Bài đăng phổ biến

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

CÒN HƠN KẺ CƯỚP !

                                                                           
                                                                   Còn hơn kẻ cướp
          Một người đàn ông đi đường bị hai tên áp sát giật túi tiền trên xe máy của anh ta. Người đàn ông này cố sống cố chết giữ chặt túi tiền không cho chúng giật. Hai tên cướp không thể cướp được đành bỏ chạy. Túi tiền bung ra, người đi đường xúm lại nhặt tiền, hàng phố hai bên đường cũng đổ ra tranh cướp. Có khoảng ba chục người thi nhau nhặt những đồng tiền từng bị cướp hụt này bất chấp người đàn ông đau khổ bất lực đứng nhìn đồng tiền máu thịt của mình rơi vào tay người khác.
            Có thể nào lại như thế trong một xã hội văn minh và dân tộc vốn coi trọng đạo lý “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” ? Người bị cướp kia có thể chỉ chống chọi lại được hai tên cướp, anh ta không thể chống lại ba mươi kẻ cướp cùng một lúc. Hai tên cướp kia biết việc làm của mình là phạm pháp và phi nghĩa nên vội vã chạy trốn, còn ba chục kẻ nhân cơ hội mà cướp kia tự cho mình cái quyền được cướp nên thoải mái nhặt nhạnh, mà không lo bị bắt. Thay vì đuổi theo bắt cướp như đạo lý thường tình thì họ làm nốt cái việc mà bọn kẻ cướp đích thực kia không làm được …

            Lý giải hiện tượng vô nhân tính này, liệu có thể khác đi không nếu không phải là hệ quả của một nền giáo dục không chăm lo đến đạo lý làm người ? Và, đây có phải là hiện tượng phản ánh thói đạo đức rởm của các bậc “bề trên” ăn chặn cả tiền, gạo cứu trợ đồng bào thiên tai, cướp cạn dự án dành cho người nghèo, vớt vát chút của cải nổi lên của chiếc tàu chìm, còn để mặc cho nó đắm với rất nhiều sinh mạng ? Hàng ngày, hàng giờ nhan nhản những hiện tượng thấy người bị tai nạn giao thông thì xúm vào để móc điện thoại di động, rút ví của nạn nhân rồi thi nhau bắt vạ người gây ra tai nạn, bất chấp đúng-sai. Đến những vụ việc tang thương như sập mỏ đá Lèn Cờ mà bọn đạo tặc thừa cơ lẻn vào trộm cắp xe máy của thân nhân những người xấu số. Hiện tượng phi nhân tính đã không còn là hy hữu, cần mạnh mẽ lên án nhằm ngăn chặn ngay sự suy thoái đạo đức cộng đồng đang có nguy cơ lan rộng./.

            Tác giả : Nhị Ngọc
            Nguồn : Báo Pháp Luật Việt Nam, trang Văn hóa – Xã hội
                                    Số 169 (4.595), Thứ bảy ngày 18-6-2011.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét