Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

BÀI HỌC VỀ "LỰC LƯỢNG THỨ TƯ"...


Bài học về “lực lượng thứ tư” – Nỗi đau còn đó muôn đời
                                                                                Hồn Quê
Trong quá khứ chúng ta đã có lực lượng thứ ba, đó là Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, một tổ chức ngoại vi của Đảng, được thành lập sau sự kiện Tết Mậu Thân, nhằm tạo ra một tổ chức "đệm" giữa Mặt trận Giải phóng Dân tộc và các thế lực khác "làm cho kẻ thù bị cô lập cao độ".
Xa hơn trên chục năm trước đó chúng ta đã sử dụng “lực lượng thứ tư” (khái niệm tạm gọi), là “vô sản lưu manh” (VSLM) trong (CCRĐ). Khái niệm VSLM của Mác là: “tầng lớp vô sản lưu manh, cái sản phẩm tiêu cực ấy của sự thối rữa của những tầng lớp bên dưới nhất trong xã hội cũ, thì đây đó, có thể được cách mạng vô sản lôi cuốn vào phong trào, nhưng điều kiện sinh hoạt của họ lại khiến họ sẵn sàng bán mình cho những mưu đồ của phe phản động” (Tuyên ngôn đảng cộng sản). Vô sản lưu manh – tiếng Đức Mác dùng là: lompenproletariaat.


Hẳn chúng ta còn chưa hết kinh hoàng về nỗi đau CCRĐ. Đau cho xã hội khi thuần phong mỹ tục của làng nước đã xây dựng hàng ngàn năm, bỗng chốc bị dẫm nát. Con đấu cha, trò hại thầy, hai cái tội lớn nhất trong lịch sử thành văn. Hàng xóm thân hữu hại nhau. Đau cho chính những người thuộc “lực lượng thứ tư”, những người dựng chuyện, đơm đặt, vu oan giá họa để đấu tố sát hại chính những người thân của mình. Luật nhân quả trường tồn, quả báo nhãn tiền. Dân gian tổng kết, tất cả những người đó cho đến nay sau hơn nửa thế kỷ chưa “nảy mầm” được khỏi mặt đất. Không những thế còn di căn đến thế hệ thứ hai, thứ ba. Ai không tin hãy về làng quê điều tra xem, tôi nói sai chết liền. Còn những người bị đấu tố, con cháu họ nữa vẫn rất nhiều người thành đạt, nhiều người là công khanh. Lịch sử thành văn nước nhà đã minh chứng “dòng tộc là bất diệt”. Không thế thì làm sao còn nước Việt hôm nay sau hơn 1.000 năm đô hộ của bọn Tàu quỷ quyệt. Chính người viết bài này cũng bị vài người bên bố và vài người bên mẹ tham gia vào “lực lượng thứ tư” này, đến nay họ và con cháu họ vẫn đang bại hoại, con cháu họ “gồng lên” mà vẫn chưa trả hết “nợ” mà cha ông họ để lại. Có vị khi chết làm to lắm nhưng không có con, tìm hiểu được biết khi CCRĐ ông đi vắng, vợ ở nhà đấu tố bố chồng, ông về giận ly thân, khi hòa giải được thì không còn khả năng sinh con.
Vậy mà:
Hiện nay những người đi biểu tình yêu nước “được” an ninh quay camera và chụp hình sau đó chuyển cho cảnh sát khu vực soi kỹ rồi đối chiếu với tàng thư để nhận mặt những người khu vực mình quản lý. Bước tiếp theo là thuyết phục mà thường là không thuyết phục được vì họ là những người “dấn thân” kiên cường. Sau cùng thì cơ quan chức năng dùng đến… “lực lượng thứ tư” với họ. Chẳng riêng gì những người biểu tình yêu nước, cả những người “can gián”, “phản biện xã hội”, nói chung là những người bất đồng chính kiến đều được đối xử như vậy. Mà đã dùng đến là “lực lượng thứ tư” thì đám người nằm dưới mặt bằng chung của xã hội ấy sẵn sàng dùng bất cứ một thủ đoạn nào, kể cả những thủ đoạn thấp hèn nhất để ra tay. Từ phao tin đồn nhảm, vu oan giá họa, rồi gây gổ, gây đụng xe, phá hoại kinh tế, ném phân vào nhà,v.v.
Tôi đã từng nói với anh bạn bên cảnh sát: “Có đi biểu tình mới biết, đau lắm chứ, đau cho người biểu tình một thì đau cho người chống biểu tình mười. Họ là ai? Họ là con cháu tôi, con cháu anh. Vậy mà đi mạt sát, chửi rủa, đánh đập cha ông, thậm chí là những bậc lão thành cách mạng. Hay họ là “tiểu tướng hồng vệ binh” của cách mạng văn hóa? Nếu con tôi là Đại úy Minh đạp vào mặt anh Chí Đức, nếu về nhà tôi răn dạy nó mà nó không thấy hối hận thì chắc là tôi từ nó.
Giận thì giận, mà thương thì thương. Họ – “lực lượng thứ tư” – cũng như cô dì tôi là “lực lượng thứ tư” trong CCRĐ. Tôi giận họ một thì thương họ mười, họ không biết tương lai đi về đâu? Không riêng gì họ mà cả đất nước ta đang “bán tương lai với giá rất rẻ để mua hiện tại với giá quá đắt”. Sao không học thuộc bài học lịch sử về CCRĐ?
H.Q.

Nguồn: Bauxite VN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét