Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

CÂU CHUYỆN VỀ Y ĐỨC


                                                Câu chuyện về y đức  
Bệnh viện Nhi Đồng I (TPHCM) là một trung tâm nhi khoa lớn nhất nhì nước, nên bệnh viện tiếp nhận nhiều ca bệnh nhi từ khắp các tỉnh phía Nam, nhất là các tỉnh miền Tây Nam bộ.
Bệnh viện lúc nào cũng quá tải, phòng bệnh chật chội, hai ba trẻ phải chia nhau một giường bệnh. Ngoài hành lang thì đông nghẹt thân nhân và người nuôi bệnh, với những khuôn mặt lo âu và có khi hớt hãi. Không khí lúc nào cũng ngột ngạt, cộng với “mùi bệnh viện” và thời tiết miền nhiệt đới, tình trạng ngột ngạt hình như càng nghiêm trọng và khó thở. Nhưng cái “khó thở” nhất là vấn đề quan hệ giữa con người với con người, hay nói cụ thể hơn là giữa bác sĩ, điều dưỡng và cha mẹ của bệnh nhân.
Bác sĩ và điều dưỡng tại BVNĐI rất bận. Lúc nào cũng thấy họ tất tần tật chạy tới chạy lui, như lúc nào cũng có trường hợp khẩn cấp. Nói thế thôi, chứ nhìn vào văn phòng thì cũng thấy họ … đấu láo. Cũng có lẽ đó là giờ “giải lao” trong giờ làm việc mà chỉ có BVNĐI mới có.
Rất ít khi nào thân nhân của người bệnh có cơ hội tiếp xúc hay bàn thảo với bác sĩ. Có trường hợp trẻ em nằm viện cả tuần mà không hề được bác sĩ nói bệnh gì hay tình trạng ra sao, mặc cho thân nhân hoang mang và buồn rầu! Nhưng đáng sợ nhất có lẽ là các ăn nói của giới bác sĩ trẻ và điều dưỡng ở đây.  
Trong vai một người thân đến thăm đứa cháu ở BVNĐI tôi đã trực tiếp thấy nhiều cảnh đau lòng và trái ngược với đạo lí ngành y. Một lần tôi chứng kiến một bà cụ gầy gò, khoảng 70 tuổi, nhân thấy một bác sĩ trẻ vừa đi ngang qua, bà vội hỏi về tình trạng của đứa cháu đang nằm viện; anh bác sĩ làm lơ bước đi không thèm trả lời. Bà cụ bức xúc quá nên chạy theo sau lặp lại câu hỏi về tình trạng đứa cháu hôm nay ra sao, và lần này anh bác sĩ quay mặt lại mắng xối xả vào bà cụ: “tôi đã nói hôm qua rồi, bộ bà hông hiểu sao, đầu óc bà chứa gì trong đó?” Bà cụ có lẽ đáng tuổi nội hay ngoại của anh bác sĩ. Với khuôn mặt khắc khổ của người nông dân miền Tây bà đành quay đi và đưa mắt nhìn tôi như tìm người đồng cảm về nỗi khổ của bà.
Một lần khác, mẹ của một bệnh nhân hỏi về một loại thuốc mà bác sĩ kê toa; thay vì trả lời bà mẹ trẻ đau khổ, người bác sĩ trung niên hống hách nói như tát nước vào mặt chị: “Chị là bác sĩ hay tôi là bác sĩ, tôi đã cho thuốc đó thì chị cứ đi mua, đừng có hỏi tới hỏi lui!”
Nhiều cảnh như thế xảy ra hàng ngày ở BVNĐI. Tôi lân la hỏi thăm vài thân nhân khác thì họ nói bác sĩ còn đỡ, chứ gặp điều dưỡng thì còn bị mắng và chửi thậm tệ hơn thế nữa. Tôi hỏi tại sao không phản đối, thì ai cũng lắc đầu nói mình cần họ, nên đâu dám nói gì, thà chịu bị mằng chửi, nín thở qua sông, còn hơn là cãi lại thì có khi nguy hiểm đến tính mạng của con cháu mình. À ra thế, họ sợ bác sĩ, họ chịu nhẫn nhục trước những lời mắng chửi vô cớ của bác sĩ chỉ vì họ lo cho tính mạng của bệnh nhân. Có người nói một câu thấm thía rằng ngày xưa người ta gọi bệnh viện là “Nhà thương”, nhưng trong dân gian ngày nay người ta có tên mới cho bệnh viện, và tên đó là “Nhà ác”!
Có nhiều bệnh nhân so sánh rằng bác sĩ ở các bệnh viện trung ương (thành phố) thường “khó tính” (đọc và hiểu rằng: vô giáo dục) hơn các bác sĩ ở bệnh viện tuyến huyện và tỉnh, nơi mà bác sĩ có vẻ tử tế hơn các đồng nghiệp ở thành phố cả ngàn lần. Có người còn nói thà nằm bệnh viện tỉnh để chết sớm hơn là vào bệnh viện trung ương để chết trễ mà còn bị mắng chửi. Đau thân xác còn chịu được, chứ đau tinh thần thì khó chịu thấu, họ nói như thế. Tôi không có cách gì kiểm chứng và so sánh giữa hai loại bệnh viện, nhưng kinh nghiệm cá nhân cũng phù hợp với nhận xét này.
Y đức là một trong những vấn đề nhức nhối nhất ở nước ta hiện nay. Hai năm trước khi VnExpress mở diễn đàn về y đức, có hàng ngàn người viết thư phản ảnh tình trạng mất y đức ở nước ta. Đọc qua những ý kiến này (rất có thể một số là phịa ra) người ta chỉ biết lắc đầu. Ngày nay, vì nhu cầu kinh tế và chạy theo lợi nhuận, không hiếm bác sĩ không còn để ý tới y đức là gì. Ngày xưa, Lê Hữu Trác (hiệu là Hải Thượng Lãn Ông), một người thầy thuốc lớn của Việt Nam sống vào thế kỉ thứ 18, từng nhận xét rằng người thầy thuốc khi nói đến người bệnh mà không có lương tâm, không có đạo đức thì khác gì "bọn giặc cướp". Những tội lỗi mà Hải Thượng Lãn Ông nêu ra trong Y âm án vẫn còn tồn tại trong nhiều thầy thuốc ngày nay, như tội lười biếng, chẩn đoán qua loa; tội keo kiệt, không chữa trị bệnh nhân vì nghĩ họ không có tiền trả; tội tham lam, biết bệnh nhân không có khả năng sống sót nhưng lại không bảo thật và cố tình kéo dài chữa trị để làm tiền; tội lừa dối doạ người bệnh để làm tiền; tội bất nhân, không dám chữa trị những bệnh khó vì sợ mang tiếng là thất bại hoặc sợ không thành công mà không được hậu lợi nên không chịu chữa, đẩy bệnh nhân đến chỗ bó tay chịu chết; tội dốt, nhận xét bệnh còn lờ mờ đã vội dùng thuốc sai lầm, v.v…
Tất nhiên, không phải bác sĩ nào cũng hành xử vô giáo dục như vừa kể trên; trong thực tế cũng có nhiều bác sĩ hết lòng với bệnh nhân. Tôi biết có bác sĩ còn rút tiền túi để mua vé xe cho bệnh nhân về quê vì bệnh nhân nghèo quá. Nhưng trong thực tế có không ít con sâu làm rầu nồi canh, vi phạm y đức, ăn nói vô giáo dục với bệnh nhân, và chính những kẻ này đã và đang làm cho nghề y trở nên xấu xa trước cái nhìn của người dân. …

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét