Bài đăng phổ biến

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

NGƯỜI THÀNH PHỐ VÀ NỖI LO THẤT NGHIỆP

                                                                              
“Người thành phố” và mối lo thất nghiệp
                                        Cập nhật lúc 08:26 | 15/06/2011 (GMT+7)
            Hàng loạt hệ lụy trong quá trình đô thị hóa đã được chỉ ra tại Hội nghị công bố các ấn phẩm Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009 do Tổng cục Thống kê tổ chức sáng qua (14/6) tại Hà Nội.
            Đô thị hóa nhanh nhưng “chất lượng” thấp
Mục tiêu có 38% dân đô thị vào năm năm 2015 và 45% năm 2020 - theo ông Nguyễn Hữu Minh (Viện Nghiên cứu Gia đình và giới) là “khó đạt được”, vì với 30% dân số đô thị hiện nay, “mức độ đô thị hóa của Việt Nam chỉ tương đương với mức độ đô thị hóa trung bình của các nước Đông Nam Á cách đây 10 năm”.
Số lượng đô thị tăng lên nhanh chóng, từ 500 khu đô thị vào năm 1990 đến nay con số này đã là 753, song nhiều thành phố được hình thành và phát triển như là các trung tâm hành chính thay vì các trung tâm kinh tế, nên sự thu hút dân lao động nhập cư không cao. Cũng chính vì nhiều thành phố không được phát triển như là các trung tâm kinh tế nên quá trình đô thị hóa diễn ra không đồng đều, tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam và các đô thị loại đặc biệt.
 Thực tế, người dân đô thị được hưởng lợi nhiều hơn dân cư nông thôn và được tiếp cận với các loại dịch vụ cần thiết dễ dàng hơn, từ nhà ở, nguồn nước hợp vệ sinh, điều kiện vệ sinh, mức độ sử dụng các tiện nghi trong gia đình, giáo dục, y tế, văn hóa giải trí…
Nếu như 4,3% hộ gia đình ở vùng nông thôn không có điện thì chỉ 0,2% hộ gia đình ở đô thị của Hà Nội và TP.HCM phải chịu tình trạng đó. Mặc dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, sự phát triển của các thành phố ở Việt Nam đang gặp khó khăn do thiếu các cơ hội nghề nghiệp, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ xã hội (nhà ở, điện, nước sạch, giao thông, bệnh viện, trường học) không đáp ứng được nhu cầu của dân cư…

Thất nghiệp + bất bình đẳng
Nguyên nhân chính của đô thị hóa là do dòng di cư. Giai đoạn 2004-2009, có 6,6 triệu người di cư trong và ngoài tỉnh ở Việt Nam, đa số là thanh niên, trong đó nữ di cư tăng đáng kể. Di cư trong nước là động lực cho phát triển nhưng cũng là thách thức cho cho nền kinh tế - xã hội… 
Việc tập trung dân cư quá đông, không có qui hoạch ở các đô thị đã gây ra những hệ lụy khôn lường. Trước hết chính là việc cơ sở hạ tầng và dịch vụ xã hội bị “quá tải”. Bên cạnh đó, một bộ phận dân cư đô thị đang đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao. Tỷ lệ thất nghiệp của dân cư đô thị từ 15 tuổi trở lên là 4,6% trong khi ở  nông thôn, tỷ lệ này là 2,3%. Đáng báo động là tỷ lệ thất nghiệp đặc biệt cao trong các nhóm tuổi trẻ, chiếm đến 11,2% người lao động từ 15-19 tuổi.
            (Hiện cả nước có 2 đô thị đặc biệt là TP.Hà Nội và TP.HCM, 9 đô thị loại I, 12 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 41 đô thị loại IV và 643 đô thị loại V. Dân số đô thị ở Hà Nội và TP.HCM chiếm khoảng 1/3 tổng dân số đô thị toàn quốc. Khoảng 8% dân số nông thôn từ 15 tuổi trở lên có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, trong khi tỷ lệ này ở khu vực đô thị là 25,4%.)
Theo các chuyên gia, con số đáng báo động này phản ánh tình trạng đang tăng lên của lực lượng lao động trẻ và cấu trúc kinh tế quốc gia đã không đủ khả năng cung cấp việc làm cho những người lao động trẻ đang tham gia vào thị trường lao động, nhất là ở khu vực đô thị.
Từ thực trạng của quá trình đô thị hóa, các chuyên gia đề xuất phải đảm bảo để quá trình đô thị hóa được quản lý một cách thích hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển tiếp tục về kinh tế - xã hội và con người của đất nước và có chính sách thích hợp cho sự phát triển đô thị cân đối hơn trong tất cả các vùng.
Ông Bruce Campell – quyền Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam – nhấn mạnh đến việc cần đầu tư cho giáo dục để duy trì tính bền vững của tăng trưởng kinh tế - xã hội của Việt Nam. “Hiện nay, Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình, đầu tư cho giáo dục để đáp ứng được những yêu cầu đặc biệt của thị trường trong nước và toàn cầu là hết sức cần thiết”- vị này phát biểu.
Để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, điều quan trọng là các chính sách và biện pháp cần hướng tới việc nâng cao khả năng cạnh tranh và sức hấp dẫn của các đô thị nhỏ hơn, nhất là các vùng nông thôn để giảm bớt sự khác biệt, bất bình đẳng giữa đô thị và nông thôn – yếu tố hàng đầu tạo nên sự tăng trưởng dân số đô thị hiện nay.

 Huy Anh
Nguồn : Báo Pháp Luật Việt nam, Trang Pháp Luật – Kinh tế
                    số 166 (4.592), Thứ Tư ngày 15-6-2011



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét