Bài đăng phổ biến

Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2011

"TẦM GỬI" TIỀN


                                                                      “TẦM GỬI” TIỀN ! 
          Sông trung thủy nông cạnh đường 5-B, xuất phát từ đê Văn Thai, kéo dài đến tận thị trấn Cẩm Giàng, dài khoảng chục cây số. Con sông này là công sức của hàng vạn nhân công của mười hai xã trong huyện “ăn cơm nhà-làm việc nước” tạo nên, từ cuối những năm bảy mươi của thế kỷ trước.
            Từ đó đến nay, vừa trải qua năm tháng bồi lấp, vừa “bị” dân thôn Phí Xá, xã Cẩm Hoàng và dân làng Phú Lộc, xã Cẩm Vũ, lấn chiếm lòng sông, theo chiêu thức của chính quyền “bán mặt nước cho dân cấy rau muống, thả bèo” - Thực chất là chính quyền bán đất cho dân không cần “giấy tờ làm chi cho mệt” - Một hình thức vi phạm pháp luật “biến tướng” -  Cho nên lòng sông nhiều đoạn nông choẹt, thắt cổ chai.. rất khó và không thể lưu thông việc tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của chín xã khu vực.
            Trước bối cảnh này, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt nam có chủ trương đầu tư kinh phí để nạo vét, kè đá hai bên bờ chống việc xói lở ; đảm bảo việc tưới, thoát nước con sông này, nhân đó xây lại mấy cây cầu bê tông, phục vụ dân sinh.

            Người dân mấy xã khu vực sông được biết : Dự án nạo vét, kè hai bên bờ, làm lại gần chục cây cầu, có vốn đầu tư mấy trăm tỷ đồng, do ông Nguyễn Ngọc Thuật, người gốc làng Kim Đôi, xã Cẩm Hoàng, là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, “xin” được Dự án để kỷ niệm quê hương, trước khi đến tuổi, nghỉ chế độ.
            Giai đoạn khảo sát, đo vẽ, lập thiết kế Dự án, dự toán kinh phí được thực hiện trước một bước. Những người thực hiện công việc “tâm sự” với dân hai thôn Phú lộc, Phí Xá đại ý rằng : Công trình thi công xong sẽ “rất hoành tráng”.. mặt sông đảm bảo 24 mét, đáy sông thấp nhất là 8 mét.. kè đá hai bên mái và cả đáy sông.. làm lại mấy cây cầu to, rộng, vững chắc.. hai bên bờ mỗi bên có đường đi láng bê tông rộng hai mét..
            Nghe thế, tuyệt đại đa số người dân phấn khởi trước việc làm rất chi là ưu việt của Đảng và Chính phủ. Nhiều người có tài “vẽ tranh”, đã vẽ lên trong tương lai một bức tranh hoành tráng, khi công trình đưa vào sử dụng. Ngược lại, gần trăm hộ dân lấn chiếm đất ven sông, từ việc mua đất của chính quyền không có giấy tờ.. thì lo lắng khi phải phá dỡ công trình xây lấn chiếm đất ven sông.
            Tự nhiên, đội khảo sát, đo vẽ.. lại về “tác nghiệp” lần thứ hai.. lần thứ ba.. Mấy người “biết chuyện” và những người tò mò.. dò hỏi, thì được các “cán bộ” đo đạc thông tin vắn tắt rằng : “.. Do không đủ tiền.. và theo yêu cầu của chính quyền địa phương.. nên công trình này sẽ thi công.. nhỏ lại.. Mặt sông chỉ còn khoảng 20 - 21 mét, đáy sông chỉ còn khoảng 5 - 6 mét, mặt cầu cũng.. co lại... còn đường đi hai bên mé sông.. thì.. ”
             Thế là dân tình bàn luận um lên. Có người trực tính nói toạc ra rằng :
            - Ôi dào.. mặt sông may ra còn 18 mét.. đáy sông có khi chỉ còn 3 mét.. mặt cầu thì chỉ hai mét rưỡi chứ mấy... “nguyễn như vân”.. vì từ địa phương lẫn cán bộ đo đạc đã “ăn tiền” no rồi...
            - Ông dựa vào đâu mà nói như vậy ?
            - Thì.. mấy nhà lấn chiếm đất sông họ công khai nói đấy thôi.. nào là đất này xã đã bán cho tôi, tuy chẳng có giấy tờ, nhưng người thu tiền bán đất còn kia.. Muốn lấy ra làm sông.. làm kè thì bồi thường theo giá thị trường.. nào là, họ đã “đấm mõm” mấy tay đo đạc rồi.. được hứa.. trừ ra công trình xây dựng lấn chiếm.. không bị xâm phạm.. Thế là công trình này sẽ.. thành con rắn mòng.. khúc to.. khúc nhỏ...
            Mấy tháng gần đây đã tiến hành thi công các cây cầu xi măng, cốt thép. Đúng là cầu chỉ nhỉnh hơn cầu do địa phương tự làm trước đây. Mấy người tò mò gạn hỏi thì chủ thầu công trình “bộc lộ”.. thực : Xây dựng cây cầu này.. chúng tôi đã là B-4.. chỉ còn 69% giá trị dự toán.. làm sao còn đủ tiền mà làm cầu to cho.. các bác được...
            Hai bên bờ cầu đã được kè đá ta luy. Đúng là mặt sông chỉ còn độ 18 mét.. đáy sông chỉ còn khoảng 3 mét.
 Khi họ đang thi công thì gặp Đoàn kiểm tra của Bộ về “thị sát”. Đội trưởng thi công tái mặt, chạy vội đến quán bán hàng khô gần đó mua năm chiếc phong bì, nhét vào đó mỗi phong bì năm triệu đồng, trước con mắt kinh ngạc của mấy người trong quán.. Đoàn kiểm tra nhận tiền, nhưng “chỉ thị” cho đội thi công “đình chỉ” kè đá từ bây giờ cho.. đến khi Đoàn đi khỏi đây..!..!.
            Cung cách này có lẽ lời bàn tán của dân chẳng sai “chút xíu”.
            Dù nghe nói công trình Dự án này hai năm mới hoàn thành.. nhưng viễn cảnh con rắn mòng.. (công trình làm xong rồi.. ai lỡ phá đi làm lại).. Các hộ dân lấn chiếm đất ven sông sẽ bình an, khi họ đã “nôn tiền ra” thay thế là điều khó tránh khỏi. Chỉ khổ cho các hộ dân có đất cha ông, tổ nghiệp để lại, bị “xấn” làm công trình, không khéo chỉ nhận được đồng tiền bồi thường, hỗ trợ bèo bọt.
            Những người bạo miệng đánh giá Ông Thuật là người “xấu chơi” : Ai lại đi kỷ niệm cho quê hương một công trình bị “gặm nhấm” quá quắt như thế.. Chả lẽ các chủ thầu, các cán bộ tác nghiệp “ăn chặn” tiền ngân sách.. “hầu bao” của dân một cách quá trắng trợn.. vẫn “êm ru” ?.?.?.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét