Bài đăng phổ biến

Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

ĐẰNG SAU TẤM BẰNG GIẢ

                                                                       
                                                 ĐẰNG SAU TẤM BẰNG GIẢ
             Câu chuyện bằng giả đã trở nên nhàm lắm rồi, vì đụng vào đâu cũng thấy, địa phương nào cũng có, đủ các loại người sử dụng bằng giả và quan trọng nhất, nạn bằng giả không bị xử lý đến nơi đến chốn, thế là người ta thản nhiên sử dụng bằng giả, để tiến thân hoặc giữ ghế, đôi khi đơn giản chỉ để kiếm một việc làm.
            Thế nhưng, cho dù phải chấp nhận sống chung với nạn bằng giả cùng với những người sở hữu nó thì chí ít cũng phải tìm hiểu và giải thích được lý do tồn tại của nó. Bằng giả được nhiều người sử dụng và cũng nhiều người chấp nhận đơn giản là cái bằng thật cũng chẳng hơn gì, khi mà học tại chức thi cử chỉ là hình thức và hiếm khi đi thi mà không đỗ, không đỗ thì thi lại, đỗ mới thôi.
            Mảnh bằng giả hay thật cũng chẳng phục vụ tốt hơn cho chuyên môn và nghiệp vụ của anh ta, vì thế giả và thật bị cào bằng. Giá trị đạo lý cũng bị trộn lẫn, người ta không hề cảm thấy xấu hổ khi dùng bằng giả nữa, cấp trên, cấp dưới đều dùng nên dễ dàng tha thứ cho nhau nếu chẳng may bị phát hiện.
            Mặc dù coi bằng giả là vấn đề nhàm (và nhàm nữa) nhưng chúng tôi vẫn đề cập bởi mới đây, trong dịp bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, ở một huyện nọ, căn cứ vào đơn tố cáo trong huyện có 54 cán bộ đảng viên dùng bằng giả mà khi kiểm tra xác định được 52 người dùng bằng giả, 2 trường hợp còn lại cần xác minh tiếp. Tố cáo chính xác như vậy quả là nạn bằng giả đã gần như đến mức công khai, thêm nữa, những người dùng bằng giả cũng thẳng thắn thừa nhận, họ còn cho biết mua một cái bằng giả bao nhiêu tiền ( từ 3 đến 8 triệu tùy theo quan hệ cho một bằng tốt nghiệp THPT hệ bổ túc ).
            Ở tỉnh khác, người ta có phong trào mua bằng y tế để xin một chân y tế học đường hay nhân viên nhà trường, đó cũng là một cách dùng bằng giả có sáng tạo. Tóm lại, người ta coi bằng cấp như tem phiếu thời bao cấp, có nó thì mới sống được và tuy Nhà nước cấm, vẫn có thể mua bán tem phiếu ở chọ đen.
            Có người sở hữu tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ nhưng họ chỉ ghi điều đó vào hồ sơ cán bộ chứ không bao giờ phô phang ra ngoài. Bằng cấp là đảm bảo cho sự thăng tiến của họ chứ không phải là vật trang sức, chỉ đến khi họ đã yên vị ở một vị trí ngất ngưởng nào đó, thiên hạ mới biết được học vị của ông ta, cho dù biết đấy là bằng giả cũng không ai làm gì được nữa. Học vị trở lại vị trí đúng của nó  đối với chủ nhân là vật trang sức, đánh bóng tên tuổi của ông ta, góp phần gia cố chiếc ghế chắc chắn hơn. Dù đấy là một hành vi khôn ngoan nhưng biện bạch kiểu gì thì bản chất của nó vẫn là sự đánh cắp lòng tự trọng của chính mình.
 Một khi con người không còn tự biết tôn trọng mình, “lộng giả thành chân” thì sự suy đồi thế chân cho đạo đức./.

Tác giả : Nhị Ngọc
Nguồn : Trang Văn hóa-Xã hội, Báo Pháp Luật Việt Nam
                 Số 162 ( 4.588 ) , Thứ Bảy ngày 11-6-2011.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét