Bài đăng phổ biến

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

PHIẾM ĐÀM VỀ VIỆC QUẢN LÝ


                                                       PHIẾM ĐÀM VỀ VIỆC QUẢN LÝ
          Lời tác giả : Nhân Bộ Chính trị có chỉ thị về học tập, quán triệt và triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
            Bài viết này như một ý kiến góp vào việc triển khai nghị quyết.
*          *          *
            Trong lĩnh vực điện ảnh, sân khấu, thành quả tác phẩm là công sức lao động của người Chỉ đạo nghệ thuật, Đạo diễn, Tác giả kịch bản và Diễn viên góp phần làm nên.
            Khi một tác phẩm điện ảnh, sân khấu “có vấn đề” hoặc “bị tuýt còi” thực hiện, sẽ được đem ra mổ xẻ trách nhiệm thuộc về ai ?. Thực tế, đa phần Đạo diễn là người chịu trách nhiệm chính, do việc “hư cấu” của mình (Đạo diễn mà không “hư cấu” thêm kịch bản.. làm sao mà thành công đươc?). Song đời thường, ai cũng nhận xét rằng : Chỉ đạo nghệ thuật không thể chỉ đạo sai ! Tác giả kịch bản đã được trình duyệt sản phẩm công phu, kỹ lưỡng ! Diễn viên thể hiện vai theo Đạo diễn.. Như vậy, chỉ tại Đạo diễn đưa phần “hư cấu” thêm vào kịch bản, mặc dù mong muốn tác phẩm đậm đà màu sắc nghệ thuật, nhưng đã.. “trái đường”. Chắc chắn các trường hợp Đạo diễn “có vấn đề”, đều được giải quyết rốt ráo, ngay từ khi.. bị phát hiện.
            Đối chiếu vào vai trò, trách nhiệm của những người quản lý, có thể hiểu nôm na là : Cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên (ví như vai trò Chỉ đạo nghệ thuật), đã bàn bạc thấu đáo mới đề ra chủ trương, đường lối, chính sách và biện pháp thực hiện ở từng chủ trương, cụ thể, rõ ràng. Các cơ quan quản lý cấp dưới có nghĩa vụ thực hiện (ví như vai trò Đạo diễn), khi triển khai, nếu “hư cấu” thêm, mà phần “hư cấu” ấy “chệch hướng”, sẽ làm cho tác phẩm bị biến dạng, giảm sút hiệu quả.. thậm chí ngược lại !. Khi rơi vào tình trạng này, có nhiều việc còn do “Tác giả kịch bản” hiểu và sáng tác chưa chuẩn (ví như vai trò của những người làm công tác Tham mưu), cũng góp phần đáng kể, hỗ trợ cho việc “hư cấu” của “Đạo diễn” (do báo cáo, đề xuất, xin phê duyệt, phê chuẩn.. chưa lường hết đến hậu quả xảy ra.. hoặc do tư lợi cá nhân). Chỉ có “Diễn viên” (quần chúng nhân dân) bắt buộc phải thực hiện, không thể hoặc không dám chống lại (sợ thiệt vào thân).

            Chỉ xin đơn cử “Tác phẩm thu hồi đất”, đã diễn ra :
            - Phần “Chỉ đạo nghệ thuật” của tác phẩm là cho thuê đất chưa sử dụng hoặc chậm phát triển sản xuất.. để đối tác mở mang Khu công nghiệp, Khu Chế xuất.. nhằm phát triển kinh tế-xã hội, làm giàu cho đất nước.. được xem là chủ trương, đường lối, chính sách đúng, tốt cho tương lai lâu dài.
            - Khi “Đạo diễn” thể hiện, đã “hư cấu” thêm phần thu hồi cả đất nông nghiệp, sản xuất hai vụ lúa (Đồng bằng sông Cửu Long, chẳng hạn), rồi.. mở rộng Khu đô thị, Khu biệt thự và Siêu biệt thự, Sân Gol.. (khi chưa cần thiết phải có). Việc “hư cấu” được những người làm công tác “Tham mưu, hỗ trợ “Kịch bản” từ phòng lạnh, bàn tiệc, có cả tư lợi cá nhân, nên sẽ không và kém phần khả thi. Việc làm ấy dẫn đến việc “Diễn viên” (quần chúng nhân dân) buộc phải chấp hành.
            Hiện nay, chưa ai thống kê được chính xác hệ lụy và tiềm ẩn rủi ro của tình trạng “hư cấu Tác phẩm thu hồi đất”. Khó khăn về việc giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo, khó khăn về lo công ăn việc làm cho người lao động không còn đất canh tác, khi không có tư liệu, phương tiện sản xuất. Càng suy nghĩ sâu, kỹ càng thấy bộc lộ thêm khó khăn. Việc khắc phục “tình huống” này không thể một sớm, một chiều và e rằng các hệ lụy, rủi ro còn quá lớn, kéo theo những hệ quả khác.
            Trong một gia đình nhỏ, nếu con cái mất niềm tin vào người trụ cột gia đình, sẽ gây ra các xáo trộn, bất tuân, phát sinh mâu thuẫn từ nhỏ đến lớn.. ảnh hưởng đến gia đình và xã hội.
            Đối với đất nước, nếu những người quản lý để nhân dân giảm lòng tin hay gần như không còn niềm tin, thì hậu quả sẽ như thế nào ?. Chắc không ai muốn và đừng bao giờ để nhân dân mất niềm tin vào một đường lối, chủ trương, chính sách, biện pháp thực hiện, được đề ra đúng đắn, nhưng đã bị “Đạo diễn – hư cấu” sai lệch.
            Vậy mà, trách nhiệm của những người quản lý chỉ một lĩnh vực nêu trên (chưa nói đến các lĩnh vực khác), do “Đạo diễn”, “Tác giả kịch bản” thực hiện, rõ ràng “có vấn đề”, xử lý chưa nhiều, giải quyết nửa vời, chưa giải quyết đến nơi, đến chốn, thậm chí có việc nghiêm trọng chưa được xử lý.
            Trong đợt học tập, quán triệt và triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Cần có việc kiểm điểm sâu sắc, mổ xẻ sâu, kỹ những việc làm sai của người có trách nhiệm quản lý. Chính họ phải là người đầu tiên tự kiểm điểm, hứa sửa sai, cải tiến việc thực hiện chỉ đạo của cấp trên. Cũng cần xử lý nghiêm những vụ việc điển hình ; những việc “trên bảo dưới không nghe”, hay biểu hiện “bất tuân thượng cấp” của những người dù đại biểu cho Địa phương, Bộ, Ngành, Lĩnh vực. Nếu không làm tốt vấn đề này, sẽ  không giải quyết triệt để, tận gốc các nộị dung sai lầm khác.
            Vấn đề trên đây tuy nhỏ, nhưng sẽ không nhỏ chút nào, khi tổng hợp thêm các lĩnh vực khác.
           
                                               

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét