Bài đăng phổ biến

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

BỘ TRƯỞNG CẦN CÓ DẤU ẤN...

“Bộ trưởng cần có dấu ấn nhưng không phải để “đánh bóng“ mình“

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên TW Đảng, Tư lệnh quân khu IV, đại biểu quốc hội khóa VIII, IX, X quan tâm và hoan nghênh phát ngôn và hành động của các bộ trưởng mới đây. Nhưng theo tướng Thước, nói và làm thường có khoảng cách, vì vậy, vào gần cuối nhiệm kỳ hoặc nửa nhiệm kỳ thấy không xoay chuyển, không thực hiện được điều đã hứa với cử tri thì các Bộ trưởng nên tự giác từ chức.  
Khoảng cách giữa phát ngôn và hành động
- Thưa ông, là đại biểu Quốc hội các khóa 8, 9, 10 chắc ông không xa lạ với những lời phát ngôn hay những lời hứa với cử tri của các Bộ trưởng trước những vấn đề bức xúc của xã hội?
- Đúng thế. Qua 15 năm tôi làm đại biểu quốc hội, ngoài số ít bộ trưởng dám nói dám làm đa phần thì thường nói nhiều làm ít, thậm chí có lúc nói nhưng mà không làm, hoặc nói một đường làm một nẻo. Cũng không ít trường hợp nói, phát ngôn chỉ để "đánh bóng" trước dư luận. Hoặc có đồng chí khi bị chất vấn thì tìm cách né tránh trách nhiệm không dám trả lời những vấn đề mà cử tri đang mong muốn được nghe. 
Bây giờ, sinh hoạt dân chủ trong quốc hội đang ngày càng được nâng cao. Ý thức dân chủ, trí tuệ các đại biểu quốc hội đã thể hiện được tiếng nói của cử tri gửi gắm vào họ. Tôi thấy rằng tính chiến đấu trong hoạt động chất vấn của các đại biểu ngày càng gay gắt, kéo theo trách nhiệm của cơ quan điều hành cũng được thể hiện ngày càng tốt hơn.
- Sau khi nhậm chức, một loạt bộ trưởng mới đây đã có những phát ngôn và hành động rất đáng chú ý, nhiều người tỏ thái độ kỳ vọng, gọi “hiện tượng” này là “một thế hệ Bộ trưởng mới”, ông nghĩ gì về điều này?
- Quốc hội khóa 13 mới đây có một vài bộ trưởng đã có những tuyên bố đáng chú ý. Tôi hoan nghênh các đồng chí ấy vì trước Quốc hội, trước quốc dân đồng bào họ đã mạnh dạn phát ngôn, thể hiện ý chí, quyết tâm hành động của mình để giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để đưa ra đánh giá và càng không nên kỳ vọng cho rằng đó là một thế hệ bộ trưởng mới. Chúng ta cũng phải chờ đợi vì giữa phát ngôn và hành động thường có khoảng cách.
Nói một đường làm một nẻo là cực kỳ nguy hiểm. Khi nói thì có vẻ tâm rất trong sáng với người dân còn lúc hành động thì tâm đen với người dân, sáng đối với mình. Tôi mong rằng các bộ trưởng đã tuyên bố như vậy thì họ chưa cần phải làm vượt mà hãy làm cho được như những lời như đã tuyên bố. Chúng ta đang cần những bộ trưởng dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm.  

  Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.


Phải có dấu ấn cá nhân
- Theo ông khi ngồi ở ghế bộ trưởng, các bộ trưởng có cần để lại dấu ấn cá nhân trong nhiệm kỳ đó hay không?
- Tất nhiên. Nhưng để lại dấu ấn nhất định không phải là "đánh bóng" mình. Dấu ấn chính là anh tạo ra sản phẩm điều hành của anh và sản phẩm đó mang tính đột phá, đong đếm bằng tính hiệu quả cho sự phát triển của đất nước, lợi ích cho người dân. Sản phẩm đó không chỉ có ý nghĩa với nhiệm kỳ của anh mà là cầu nối cho những sản phẩm cao hơn ở những nhiệm kỳ sau. 
Thời bao cấp, ông Kim Ngọc, Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú từng có phát ngôn: “Xã viên không coi ruộng đất là của mình nên họ chẳng thiết tha gì với đồng ruộng. Phải để nông dân làm chủ mảnh đất của mình”. Ông Ngọc chính là một con người hành động, để lại dấu ấn lớn.
Ông làm cái việc đơn giản mà khi bắt đầu ông chỉ nghĩ làm sao cho người dân tỉnh ông đỡ khổ. Ông dám “phá rào” nên đã bị phê phán, phải làm kiểm điểm. Sáng kiến "khoán hộ" hay "Cải tiến công tác quản lý lao động hợp tác xã" năm 1966, đã dẫn đến "khoán 10" hay "Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam".
Làm một nhiệm kỳ 5 năm, cử tri giao cho một trọng trách lớn như vậy mà không để lại dấu ấn, một kết quả gì trong thực tiễn thì đáng thất vọng. Đối với phát ngôn các bộ trưởng hiện nay, tôi nhấn mạnh lại là hoan nghênh nhưng cũng phải chờ xem đến hết nhiệm kỳ của các đồng chí ấy xem kết quả thực hiện của những lời tuyên bố đó ra làm sao. Thực tế sẽ chứng minh lời anh nói đúng hay là sai, nếu anh làm được như đã tuyên bố thì đúng là dấu ấn của anh, nếu anh không làm được thì anh cũng để lại một dấu ấn nhưng là dấu ấn “đen”, dấu ấn của sự lừa dối đối với người dân.
- Trong các khóa mà ông làm đại biểu Quốc hội, phát ngôn nào hành động nào mà ông thấy ấn tượng nhất?
- Tham gia Quốc hội 3 khóa, tôi thấy có 2 bộ trưởng mà tôi cho rằng nói thì ít nhưng làm thì nhiều. Đó là ông Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Huy Ngọ và ông Bộ trưởng thương mại Trương Đình Tuyển.
Về ông Ngọ, tôi cho rằng đó là một con người hành động. Ông nói ít nhưng ông đã nói cái gì ra là ông làm. Khi ông lên làm Bộ trưởng tôi ấn tượng khi ông phát ngôn: “Đau đớn cho một bộ trưởng, mà đất nước có hơn 3.200 km đường biển mà không có muối ăn mà phải đi nhập muối”. Sau đó ông đã đi thực tế tại nhiều địa phương để tìm và giải nghịch lý đó. Thực tế, ông cũng xứng đáng với  nghĩa “tư lệnh” ngành vì mỗi khi có thiên tai, bão lũ đe dọa đến sinh mạng người dân, ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp là thấy ông xuất hiện. Nhìn ông trên tivi nhiều khi không biết ông là Bộ trưởng mà tưởng là một ông nông dân nào đó.
Còn với ông Tuyển, thời kỳ mà ngành thương mại còn nhiều bế tắc nhưng ông là người dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Quốc hội, trước cử tri. Sự quyết liệt của ông đã góp phần khai phá quan hệ thương mại với Mỹ, mở ra thời kỳ tăng cường quan hệ kinh tế tích cực với quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất của thế giới.
Đừng để người khác cách chức mình 
- Khi nhậm chức bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng có nói hãy cho ông ta cái quyền của một tư lệnh, không lẽ trước đó các bộ trưởng không có cái quyền đó hay sao, thưa ông?
- Không phải bây giờ mới nói chuyện giao quyền, nhưng trong thực hiện chức trách lâu nay thì nhiệm vụ thường không đi đôi với quyền hạn. Chủ trương, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước thì đã có quy định rồi nhưng trong tổ chức thực hiện ở đâu đó bộ máy của chúng ra đang thực hiện không đúng. Lúc nhậm chức Bộ trưởng không ai có thể làm tốt ngay được. Phải chiến đấu, rèn luyện thử thách thì mới tốt lên được. Nhưng năng lực tối thiểu của một bộ trưởng là phải có, ý chí, quyết tâm là, trách nhiệm phải có.
- Thưa ông, ông có coi Bộ trưởng giống như một tư lệnh trên chiến trường?
- Trong điều hành gọi bộ trưởng là tư lệnh chiến trường là không sai. Có thể nói Thủ tướng là tổng tư lệnh, điều hành qua các tư lệnh chiến trường bằng việc giao nhiệm vụ, xác định chỉ tiêu, còn lập kế hoạch, tổ chức thực hiện như thế nào thì do tư lệnh xây dựng và cấp trên sẽ thông qua. Thông qua rồi thì tư lệnh cứ theo đó mà làm.
Tuy nhiên, quá trình làm thấy cái gì chưa ổn thì điều chỉnh, còn thiếu thì bổ sung, cái gì không phù hợp thì thay đổi. Phải chủ động sáng tạo, nắm thời cơ, nắm tình hình để ra quyết định chứ đừng có chờ đợi. Còn nhớ, trong chiến dịch Tây nguyên năm 1975, tôi là tham mưu trưởng chiến dịch này, ban đầu theo kế hoạch là giải phóng cho mỗi Đắc Lăk, nhưng khi đánh trận thấy tình thế đã khác, cơ hội đã đến và nhiệm vụ cho thấy không chỉ còn là giải phóng 1 tỉnh nữa mà phải giải phóng cả 6 tỉnh Tây Nguyên, và 3 tỉnh đồng bằng khu V nên chúng tôi đã quyết tâm thực hiện và thành công.  
Tôi rất đồng cảm cách đặt vấn đề của Bộ trưởng BGTVT Đinh La Thăng là cho quyền tư lệnh ngành. Thời còn là Tư lệnh quân khu IV, tôi từng nói với Đại tướng Đoàn Khuê – Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng rằng, hãy giao nhiệm vụ cho tôi, giao chỉ tiêu cho tôi, đặt những yêu cầu cụ thể mà tôi phải làm còn việc tổ chức cụ thể như thế nào thì Bộ trưởng đừng cầm tay tôi mà bắt tôi phải thực hiện thế này, thế kia, vì đó là việc của tôi. Còn tôi làm sai thì tôi sẽ chịu trách nhiệm. Đại tướng Đoàn Khuê hoàn toàn nhất trí với đề nghị của tôi và nói rằng : “Cơ quan tham mưu không cột chặt cấp dưới mà phải giao quyền cho cấp dưới”.
Nhưng giao quyền hành nhưng nếu không có cơ chế giám sát dễ dẫn dẫn tình trạng lạm dụng quyền hành và độc đoán ?
- Nói giao quyền không phải chỉ thói ham mê quyền lực, dùng quyền hành phục vụ ý chí cá nhân mà đó là tâm huyết. Giao cho tôi nhiệm vụ thì hãy cho tôi cái quyền để thực hiện. Nhiệm vụ và quyền hạn phải đặt ngang nhau. Người tư lệnh cứ chờ trên bảo rồi mới làm thì luôn luôn thụ động, triệt tiêu tính sáng tạo, không thể làm được cái gì ra hồn. 
- Mới đây, sau khi thị sát thực trạng xây dựng công trình nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã thay ngay tổng chỉ huy công trình vì việc thi công hết sức ì ạch khiến dự án chậm tiến độ gần hai năm, ông nhận xét gì về hành động này?
- Qua phương tiện truyền thông tôi cũng biết. Ở một dự án quan trọng mà trì trệ như vậy ông phụ trách dự án đó bị cách chức là phải. Không làm được thì nên từ chức, mà không chịu từ thì cách chức đi, thay đổi đi là việc làm cần thiết. Cũng biết, sử dụng cán bộ không phải cách chức nhiều mà được nhưng cán bộ nào làm sai mà không sửa được thì phải cho nghỉ đi.
Trước hành động mạnh mẽ của ông Thăng, một số ý kiến cho rằng, nếu hết nhiệm kỳ của mình ông Thăng làm nhưng không để lại dấu ấn gì, không thực hiện những điều ông đã tuyên bố thì ông ấy cũng nên chủ động từ chức?
- Ở Quốc hội khóa IX, tôi cũng chứng kiến Bộ trưởng NN&PTNT Lê Huy Ngọ xin chủ động từ chức. Từ trước tới nay đây là lần đầu tiên mà một bộ trưởng trước Quốc hội xin được từ chức vì thấy không hoàn thành nhiệm vụ. Tôi rất ấn tượng với hành động đó. Anh không làm được thì nên để người khác giỏi hơn làm, đừng cố ngồi đó mà giữ ghế.
Còn với ông Thăng, nói và đang làm như vậy gần cuối nhiệm kỳ hoặc nửa nhiệm kỳ mà thấy không xoay chuyển gì cả thì nếu đúng như con người thực chất mà ông đang thể hiện thì ông cũng nên tự giác mà từ chức. Cử tri, Quốc hội giao cho ông quyền Tư lệnh mà ông không làm được thì anh hãy tự từ chức đừng để họ phải cách chức anh.
- Cám ơn ông về cuộc trò chuyện và chúc ông sức khỏe.

Phi Hùng (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét