Bài đăng phổ biến

Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2011

SỰ GIẢN DỊ ĐÂU RỒI ?


                                              Sự giản dị đâu rồi ?
          Người Việt chúng ta thường tự hào về đức tính giản dị của dân tộc mình, coi sự giản dị là chuẩn mực đạo đức, là lối sống tốt đẹp cần học tập và làm theo. Nhưng thực tế hiện nay đã chứng minh ngược lại rằng người Việt thuộc loại thích xa xỉ bậc nhất, còn sự giản dị nếu có thì đã bị bỏ rơi, hoặc giản dị chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng, do người ta nghĩ ra để giáo dục người khác mà thôi.
            Câu chuyện về nhập khẩu hàng xa xỉ mỗi năm hàng chục tỷ đô-la đã quá cũ, giờ đây con số đó cứ đều đều tăng hàng năm, năm sau cao hơn năm trước. (Nghe sao mà giống báo cáo thành tích thế). Riêng ô tô đã chiếm 1 tỷ nên các vị có trách nhiệm quyết liệt siết nhập phương tiện thể hiện sự giàu sang này bằng cách… quản lý chặt thủ tục nhập khẩu. Thống kê gần đây nhất cho biết người Việt ta ăn chơi hơn hẳn Hàn Quốc và Hồng Kông, chỉ riêng tiêu thụ bia ngoại dòng xịn thôi nước ta sắp dẫn đầu thế giới, vượt cả Mỹ và Pháp, có đáng tự hào không ?.

 
            Những bờ xôi, ruộng mật sản xuất ra đủ các loại ngũ cốc ngon lành, niềm tự hào văn minh lúa nước đã bị san bằng để lắp đặt nhà máy bia công suất hàng tỷ lít mỗi năm, nếu ai đó không tin cứ nhìn sang phía bên kia sông Đà thì biết. Hy vọng nhà máy bia nội này sẽ ế vì lúc đó nông dân chuyển sang xài dòng bia ngoại cao cấp lâu rồi.
Thời kinh tế khó khăn mà thương gia vẫn xơi rùa vàng 85 triệu một con, mỗi bữa 2 con, mỗi tuần hai bữa, nếu so sánh với phở bò Kô-be 40 đô la một bát thì người ăn loại phở này chỉ vào loại tiểu gia.
Thật ra, chỉ có những người tận thu tài nguyên nước mình bán sang nước ngoài thì mới ăn được như thế. Một cái tít báo thôi cũng đủ phản ảnh nghịch lý giữa văn hóa và kinh doanh : “Nghệ thuật ẩm thực cung đình Huế : 6 triệu đồng một xuất ăn”. Đây không phải chiêu hút tiền khách du lịch nước ngoài đâu nhé mà chủ yếu phục vụ cho người bản xứ, họ ăn thản nhiên như không có một phần tư triệu người đang đói cơm ở Thanh Hóa.
            Sự xài sang này bắt nguồn từ đâu vậy ? Dứt khoát không phải từ mấy ông bà nông dân vừa được đền bù đất nông nghiệp, cũng chẳng phải từ các viên chức nhà nước cọc cạch vài đồng lương, các doanh nhân chân chính lại càng không phải, với họ, tiền bạc quý như máu của mình. Dù từ ai đi chăng nữa thì xài xe sang, ở nhà lớn, ăn thú hiếm, uống bia ngoại, rượu tây, tẩm bổ bằng sừng tê giác Châu Phi… trong một đất nước có gần 5 triệu hộ nghèo và cận nghèo thì đó không phải là một hành vi văn hóa để mọi người học tập và noi theo./.

            Tác giả : Nhị Ngọc
            Nguồn  : Báo Pháp Luật Việt Nam, Trang Pháp luật- Học đường
                 Số 159 (4.585), Thứ Tư, ngày 8-6-2011.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét