Bài trừ hủ tục mới
Nhiều kẻ nhân lúc gia đình thủ trưởng có việc buồn, đã tới phúng viếng bạc triệu để được thủ trưởng quan tâm tới sau này.
Những cuộc đua chết người không phải của lứa tuổi "choai choai" mà là của người lớn hẳn hoi, những cuộc đua ấy đang ngày càng phát triển và có nguy cơ trở thành tệ nạn xã hội. Trước hết tôi muốn nói về việc cưới và việc tang.
Mục đích của lễ cưới là để chính quyền, thôn xóm, bạn bè công nhận về mặt pháp lý rằng trai có vợ, gái có chồng, lập gia đình để làm ăn, sinh con đẻ cái. Vì thế trước đây ở nông thôn cũng như thành thị, ông cha ta thường chọn những người mời dự cưới. Những người được mời thường là đại diện cho chính quyền, đoàn thể, họ hàng và bạn bè thân thích… Nhiều lắm cũng chỉ từ 5 mâm (30 người), đến 10 mâm (60 người). Việc ăn, việc uống, việc mừng cốt ở sự vui vẻ, tạo sự cân đối trong chi tiêu. Còn bà con, hàng xóm thì thành nếp sống quen, tự đến nhà có đám, uống chén nước, chúc những lời tốt đẹp và tùy khả năng từng người giúp gạo, thịt hay tiền nong, đỡ phần chi tiêu cho gia chủ, cũng góp chút cho cô dâu, chú rể lấy may. Tôi nghĩ đó là thuần phong mỹ tục đáng duy trì.
Thế mà bây giờ nhiều người giàu có, có chức, có quyền đã biến đám cưới của con cái thành một cuộc khoe giàu khoe của và kinh doanh nữa. Có đám cưới ở thành phố mà gia đình phải thuê khách sạn ăn uống trong mấy ngày liền, khách mời lên đến hàng nghìn người. Ở nông thôn cũng đua đòi không kém trong việc cưới xin, khi thu nhập còn thấp. Cấp trên đua nhau làm đám cưới cho con, thì cấp dưới và dân thường, dân nghèo cũng phải đua. Rồi đua nhau tiền mừng cưới. Những kẻ cơ hội thì nhân dịp thủ trưởng có việc để "lễ lạt" cầu cạnh, tuy tốn kém cũng không dám nói. Tất nhiên thâm tâm ai cũng muốn phải có một cuộc "cách mạng", để cưới xin trở về với mục đích tốt đẹp ban đầu của nó.
Tôi nói tiếp về việc tang. Mục đích của việc tang là để đưa người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng. Khi gia đình nào có người qua đời thì bà con chòm xóm láng giềng đến chia buồn, sau đó là việc tiến hành chôn cất. Ấy thế mà nhiều nơi, nhiều người biến lễ tang thành một cuộc ăn uống rầm rộ suốt ngày đêm. Có một số gia đình biết người đau không qua khỏi, bèn ngừng ngay việc thuốc men chạy chữa để tập trung tiền mua lương thực, thực phẩm chuẩn bị cho lễ tang để khỏi mang tiếng với xóm làng. Nhiều kẻ nhân lúc gia đình thủ trưởng có việc buồn, đã tới phúng viếng bạc triệu để được thủ trưởng quan tâm tới sau này.
Rồi từ đám cưới, đám tang… thấy người ta "kinh doanh" có lãi, nhiều đám khác bung ra, nào là lễ "mừng sinh nhật", "mừng thọ", mừng "con hết nghĩa vụ quân sự trở về", mừng "con vào cao đẳng, đại học", mừng "nhà mới"… Tất cả đều là những cuộc "kinh doanh trá hình" mà nếu ai đó "có ý kiến" thì sẽ bị những "lý luận gia" lên tiếng, bắt bẻ, cho đó chỉ là kẻ lạc hậu không thức thời. Nhân lúc Đảng và Nhà nước kêu gọi triệt để tiết kiệm, kêu gọi bài trừ một số tệ nạn xã hội, mong các cấp, các ngành quan tâm bài trừ các "hủ tục kiểu mới" này, đồng thời tạo ra phong tục việc hiếu và hỷ lành mạnh, thích hợp với cuộc sống hiện nay.
XUÂN CHÂM (Hà Nội)
XUÂN CHÂM (Hà Nội)
Nguồn : Báo Hải Dương điện tử.
Bàn thêm : Nếu “thủ trưởng” có việc cưới, việc tang mà từ chối phong bì “mừng” của những kẻ “tiện thể”.. ấy ; chắc sẽ làm gương cho nhiều gia đình sắp có việc đại sự “học tập”. Nhưng nào có ai chê tiền.. nên việc loại bỏ “hủ tục kiểu mới” khó khăn hơn… đánh Mỹ nhiều lần !.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét