Bài đăng phổ biến

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

AI TIN CÁCH TÍNH GIÁ ĐIỆN CỦA EVN


                     Hồn Quê
        Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Đặng Huy Cường cho biết, năm 2010, tổng sản lượng điện thương phẩm toàn hệ thống thực hiện đạt 85,674 tỷ kWh; sản lượng điện sản xuất và mua ngoài là 95,472 tỷ kWh; tỷ lệ tổn thất lưới điện truyền tải và phân phối là 10,15%.
Tổng doanh thu bán điện năm 2010 là 90.934 tỷ đồng tương ứng giá bán điện bình quân thực hiện là 1.061,4 đ/kWh điện thương phẩm.
Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2010 là 101.096 tỷ đồng, tương ứng với giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2010 là 1.180,0 đ/kWh điện thương phẩm.
Trong đó, tổng chi phí khâu phát điện là 78.498 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 916,2 đ/kWh.
Tổng chi phí khâu truyền tải điện là 5.626 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 65,7 đ/kWh.
Tổng chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện là 16.208 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phân phối - bán lẻ điện theo điện thương phẩm là 189,2 đ/kWh.
Tổng chi phí khâu phụ trợ - quản lý ngành là 764 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phụ trợ - quản lý ngành theo điện thương phẩm là 8,9 đ/kWh.
***
Tổng sản lượng điện thương phẩm toàn hệ thống thực hiện đạt 85,674 tỷ kWh; sản lượng điện sản xuất và mua ngoài là 95,472 tỷ kWh; tỷ lệ tổn thất lưới điện truyền tải và phân phối là 10,15%. Công suất đặt hiện tại là 20.295 MW (trong đó thuỷ điện: 8.158 MW, chiếm 40,2%; nhiệt điện 11.437 MW, chiếm 59,8%).
***

 
Để làm ra điện hiện chúng ta chỉ có thủy điện và nhiệt điện.
Máy phát tuabin chạy than thì hiệu suất cao nhất cũng chỉ cỡ 30%, nghĩa là đốt 3,3 kg than thì một kg than chuyển hóa thành điện.
Ta thử cho rằng các máy phát điện chạy than có hiệu suất 20% để tính toán. Giả thiết như vậy vì công nghệ chúng ta chưa được coi là tiến tiến (30%), và không còn lạc hậu (20%), nếu <20% cần xét lại.
Nếu, ví dụ ta xét than cám 6b chẳng hạn.
Than này theo TIÊU CHUẨN VIỆT NAM TCVN 1790 : 1999:
Trị số tỏa nhiệt toàn phần khô (Gross calorifie value, on dry basic), Qkgr: Không nhỏ hơn (min) 4400 cal/g
Nhiệt lượng của than cám 6b là 4400 cal/g tương đương18,418MJ (1cal=4,186J). Như vậy với hiệu suất 20% thì đốt 1 kg than cám 6b thì có 0,2 kg chuyển hóa thành năng lượng điện, tương đương 1 kWh điện (18,418MJ x 0,2 xấp xỉ 3,6MJ). Nghĩa là đốt 1 kg than cám 6b thì cho 1 kWh điện.
Mà theo thông báo này kể từ ngày 1/3/2011, Vinacomin sẽ áp dụng tăng 4 loại than bán cho EVN.
Cụ thể, giá bán than cám 6b là 395.000 đồng/tấn.
Như vậy giá thành điện được cấu thành:
- Từ nhiên liệu đầu vào là gần 395 đ/1kWh (chưa cộng VAT)
- Từ tổn hao hệ thống theo số liệu từ EVN, tính chung cả năm 2010, mức tổn thất lên đến 10,15%.
- Khấu hao vận hành 10% (nếu tính thời gian thu hồi vốn đầu tư tiêu chuẩn là 10 năm)
- Chi phí vận hành (mọi chi phí còn lại).
EVN lỗ 10.162 tỷ đồng
Cũng theo ông Đặng Huy Cường, chưa tính đến lỗ/lãi tại các công ty cổ phần điện EVN góp vốn, năm 2010, sản xuất kinh doanh điện của EVN lỗ 10.162 tỷ đồng.
Chí phí còn "treo" lại chưa được tính hết vào giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN trong năm 2010 bao gồm khoản lỗ chênh lệch tỷ giá là 15.463 tỷ đồng và chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn còn lại là 356 tỷ đồng.
Trả lời một số cơ quan thông tấn báo chí trong chiều qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, thực tế, hiện có nhiều nhà máy điện, đặc biệt các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ, đang lỗ khi phát điện cung cấp về hệ thống điện quốc gia, nguyên nhân giá bán điện đầu ra còn thấp.
Tổng Giám đốc Tập đoàn EVN Phạm Lê Thanh cho biết thêm, năm 2010 EVN bị lỗ là do sản lượng thủy điện thấp (do thiếu hụt nước nghiêm trọng), năm 2010 hạn đã làm thiếu hụt 6 tỷ kWh điện nên EVN phải huy động các nhà máy chạy dầu của EVN và mua điện ngoài với giá cao gấp 3-4 lần giá bán điện bình quân, làm tăng chi phí rất lớn so với kế hoạch chi phí được duyệt trong phương án giá điện năm 2010.
Ngoài ra, sự chậm tiến độ của một số nhà máy điện, biến động tỷ giá hối đoái, biến động giá nhiên liệu cũng là những nguyên nhân gây lỗ trong sản xuất kinh doanh điện của EVN trong năm 2010.
Theo ông Phạm Lê Thanh, hiện nay mỗi kWh điện EVN đang lỗ 300 đồng. Giá bán bình quân đến các hộ tiêu dùng hiện ở mức 1.061 đồng/1kWh, nếu tính đủ mỗi kWh phải cộng thêm 300 đồng nữa.
Căn cứ vào các tính toán thì giá điện hiện nay không thể nói là quá thấp mà ngược lại là cao. Không thể lỗ, việc EVN kêu lỗ là không thể “tiêu hóa” được. Chỉ có thể hiểu lỗ ở đây là không đủ tiền để hoàn vào các “lỗ” hổng, mà “lỗ” hổng thì nhiều. Nhiều dự án điện thuần túy không đủ chi phí để tái đầu tư, trong khi EVN vẫn đầu tư "ngoài luồng" không hiệu quả như lĩnh vực viễn thông công cộng, ngân hàng, bất động sản…
Mà những thứ đó chắc chắn phát sinh vô vàn “lỗ”.

          H. Q.
          Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
          Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 07:33
          Nhãn: Kinh Tế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét