Phát biểu như thế là xúc phạm đến người dân (*)
Nguyên văn bài phát biểu của đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) tại Quốc hội ngày 17.11.2011.
Đại biểu Dương Trung Quốc: "Phát biểu như thế là xúc phạm đến chính người dân. Chính vì thế càng thấy chúng ta cần phải có Luật biểu tình càng sớm càng tốt". Ảnh: |
Kính thưa Quốc hội
Tôi nhận thức diễn đàn Quốc hội là nơi để các đại biểu với tinh thần trách nhiệm và nhận thức của mình để phát biểu ý kiến nhằm trao đổi, nhằm thuyết phục hướng tới sự đồng thuận trong những quyết định chung của Quốc hội. Vì thế, tôi muốn trao đổi ý kiến của một số đại biểu cho rằng Luật Biểu tình là chưa cần thiết.
Ở Quốc hội, đã đề cập đến vấn đề gì cần nghiên cứu đến nơi đến chốn, đưa ra những bằng chứng lịch sử dở dang, ngộ nhận hết sức nguy hiểm. Biểu tình đâu chỉ bắt đầu có từ thập kỷ 60 của thế kỷ XX, chúng ta đang được hưởng ngày Quốc tế lao động là thành quả của cuộc đấu tranh của những người lao động ở Chicago từ những thế kỷ trước. Chúng ta tự hào trong lịch sử cách mạng Việt Nam, cuộc biểu tình ngày 1/5/1958, hạt nhân lãnh đạo là những người Cộng sản tập hợp lực lượng quần chúng đấu tranh đòi tự do, cơm áo hòa bình và ủng hộ Chính phủ Mặt trận nhân dân.
Như thế biểu tình có từ nguồn gốc xa xưa, nhận thức nó như thế nào ở góc độ của một Nhà nước, của người cầm quyền. Tôi thấy cần nhắc lại bản Sắc lệnh 31 ban hành 11 ngày sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thành lập. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích trong bản Sắc lệnh nội hàm của chữ "biểu tình" để chúng ta thấy được phải nhận thức nó từ hai chiều. Văn bản này viết rằng "công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú đi lại trong nước và ra nước ngoài", đúng là trong Hiến pháp năm 1946 không có chữ "biểu tình".
Nhưng trong Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành trước đó đã giải thích: "xét vì tự do hội họp là một trong những nguyên tắc của chế độ dân chủ cộng hòa, nhưng trong tình thế đặc biệt hiện thời cần phải xem xét kiểm soát những cuộc biểu tình để tránh những sự bất trắc có thể ảnh hưởng đáng tiếc đến việc nội trị hay ngoại giao nên ra Sắc lệnh này", tức là Sắc lệnh về biểu tình.
Như thế ta phải nhìn biểu tình cả hai cách của nó, đó là một quyền cơ bản của người dân, đồng thời đó là một công cụ hành pháp, công cụ lập pháp pháp luật để mà thực thi quyền hành pháp. Nếu không chúng ta chỉ nhìn một mặt thì chúng ta chỉ nhìn thấy mặt hỗn loạn của nó thôi. Chúng ta biết rằng cho đến bản Hiến pháp năm 1959 thì chữ "biểu tình" đã được đưa vào trong chính văn, ở Chương III của Hiến pháp năm 1959 khi bàn về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Điều 25 khi đề cập đến quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình thì thuật ngữ "biểu tình" đã trở thành một chính văn của luật cơ bản.
Như thế nó không phải vì xa lạ cả, chúng ta thấy tất cả trong thực tiễn lịch sử những cuộc biểu tình ấy có thể phát huy cả hai mặt, đứng từ lợi ích chính trị của một thể chế chúng ta thấy cuộc biểu tình chống chính quyền Sài Gòn của phong trào, đặc biệt ở đô thị đã tác động tích cực vào quá trình của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chúng ta thấy những cuộc biểu tình ở miền Bắc là ủng hộ các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước. Còn chữ "mít tinh" cũng chỉ là biến dạng của ngôn ngữ. Nếu chúng ta nhìn vào hiện tượng ngay gần đây gắn liền với thời kỳ đổi mới khi những hiện tượng diễn ra ở tỉnh Thái Bình nơi từng có truyền thống của tiếng trống Tiền Hải.
Nếu quan niệm đơn giản như chúng ta, như đại biểu Phước ở Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có cách dẹp bỏ nhưng chính lúc đó các nhà lãnh đạo sáng suốt của Đảng đã trực tiếp đi vào tận tâm bão tìm hiểu thì thấy hai mặt của vấn đề có những yếu tố kích động nhưng cũng có những yếu tố thực tế, có vấn đề trong bộ máy lãnh đạo cầm quyền, vì vậy dẫn đến điều chỉnh một cách thích hợp.
Bây giờ chúng ta đang chứng kiến những sự kiện trong quá trình hội nhập thế giới, việc biểu tỏ thái độ của người dân là cần thiết, nó có nhiều diễn đạt khác nhau, nhiều hình thức khác nhau, việc tụ tập đông người mà thực chất là biểu tình, ta nói đúng tên của nó. Chính bởi vì không có luật nên mới dẫn đến tình trạng hỗn loạn. Tôi không tán thành các đại biểu Quốc hội cứ nhân danh nhân dân.
Tại diễn đàn Quốc hội chúng ta hãy nhân danh cá nhân mình thôi, trừ khi chúng ta có sự ủy nhiệm, hoặc có điều tra định lượng để nói rằng người dân phản đối, người dân băn khoăn trước định lượng đó, nó dẫn đến tiêu cực xã hội. Nhưng người ta rất mong muốn rằng những tình cảm, cách thể hiện đó đúng lúc, đúng chỗ, nói cách khác là có luật.
Luật biểu tình là một công cụ để chúng ta điều chỉnh, chúng ta bảo đảm những yếu tố tích cực của nó và chúng ta bảo đảm quyền của người dân, thóa mạ những người biểu tình như thế chúng ta đi ngược lại những tuyên bố chính thức của nhà nước, đó là những người yêu nước, cách biểu thị của họ không thích hợp trong hoàn cảnh này vì chúng ta chưa có luật. Không phải tự nhiên mà Thủ tướng Chính phủ cũng đã rất chủ động đề cập đến việc đề nghị đưa vào chương trình luật pháp của chúng ta về biểu tình.
Tôi nghĩ Quốc hội chúng ta hết sức thận trọng. Phát biểu như thế là xúc phạm đến chính người dân. Chính vì thế càng thấy chúng ta cần phải có Luật biểu tình càng sớm càng tốt. Đương nhiên đây là luật rất nhạy cảm, khó khăn, chúng ta phải có lộ trình thích hợp, thận trọng, nhưng không vì thế mà phủ nhận để biến chúng ta thành một ốc đảo dị thường trong thế giới hiện nay.
Xin cảm ơn Quốc hội.
(Nguồn: Trang tin điện tử Quốc hội)
(*): Tựa do Báo Sài Gòn Tiếp Thị đặt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét