Bóng ma tham nhũng ám làng vận động viên
SGTT.VN - SEA Games 26 đang diễn ra tại Jakarta trong bối cảnh một số địa điểm thi đấu bị chậm trễ tiến độ và bóng ma tham nhũng vẫn lởn vởn. Điềm báo trước cho một kỳ SEA Games bê bối tiền bạc là thủ quỹ của đảng Dân chủ Indonesia bị cáo buộc bỏ túi 3 triệu USD tiền hối lộ, từ một công ty đấu thầu xây dựng làng vận động viên.
Vụ Muhammad Nazaruddin nhận 3 triệu USD hối lộ sẽ được "giơ cao đánh sẽ"
|
Làng vận động viên ở Palembang – nơi dính đến cáo buộc hối lộ nêu trên không đủ quy mô để chứa hết các vận động viên đến từ khu vực. Vì không tìm được phòng tại đây, các vận động viên Philippines đã than phiền rằng đây là SEA Games “hỗn loạn nhất từ trước tới nay”. Các đội bóng Singapore, Malaysia, Campuchia và Indonesia liên tiếp bị ngộ độc thực phẩm, trong lúc hàng ngàn công nhân vẫn đang gấp rút thi công hệ thống thoát nước. Ban tổ chức SEA Games đã phải tính đến biện pháp tình thế: hải quân Indonesia neo đậu tàu ngoài khơi Palembang như là khách sạn nổi cho khoảng 1.500 quan chức, vận động viên các nước.
Từ tháng 5.2011, người dân Indonesia rất phẫn nộ khi hay tin thủ quỹ đảng Dân chủ Muhammad Nazaruddin nhận 3 triệu USD hối lộ, trong đó có liên quan tới các công trình xây dựng SEA Games. Sau một thời gian chạy trốn tại Colombia, Nazaruddin đã bị dẫn độ về nước. Có ý kiến cho rằng, việc bắt giữ Nazaruddin có thể liên luỵ đến cấp lãnh đạo đảng Dân chủ, bao gồm cả Eddie Baskoro Yudhoyono – con trai tổng thống. Đáng lưu ý là chủ tịch đảng Anas Urbangingrum – người từng được xem là một trong những nhà cải cách, cũng dính líu đến vụ bê bối này, dù ông một mực phủ nhận trước công luận.
Liên quan đến vụ bê bối trên, Mindo Rosalina Manulang – điều hành công ty của Nazaruddin và doanh nhân Muhammad El Idris, chủ công ty DGI (đấu thầu xây làng vận động viên) chỉ bị tuyên phạt hai năm tù giam vì hành vi đưa hối lộ 374.000 USD cho một thứ trưởng.
Chủ tịch tổ chức Giám sát tham nhũng Indonesia Danang Widoyoko nhận định, cả hai bản án nêu trên theo kiểu “giơ cao đánh khẽ” và không có tác dụng ngăn chặn tham nhũng. Hồ sơ điều tra cho thấy PT Anugerah Nusantara – công ty của Nazaruddin đã lót tay hàng trăm triệu rupiah cho cảnh sát trong giai đoạn 2006 – 2008, trước khi xảy ra vụ bê bối liên quan đến SEA Games. Nazaruddin còn được tin là có mối quan hệ mật thiết với Timur Pradopo – giám đốc Cảnh sát quốc gia, nên công ty của ông trúng thầu dự án xây dựng học viện cảnh sát ở Banten.
Giáo sư Tobias Basuki, đại học Pelita Harapan, cho biết: “Tổng thống Yudhoyono có vẻ đang bỏ lỡ cơ hội tái lập hình ảnh của một nhà cải cách và một nhà chống tham nhũng như ông đã tuyên bố. Một khi giới lãnh đạo cao cấp do dân bầu lên không hành động quyết liệt chống tham nhũng, người dân mất niềm tin vào chế độ dân chủ là điều đương nhiên. Và điều này sẽ kéo theo nhiều hậu quả khó lường”.
Bá Nha (Asia Sentinel, Jakarta Globe)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét