Bài đăng phổ biến

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP


                                                     ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP
          Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.Hồ Chí Minh vừa ra quyết dịnh truy nã toàn quốc đối với Đồng Xuân Phong, cán bộ Đội chống buôn lậu, Cục Hải quan TP.Hải Phòng về hành vi buôn lậu. Theo đó, Phong cầm đầu một đường dây buôn lậu lớn từ Hải phòng vào đến TP. Hồ Chí Minh.
            Cán bộ chống buôn lậu cầm đầu đường dây buôn lậu – nghịch lý trớ trêu này tồn tại nhiều năm từ “đời” Phùng Long Thất (Trưởng phòng chống buôn lậu, Hải quan TP.HCM) đến các cán bộ Hải quan Lào Cai “tiếp sức” cho buôn lậu ở vụ án Thiên Lợi Hòa, rồi hai cán bộ Hải quan TP.HCM buôn lậu hàng trăm mét khối gỗ, cán bộ Hải quan Hồng Lĩnh lấy “mác” hải quan lừa đảo hơn 2 tỷ đồng...
            Không cứ ngành Hải quan mới có những cán bộ với chức năng “chống buôn lậu” mới buôn lậu, mà những “con sâu” tương tự phát sinh và lây lan ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Có thể dẫn ra nhiều minh chứng như kiểm lâm hiện nguyên hình “lâm tặc”, thầy giáo là “yêu râu xanh”, cán bộ chính sách ăn chặn tiền chính sách, quản lý dự án “xóa đói, giảm nghèo” tham ô tiền của người nghèo, cán bộ đất đai “ăn” đất, thẩm phán vi phạm pháp luật, kiểm sát viên vòi tiền đương sự, cảnh sát đi ăn cướp, cán bộ chống tham nhũng thực hiện hành vi tham nhũng...
            Tất cả những hiện tượng ấy, “vận” vào những con người ấy – khi thực hiện chức năng cao quý của nghề nghiệp thì “vận dụng” nó để trở lại phá hoại chính nghề nghiệp của mình, gây nên một sự phản cảm ghê gớm trong dư luận xã hội và dưới con mắt người dân. Sức công phá mạnh mẽ của các hành vi này nhắm vào ý nghĩa xã hội của tinh thần “kỷ cương, phép nước”, biến đạo đức nghề nghiệp vốn phải tôn trọng thành trò cười nhạo báng.
            Đáng tiếc là, nếu những vụ “phản bội đạo đức nghề nghiệp” này được đưa ra xét xử, người ta lại tính đến những “cống hiến của quá trình công tác” để tìm ra những tình tiết giảm nhẹ ! Không, hành vi lợi dụng chức năng, nhiệm vụ được nhà nước giao phó để vi phạm pháp luật, làm xấu đi hình ảnh nghề nghiệp của ngành mình phải luôn luôn coi là tình tiết tăng nặng để trừng phạt nghiêm khắc.

            Tác giả : PHA LY
            Nguồn : Báo PHÁP LUẬT VIỆT NAM số 269 ngày 22-10-2009



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét