Trời ơi! Kinh khủng quá!
"Cụ Phan Bội Châu vì nước lao khổ làm Cách mạng cứu nước, khi Cụ mất năm 1942 cả nước truy điệu chít khăn tang. Thế mà giờ đây một kẻ đang ngồi trong QH dám chửi rủa bảo Cụ Phan "cõng rắn cắn gà nhà, mở đường cho quân phiệt Nhật đánh chiếm và giết chết nhiều triệu người Việt Nam"!
Có Trời Đất gì nữa không đây. QH và mọi người cả nước để yên cho kẻ ấy ư?.
Quý vị hãy xem chính Thầy cũ và bạn cũ của kẻ ấy tố cáo kẻ ấy (chuyện mới chứ không phải chuyện cũ hồi y đi học đâu!)
Nguyên văn Hoàng Hữu Phước mới viết gần đây:
“tất cả các phe nhóm và đảng phái chính trị đều hoặc làm tay sai cho Pháp hay Nhật hay Hoa hay Mỹ, hoặc tự bươn chải chỉ biết dùng nước mắt bạc nhược cố tìm “đường cứu nước” (như Phan Bội Châu khóc lóc với Lương Khải Siêu [2] khi nhờ Lương Khải Siêu giới thiệu với Nhật xin giúp kéo quân sang Việt Nam đánh Pháp, mà không biết mình rất có thể đã “cõng rắn cắn gà nhà”, “rước voi về dày mả tổ”, mở đường cho sự quan tâm của Quân Phiệt Nhật tàn bạo đánh chiếm và giết chết nhiều triệu người Việt Nam sau này, và phải nhờ Lương Khải Siêu ban phát cho lời khuyên can mới hiểu ra sự nguy hiểm của lời yêu cầu Nhật đem quân đến Việt Nam giúp đánh Pháp), và tất cả đều chống Cộng. Chỉ có Đảng Cộng Sản Việt Nam đánh thắng tất cả, tạo dựng nên đất nước Việt Nam thống nhất" (xem tại đây).
Bài này tôi đọc ở Blog Phạm Viết Đào do chủ blog chuyển đăng từ Blog Cánh cò. Do đoạn đầu chưa vào đề ngay, tôi nghĩ là ông thầy nói chuyện cũ của Hoàng Hữu Phước cho nên tôi đọc hơi chểnh mảng, nhưng đọc chưa hết đoạn sau tôi phải GIẬT BẮN NGƯỜI NHƯ CHẠM ĐIỆN! Bất giác tôi phải thốt lên: "TRỜI ƠI! KINH KHỦNG QUÁ! Lại đến mức như thế nữa ư? (Chuyện mới tinh chứ không phải chuyện cũ hồi HHP đi học đâu)
Trước hết rất khâm phục và xin cám ơn người Thầy cũ của HHP đã viết lá thư mà tôi được xem. Tiếp đến cám ơn người bạn cũ (tên là Ng.) của HHP là người đáng coi có tinh thần trách nhiệm rất cao đối với xã hội đã chuyển lá thư của thầy cũ lên mạng. Đồng cám ơn chủ blog Cánh Cò và Blog Phạm Viết Đào.
Kinh khủng quá, không phải bình luận gì nữa! Chỉ xin lưu ý quý vị kiên trì dăm phút vì đoạn đầu tác giả bức thư chưa vào chuyện chính...
Mời các bạn xem. Có vị nào ở QH giúp in ra giấy các bài viết về ô.HHP rồi chuyển cho các ĐBQH hiện đang họp tại Hà Nội thì tốt quá, dù không đủ, nhưng đựoc vài chục bản thôi cũng rất tốt.
Thầy và bạn cũ viết về (chuyện mới đây) của Hoàng Hữu Phước
Nhân tiện gửi học trò cũ tên [là]Phước
Tôi năm nay đã gần tám mươi, gần năm mươi năm dạy học trong hai chế độ. Học trò ngót ngét ngàn em có đứa giỏi đứa dở. Đứa khôn lanh không ít, mà đứa chậm chạp tối dạ cũng nhiều, nhưng tôi may mắn chưa thấy đứa nào xảo ngôn, bẻm mép và ác tâm. Con nhiều phải có đứa này đứa khác, học trò cũng vậy, thấy trò nào chăm học thì thương, đứa nào xuất sắc thì hãnh diện. Trong từng ấy năm tôi chưa biết giận đứa nào đến mức không nhìn mặt hay rầy la một cách quá đáng. Tôi quan niệm học trò cũng như con mình và vẫn bảo lưu ý nghĩ này vì với tụi nhỏ, sự quấn quýt của chúng trong những dịp lễ lạc hay trước khi nghỉ hè hay vào lúc tựu trường không thể cho tôi cảm giác nào khác hơn.
Ngày 20 tháng 11 năm nay gia đình tôi có khá nhiều trò tới thăm. Có đứa tận Ban Mê Thuột về mua bán gì đó ở Sài Gòn nhân tiện ghé nhà. Nhìn bụi đỏ bám hai gấu quần của trò Th. mà tôi xốn xang. Trò này hồi xưa rất giỏi môn toán mà không biết sao lại không giỏi khi ra đời làm ăn, cứ buôn bán là lỗ và cả nhà của nó nheo nhóc tội nghiệp vô nghiệp vô cùng.
Trò Ng. từ Đà Nẵng vào cho tôi biết em làm ăn cũng đỡ hơn mấy năm trước và hiện nay đang là chủ một doanh nghiệp may gia công. Ng. mang tặng vợ chồng tôi hai bộ đồ do doanh nghiệp của trò may và mắt nó sáng lên khi nói về tương lai của công ty. Tôi mừng, ngồi vuốt bộ quần áo trên tay như muốn chúng biết là tôi cảm động lắm. Cảm động muốn khóc chứ không phải chơi.
Trong hôm gặp mặt này, Ng. tuy hớn hở cho biết là công việc của nó trôi chảy lắm nhưng không hiểu sao trong mắt nó lại có điều gì đó không vui. Tôi chú ý và thấy việc này nên sau khi bọn trẻ chia tay tôi nói nhỏ với Ng. rằng thầy muốn nói chuyện riêng với em. Ng. ngồi lại và việc đầu tiên em tới chiếc vi tính của gia đình tôi, đánh một địa chỉ vào đó và kéo tôi lại nhìn…
Trong khi tôi xem trang web này thì Ng. kể cho tôi câu chuyện về chủ nhân của trang web. Thì ra nó là một trong nhiều học trò của tôi hồi xưa. Nó học chung lớp với Ng. trong những năm trước giải phóng và lâu lắm rồi không nghe đứa nào nhắc nhở tên nó trước mặt tôi. Ng. kể những việc xảy ra trong mấy ngày gần đây và ngập ngừng nói với tôi, thầy đừng để tâm chi cho mệt, thằng này đã có tánh tình này từ hồi còn đi học. Nó tên là Hoàng Hữu Phước, đương kim đại biểu Quốc hội của Việt Nam trong khóa 13 này.
Tôi ngồi nghe Ng. kể mà lòng cứ ngổn ngang vừa buồn vừa xấu hỗ. Tôi gượng gạo nói với Ng. là mỗi đứa mỗi tính, thầy không trách gì nó và trước tiên là thầy thấy phải cần tự trách mình. Ng. ra về và tôi không tài nào chợp mắt suốt đêm ấy.
Tôi quyết định viết bức thư này cho anh học trò cũ Hoàng Hữu Phước sau khi đọc tất cả những gì mà trang web này ghi lại, kể cả việc Hoàng Hữu Phước vừa có bài phát biểu trước quốc hội về Luật biểu tình và lập hội. Tôi cũng đọc bài viết của Phước về Cù Huy Hà Vũ, Sadam Hussen… về đa đảng, về tiếng Anh và tiếng Việt…càng đọc trí óc tôi càng mù mịt trước những lập luận, nhận định hay kết luận của Phước. Do không thể tập trung, sáng hôm nay tôi mới ngồi trước bàn viết gửi cho Phước những dòng này với tâm niệm được chia sẻ với trò vài điều cuối cùng trước khi nhắm mắt.
Phước ơi, sau khi đọc tất cả những bài viết của trò thầy thấy rằng kiến thức mà trò góp nhặt để đưa vào các bài viết hoàn toàn có chủ tâm nhằm gây sự chú ý của một nhóm nhỏ lãnh đạo bảo thủ luôn muốn cho người dân im lặng đang cầm quyền hiện nay. Thầy nói đó là nhóm nhỏ vì nhìn chung xã hội ngày nay đã khác rất xa ngày mà thầy trò mình tới trường dạy và nhìn nhau học trong không khí hết sức đáng sợ. Chắc lúc đó trò không bao giờ nghĩ đến một lúc nào đó chính trò sẽ viết những dòng chữ kêu gọi cả nước hãy ngưng nghĩ đến chuyện đa đảng, trong khi mọi khuynh hướng dân chủ của thế giới đã hướng tới điều mà người dân mong đợi. Điều mong đợi đó thầy trò mình đã từng vào năm 1978, khi trò tới trường với tâm sự trĩu đầy và báo cho thầy biết trò không đi nước ngoài được do nhà nghèo và phải nuôi mẹ. Thầy biết người anh rễ của trò là một dân biểu trước năm 1975 do trò kể và hiện nay gia đình của ông này vẫn còn bên Mỹ. Thầy trò mình sau đó không còn gặp nhau mặc dù vẫn sống tại Sài Gòn này.
Thầy thật sự đau lòng khi trò viết trong bài : “Tại sao Việt Nam không cần đa đảng”. Sau khi mạt sát Phan Bội Châu trò quay sang kể tội những người có chủ kiến đòi đa đảng, trong đó có người anh rễ của trò. Trò viết:
“tất cả các phe nhóm và đảng phái chính trị đều hoặc làm tay sai cho Pháp hay Nhật hay Hoa hay Mỹ, hoặc tự bươn chải chỉ biết dùng nước mắt bạc nhược cố tìm “đường cứu nước” (như Phan Bội Châu khóc lóc với Lương Khải Siêu [2] khi nhờ Lương Khải Siêu giới thiệu với Nhật xin giúp kéo quân sang Việt Nam đánh Pháp, mà không biết mình rất có thể đã “cõng rắn cắn gà nhà”, “rước voi về dày mả tổ”, mở đường cho sự quan tâm của Quân Phiệt Nhật tàn bạo đánh chiếm và giết chết nhiều triệu người Việt Nam sau này, và phải nhờ Lương Khải Siêu ban phát cho lời khuyên can mới hiểu ra sự nguy hiểm của lời yêu cầu Nhật đem quân đến Việt Nam giúp đánh Pháp), và tất cả đều chống Cộng. Chỉ có Đảng Cộng Sản Việt Nam đánh thắng tất cả, tạo dựng nên đất nước Việt Nam thống nhất, nên việc “đòi quyền lợi” hay “đòi quyền tham chính” của tất cả các cá nhân, tất cả các phe nhóm chính trị bên ngoài Đảng Cộng Sản Việt Nam là điều không tưởng, vô duyên, khôi hài và bất công, nếu không muốn nói là hành vi bất lương của kẻ cướp muốn thụ hưởng quyền lực chính trị trong khi đã không có bất kỳ công sức đóng góp nào cho Đảng Cộng Sản Việt Nam, ngoài sự chống phá ngay từ bản chất.”
Trò đã dùng thứ ngôn ngữ “phanh thây uống máu quân thù” để phỉ báng quá nhiều người trong một vần đề mà trò tỏ ra còn quá non nớt, nếu không muốn nói là lệch lạc và đầy ngộ nhận. Thầy rất sẵn lòng trao đổi thêm với trò nếu có cơ hội để trò thấy rằng đa đảng không phải là điều gì ghê gớm đến nổi trò phải nói hộ cho những người cố bám víu vào cái đảng đã tỏ ra thiếu sức sống và mục ruỗng từ lý luận tới nghị quyết và đang đưa toàn dân tộc vào thế cùng trong hoàn cảnh hiện nay. Tuy nhiên thầy không có mục đích bàn việc nên hay không nên đa đảng, thầy chỉ nhắc cho trò nhớ thái độ “mục hạ vô nhân” không phải là thái độ của người trí thức. Chỉ có người tưởng mình là trí thức với mảnh bằng cử nhân nhỏ bé cộng với cái bằng chưa biết do ai cấp là thạc sĩ kinh doanh quốc tế của mình mà trò đã táo tợn khinh rẻ, miệt thị cả một nửa dân tộc thì còn ai dám cho trò là một trí thức nữa? Thầy nói một nửa dân tộc vì còn khiêm nhường chứ nếu cứ đi hỏi tất cả người dân thì họ sẽ trả lời cho trò biết sẽ nhiều lần hơn thế.
Thầy nói vậy vì trò viết như đinh đóng cột là: “Người Việt Nam yêu sự công bằng nên không ai chấp nhận đa đảng. Bất kỳ ai nói nhặng lên về đa đảng đích thị là phường gian manh muốn ngồi mát ăn bát vàng, hoặc phường Việt gian tay sai Hoa-Mỹ, và do đó không thuộc cộng đồng người dân Việt chân chính”.
Thầy muốn nói cho trò biết là trong những người mà trò nói đó không có hai vợ chồng thầy, vậy thì “chúng thầy” không phải là người Việt chân chính và thậm chí gian manh hay sao?
Bước xa hơn và kinh khủng hơn trò viết như thế này: “Mỹ kiêng sợ Trung Quốc đến độ nhiều chục năm qua không bao giờ dám gọi đồng minh Đài Loan là quốc gia. Thái Lan kiêng sợ Trung Quốc. Thế giới kiêng sợ Trung Quốc. Trung Quốc không sợ bất kỳ quân đội nào của thế giới. Trung Quốc chiếm Hoàng Sa đánh tan các chiến hạm Việt Nam Cộng Hòa ngay trước mũi Đệ Thất Hạm Đội hùng hậu của Hoa Kỳ.”
Trò Phước ơi, không những trò bị chứng hoang tưởng quá nặng mà còn manh nha phản quốc nữa. Câu này đáng lẽ dành cho một “học giả” Trung Quốc mới đúng cớ sao lại ký tên người học trò cũ của thầy với đầy đủ chứng cứ quốc tịch Việt Nam?
Để làm cho câu nói thầy vừa trích ấn tượng hơn, trò vuốt đuôi Việt Nam bằng một câu khác, còn cháy bỏng hơn câu khi nãy: “Trung Quốc chỉ sợ quân đội của Đảng Cộng Sản Việt Nam”.
Trò ơi, kiến thức về lịch sử của trò thua quá xa đàn em sau này mặc dù nhiều đứa trong chúng không có bằng cấp như trò. Trò mang tội lớn thứ hai là ru ngủ lãnh đạo Việt Nam với mưu toan gì? Nếu Trung Quốc sợ Việt nam như thế thì họ đã không cho Việt Nam một bài học năm 1979. Họ cũng sẽ không dám công khai đánh chiếm đảo Gạc Ma năm 1988 và họ cũng không dám giết ngư dân Việt Nam trong nhiều năm gần đây như vậy.
Trò miệt thị những người lính Việt Nam Cộng hòa để lấy lòng ai vậy? Đảng Cộng sản Việt Nam hay Đảng Cộng sản Trung Quốc? Cho dù đảng nào thì trò cũng chỉ nhận được một sự khinh bỉ, vì cả hai đều là bậc thầy trong việc thu nhận những kẻ phản phúc u mê để dùng chúng vào một giai đoạn nào đó mà thôi. Tin thầy đi, trò đang được cả hai Đảng chú ý như một nhân tố mới, hiếm thấy trong xã hội hiện nay khi cả hai đang cố tìm những khuôn mặt bất ngờ như trò mà tìm không ra. May cho Đảng cộng sản Việt Nam, họ đã phát hiện ra trò và phần thưởng mà trò có hiện nay đáng cho thầy phải xấu hỗ.
Thấy nói xấu hỗ vì rõ ràng trò ngoa ngôn để tiến thân vào cái cơ quan tuy không được tiếng tốt nhưng dù sao vẫn là biểu tượng dân chủ của Việt Nam. Trò hãnh diện lớn tiếng đòi bỏ hai cái quyền phổ quát nhất của tất cả nền dân chủ trên thế giới là quyền Biểu tình và Lập hội. Trò cũng dùng lại cái bài cũ là “nhân dân Việt Nam không cần hai cái luật này” rồi sau đó trò chứng minh trước hơn 85 triệu người Việt Nam là chính trò nghe những lời miệt thị, nguyền rủa người biểu tình chống Trung Quốc tại Sài Gòn.
Phước ơi, trò càng lúc càng đi sâu hơn vào tội phản quốc. Trò gọi người biểu tình chống Trung Quốc là đáng bị nguyền rủa vì cản trở họ không làm ăn được. Thầy muốn nói cho trò biết rằng trò không thể dối trá khi tạo ra một câu chuyện không tưởng để lấp liếm hay tô màu cho cái lý luận rẻ tiền của trò. Không người Việt Nam nào có lý trí lại chửi bới, xúc xiểm đồng bào mình khi người biểu tình đang làm một việc thế cho họ: biểu tình chống Trung Quốc xâm lược.
Cho dù có khổ sở bao nhiêu chăng nữa thì lòng yêu tổ quốc vẫn mạnh hơn nồi cơm của họ, bởi mất nước thì nồi cơm kia có còn không?
Trò không thể nói cho mọi người biết lúc đó là ngày nào, mấy giờ, góc đường nào và có bao nhiêu người biểu tình phải không? Thầy chắc rằng với một người có tâm địa như trò thì làm sao dám ra đường hòa với người biểu tình mà ghi nhận câu chuyện dối trá này?
Bài cuối cùng mà thầy đọc trên website của trò là bài viết trả lời về những việc xảy ra trước bài phát biểu của trò tại nghị trường Quốc hội. Đây là sai phạm thứ hai sau khi sai phạm thứ nhất chưa được dư luận tha thứ. Lần này thì trò dùng mớ học vấn hỗn tạp của mình để chứng minh về cái mà trò gọi là sự trong sáng của tiếng Việt được trò diễn giải bằng cung cách tiếng Anh theo thói quen mà trò tự hào là tiếng Anh rất chuẩn của trò khi nói về “dân trí”.
Càng chứng minh trò càng rơi sâu hơn vào cái rọ do chính trò tạo ra và thầy thật sự ngạc nhiên chứ không còn giận nữa. Thầy thấy trò vừa vĩ cuồng vừa u mê. Vừa ngốc ngếch vừa muốn chứng tỏ mình thông thái. Ai đời trò mang cái bao thư mà cả nước đang “nguyền rủa” ra làm sự hãnh diện khi viết trong bài “Giao Thoa Ngôn Ngữ Việt – Anh và Thực Chất Vấn Đề Giữ Gìn Sự Trong Sáng Của Tiếng Việt” do trò “sáng tác” như sau:
“Bài của tôi, kẻ “ngoại đạo” chầu rìa bên ngoài ngưỡng cửa hàn lâm của ngôn ngữ Việt, được chọn đăng mà không có bài của vị tiến sĩ ấy; và vì được chọn đăng, tôi nhận được phong bì bồi dưỡng dày hơn.”
Vô phúc cho cái trường mà trò mang lên để chứng minh cho sự thông thái của trò. Bề dày của tiền không thể nói lên giá trị của bài viết mà trò được chọn. Sự lớn lối của trò khi cho rằng tiếng Việt cần viết lại theo ngôn ngữ tiếng Anh mới thể hiện được sự trong sáng của nó gây cho thầy cảm tưởng đây là sự khoa trương vốn liếng tiếng Anh chỉ đạt cấp cử nhân của trò chứ không ngoài mục đích nào khác, vì vậy theo lời kể của trò bài viết bị ông Tiến Sĩ nào đó bác bỏ là quá đúng chứ bàn cãi vào đâu nữa?
Cử nhân tiếng Anh tốt nghiệp từ Việt Nam đâu thiếu gì anh chỉ nghe rồi ngọng không nói được? nó hơn gì một học sinh tú tài tại Mỹ đâu mà khoe nhặng xị lên như thế? Có cử nhân tiếng Anh mà đòi nói chuyện áp dụng tiếng Anh để sửa tiếng Việt thì thật là dại khờ và nông nổi.
Bao thư gọi là bồi dưỡng đó phải hiểu chính xác là dùng để thưởng công cho một bồi bút mới nổi dưới cái vỏ doanh nghiệp. Ai dám đoan chắc rằng số tiền trong bao thư không phải là do trò cung cấp sau khi người phát cho trò đã được phép rút đi hơn phân nửa?
Trò tự vạch áo cho người xem thẹo chứ có ai làm gì trò đâu? Và đây nữa: “Trong khi có một vị còn nhớ đến tôi, nhà giáo cách nay hơn 20 năm, đến bắt tay chào, hỏi han, tâm sự về thế cuộc xoay vần của giáo dục nước nhà, thì đa số vẫn nhìn tôi ghẻ lạnh như thể tại sao một tên doanh nhân lại dám xuất đầu lộ diện giữa tháp ngà ngôn ngữ học.”
Đây là câu hay nhất của hàng chục ngàn chữ trong website của trò. Đúng đến từ centimet. Đúng nhưng trò không thấy để mà tự hào.
Viết đến đây thầy không còn cảm thấy thích thú muốn viết nữa vì biết rằng dù có đọc được bài này thì trò vẫn như cũ. Thầy dám khẳng định như vậy bởi sự đạp đổ tất cả giá trị vĩnh cửu để tiến thân của trò là quá hiển nhiên. Khi một con người như vậy thì lời nói của một ông giáo già sắp chết như thầy liệu có ý nghĩa gì?
Thì thôi thầy sẽ gửi cho mấy đứa khác, trong đó có vài đứa học cùng lớp với trò để chúng nó tự tránh vết xe của trò. Vết xe đáng gọi là sự xấu hỗ của dân tộc. Sự xấu hỗ lây lan tới hơn bốn trăm người ngồi trong cái tòa nhà kia trong đó có cả ông nghị Dương Trung Quốc mà thầy rất kính trọng, khi ông đem kiến thức và lòng yêu nước của mình phản bác với một kẻ vô lại là trò, Hoàng Hữu Phước.
Thầy cũng xin tự nhận một phần trách nhiệm. Trách nhiệm này nếu chia đều ra cho tất cả mọi ông thầy khác trong suốt quá trình đào tạo trò trở thành một trí thức hỗ lốn kể như không nặng nề gì. Thì thôi, coi như nỗi buồn của ngày 20 tháng 11 năm 2011.
Thầy nhờ cô học trò ít tuổi hơn trò đăng bài viết này ở đâu cũng được, như một di ngôn của thầy với chút lòng thọ tội với tổ tiên vì đã trót làm thầy cho anh học trò mang tên Hoàng Hữu Phước.
*
Tái bút của Cánh cò: Do thầy không muốn nhắc gì tới ông và cũng không muốn đề tên thật, nhưng tôi nhắc cho ông rằng nhà thầy ở chung cư nơi hồi xưa có lần tôi cho ông quá giang tới thăm thầy.
Nguồn: Ngô Đức Thọ'Blog
Được đăng bởi Đặng Văn Sinh vào lúc 07:48
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét