất bự thế.. mà không có con kiến nào, nếu không thì kiến đốt chết. Nó đặt gói quà quý xuống hố, lấp đất lại, rồi vái lạy :
- Con xin ngàn lần, vạn lần cảm tạ, ghi xương khắc cốt.. các Quý vị Thần Linh đã ban phúc lộc cho con. Hiện nay con chưa thể dùng ngay được, xin gửi tại đây.. mong Các Quan giữ hộ.. cho đến lúc con đến lễ tạ xin về dùng...
Vài ngày sau, Út Đực xin ông Năm Bành cho nghỉ việc, để cưới vợ, lập nghiệp bằng nghề khác. Chẳng hiểu sao ông Năm Bành không hề giữ lại, đồng ý ngay và tính trả cho Đực mười hai năm tiền công làm.. được số tiền khá lớn.
Tiếp đó, Út Đực đến thưa chuyện với ông chú có chân Hội đồng, nhờ ông dựng cho căn nhà rồi kiếm cho nó một cô vợ.. chịu khó mần ăn. Thưa chuyện xong, Đực đưa cả bọc tiền công làm mười hai năm cho bà Hội đồng giữ, để lo công chuyện cho nó.
            Tuy vợ chồng ông Hội đồng có vẻ ngạc nhiên về ý định của Út Đực, nhưng lại vui, thầm khen về cái trí làm trai của nó..
            Ông Hội đồng chẳng vất vả gì đã cất xong căn nhà lá hai gian bằng cây, trông cũng bắt mắt, để Út Đực về ở. Chưa đầy tháng sau đó, cưới cho Đực một cô vợ không quá xinh đẹp, nhưng chịu khó mần ăn và lễ phép. Chàng Út Đực bước vào tuổi hai mươi với hai thay đổi lớn, được mọi người nhận xét thuộc dạng tiến thủ, chững chạc.
            Nhé nhem tối một ngày nọ, hai vợ chồng Đực sắm lễ tạ, đến gốc cây gáo đại giữa đồng xì xụp khấn lạy hồi lâu, mới xin đào số vàng được ban phúc lộc, bí mật mang về nhà.
            Hai tháng sau vợ chồng Đực kiếm mua được khoảnh đất, vận động bạn bè cùng cảnh nghèo trước đây, biết nghề, lập xưởng cây, đặt biển hiệu là TRẠI CÂY ÚT ĐỰC.
            Năm sau, vợ chồng Đực bán căn nhà cũ do ông Hội đồng cất hộ, đúc căn nhà hai lầu khang tranh ngay cạnh xưởng cây. Khánh thành ngôi nhà cũng là lúc ăn mừng vợ chồng Đực sanh con trai : Nguyễn Hiếu Thuận.
            Ông Năm Bành và những người mần công vụ thu hoạch lúa kế đó, ngạc nhiên thấy ở trên gò đống cây gáo đại có ngôi miếu thờ, tuy nhỏ, nhưng đẹp đẽ, cạnh miễu có dòng chữ “MIẾU THỜ ĐỀN ƠN CỦA ÚT ĐỰC”.
            Nội vụ quanh ngôi miễu này chẳng ai hay biết.
            Với Út Đực, có ai thọc mạch vặn hỏi thì hắn chỉ cười.. Điệu cười của người đang ở vai ông chủ.. Không hé lộ nửa lời./




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét